Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Quyết định 4520 của UBND thành phố Hà Nội về giá trần dịch vụ chung cư sẽ chỉ có hiệu lực đến hết tháng 3 và kể từ ngày 1-4 tới sẽ đề nghị áp dụng theo khung giá dịch vụ cho phù hợp hơn với thực tiễn...
Mâu thuẫn về phí dịch vụ từng diễn ra khá gay gắt tại khu căn hộ Keangnam Hà Nội. Ảnh: Minh Tuấn. Khung giá dịch vụ: linh hoạt vận dụng
|
Ông Trần Hợp Dũng, Trưởng phòng Quản lý Kinh tế, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Quyết định 4520 của UBND thành phố Hà Nội về giá trần dịch vụ chung cư chỉ có hiệu lực áp dụng đến hết tháng 3-2013 và kể từ ngày 1-4 tới việc tính phí dịch vụ tại các khu căn hộ sẽ phải áp dụng theo quy định mới.
Cụ thể theo đề xuất của liên ngành Xây dựng - Tài chính - Tài nguyên môi trường - Cục thuế Hà Nội, Ban Quản trị nhà chung cư quyết định giá dịch vụ nhà chung cư.
Trường hợp chưa thành lập được Ban Quản trị thì phải được sự chấp thuận của trên 50% hộ dân đang sống tại nhà chung cư.
Dự kiến với nhà chung cư không có thang máy mức giá tối thiểu là 480 đồng/m2 và giá tối đa là 4.500 đồng/m2; với nhà chung cư có thang máy mức giá tối thiểu là 850 đồng/m2 và giá tối đa là 12.500 đồng/m2.
Trong khung giá nếu trên chưa bao gồm các dịch vụ cao cấp, ví dụ như tắm hơi, bể bơi, sân tennis hoặc các dịch vụ cao cấp khác.
Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, nguyên tắc xây dựng giá dịch vụ nhà chung cư tuân theo những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự và Thông tư 37 của Bộ Xây dựng.
Giá dịch vụ nhà chung cư được xác định theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí, một phần lợi nhuận hợp lý để quản lý, vận hành nhà chung cư hoạt động bình thường và được trên 50% các thành viên Ban quản trị nhà chung cư thông qua.
Trường hợp giá dịch vụ đã được thỏa thuận trong hợp đồng mua bán căn hộ thì phải thực hiện như thỏa thuận đã ký. Trường hợp người dân sử dụng thêm các dịch vụ cao cấp khác thì phải thỏa thuận riêng với bên cung cấp dịch vụ và không tính vào giá dịch vụ.
Tranh chấp chung riêng: Nên đưa ra tòa
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, hàng loạt tranh chấp sở hữu chung-riêng tại các toà nhà chung cư đang diễn ra hết sức nóng bỏng. Tại toà nhà Hà Thành Plaza tại 102 Thái Thịnh, chủ đầu tư đã tự ý sử dụng không gian và diện tích chung.
Thậm chí mang cả tầng kỹ thuật chung của toà nhà ra cho thuê nhà hàng kinh doanh ăn uống. Tại toà nhà 96 Định Công, người dân và chủ đầu tư vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về sở hữu chung - riêng.
Tại hàng chục tòa chung cư khác tại Hà Nội cũng đang diễn ra tình trạng tương tự. Để giải quyết tranh chấp tại đây, theo ông Trần Hợp Dũng, bên mua nhà và bên bán nhà cần tuân thủ nội dung hợp đồng mua bán đã ký kết và các quy định của pháp luật, kết quả thẩm định của cơ quan liên ngành thành phố.
“Đối với tranh chấp sở hữu chung riêng, Sở Xây dựng không thể cứ tiếp tục đi giải quyết tất cả các trường hợp cụ thể của hàng trăm toà nhà mà chỉ có thể hướng dẫn về chính sách. Nếu không ngồi lại được với nhau thì các bên hoàn toàn có thể đưa ra tòa án giải quyết”- ông Dũng nói.
Liên quan đến kiến nghị của một số hộ dân tại khu căn hộ 151 Thụy Khuê (chung cư Golden Westlake Hà Nội), bà Lê Thị Loan, Phó giám đốc Sở Tài chính Hà Nội khẳng định, Sở Tài chính cùng với liên ngành (Xây dựng, Cục thuế Hà Nội, Tài nguyên môi trường...) thẩm tra rất kỹ, đúng pháp luật và đã vừa ra văn bản hướng dẫn Ban đại diện cư dân và chủ đầu tư thực hiện.
Theo đó, mức phí trông giữ phương tiện tại tầng hầm nhà chung cư 151 Thụy Khuê mà chủ đầu tư được thu không quá 2,5 triệu đồng/tháng/xe ô tô (cả ngày, đêm). Sở Tài chính đã yêu cầu chủ đầu tư phải công khai, niêm yết rộng rãi quyết định nêu trên để người dân biết thực hiện...
Qua tổng hợp ý kiến của trên 2.000 hộ dân, 330 chủ đầu tư, UBND quận huyện và quá trình giải quyết tranh chấp tại 6 dự án, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng việc ban hành giá trần dịch vụ đã dẫn đến có nhiều người cố tình hiểu đây là mức cao nhất được thu mà không tính đến chất lượng, tần suất dịch vụ, chi phí của chủ đầu tư...
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong