Dự án cao ốc Phố Đông – Hoa Sen tại phường Phước Long B, quận 9, một trong những dự án Hoa Sen Group vừa chuyển nhượng cho đối tác để rút khỏi lãnh vực bất động sản. Ảnh: Đình Dũng |
Khó khăn kéo dài trên thị trường địa ốc đang khiến nhiều doanh nghiệp chao đảo, buộc không ít công ty phải cấu trúc lại danh mục đầu tư của mình, tìm cách sang nhượng lại dự án cho đối tác khác; và cũng đã có công ty đầu tư nói lời chia tay bất động sản.
Quay về năng lực lõi
Cách đây vài năm, thời thị trường địa ốc bùng nổ đã có không ít doanh nghiệp ở nhiều lãnh vực khác nhau tìm cách đầu tư lấn sân sang lãnh vực bất động sản, phát triển các dự án căn hộ. Hoa Sen Group cũng đã từng có tham vọng vươn ra khỏi năm lãnh vực hoạt động chính gồm tôn thép, vật liệu xây dựng, đầu tư tài chính, cảng biển và logistics để đầu tư vào bất động sản.
Công ty này khởi công dự án cao ốc Phố Đông – Hoa Sen tại phường Phước Long B, quận 9, TPHCM vào cuối năm 2009, như bước khởi đầu cho chiến lược mở rộng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Dự kiến khi hoàn thành dự án chung cư này sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 200 căn hộ, và đây là một trong ba dự án được Hoa Sen lên kế hoạch phát triển tại khu vực quận 9.
Thế nhưng chỉ hơn hai năm xây dựng, công ty này đã quyết định chuyển nhượng lại 50% phần vốn góp của mình cho đối tác liên doanh là Công ty cổ phẩn đầu tư phát triển Phố Đông. Thị trường bất động sản không thuận lợi đã khiến công ty này phải quyết định dừng triển khai các dự án bất động sản khác.
Công ty này đang tìm đối tác để chuyển nhượng lại dự án căn hộ Hoa Sen Phước Long B có quy mô 400 căn hộ tại quận 9. Dự án có vốn đầu tư khoảng 520 tỉ đồng, và hiện công ty này đã giải ngân gần 46 tỉ đồng vào dự án này.
Ở một dự án khác, Hoa Sen Group cũng đang tìm đối tác chuyển nhượng lại dự án căn hộ Hoa Sen Riverview trên đường Bưng Ông Thoàn, phường Phú Hữu, quận 9. Trong số tổng dự toán đầu tư 650 tỉ đồng, công ty này cho biết đã đầu tư vào dự án này gần 45,5 tỉ đồng.
Ngoài ra, công ty này cũng đang xúc tiến việc chuyển nhượng lô đất trên đường Trần Não, phường Bình An, quận 2 sau khi đã chi hơn 52 tỉ đồng vào dự án văn phòng trụ sở của công ty với tổng số vốn đầu tư khoảng 80 tỉ đồng.
Tình hình kinh tế vĩ mô khó khăn, cộng với sự trượt dài của thị trường địa ốc đã buộc Hoa Sen Group phải tính toán lại danh mục đầu tư của mình, tìm cách bán lại các dự án bất động sản để tập trung nguồn vốn phát triển các ngành kinh doanh cốt lõi gồm tôn, thép và nhựa.
Phát biểu với các cổ đông tại đại hội đồng cổ đông ngày 22-3, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen Group, thẳng thắn thừa nhận những biến động kinh tế và thị trường bất động sản vừa qua là bài học cho công ty, và do vậy công ty sẽ “không đi lan man nữa”.
Cũng với chủ trương tập trung vào năng lực lõi, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) sẽ ngừng việc đầu tư vào dự án "Tổ hợp khách sạn 5 sao, Trung tâm thương mại, Công viên giải trí và Tháp Dầu khí tại khu đất 25 ha tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Trong công văn chỉ đạo ngày 12-3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu PetroVietnam không tiếp tục thực hiện dự án để tập trung nguồn lực cho hoạt động của ngành, nghề kinh doanh chính theo đúng chủ trương của Chính phủ.
Cụm dự án này sẽ được chuyển giao cho Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam tiếp tục thực hiện, và PetroVietnam chỉ tham gia góp vốn làm văn phòng của tập đoàn với mức tối thiểu và không lấy tên của tập đoàn trong dự án này.
Bình luận về xu hướng này, giám đốc đầu tư của một công ty địa ốc cho rằng với những khó khăn hiện nay, trên thị trường rồi đây sẽ chỉ còn lại những nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp; hơn nữa thực tế cho thấy lãnh vực địa ốc chưa bao giờ là lãnh vực dễ ăn.
Co cụm để tồn tại
Trong lúc các công ty ngoài ngành đang từng bước thoái vốn khỏi các dự án đầu tư địa ốc thì những công ty chuyên nghiệp cũng đang rất căng thẳng với tình cảnh hiện nay của thị trường. Để xoay xở nguồn vốn đầu tư nhiều công ty đang nỗ lực tìm cách sang nhượng lại các dự án, quỹ đất của mình.
Tại đại hội cổ đông ngày 20-3 vừa qua, Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng cho biết sẽ thanh lý đất dự án quận 2, 9 và bán đất làm văn phòng công ty tại quận 7, TPHCM trong chiến lược tái cơ cấu vốn của công ty.
Bên cạnh mục tiêu bán 70 căn hộ dự án Lacasa trong năm nay, Vạn Phát Hưng dự kiến sẽ phát hành 300 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi để bổ sung vốn lưu động cho kế hoạch ngắn hạn và dài hạn.
Tương tự, Công ty cổ phần phát triển hạ tầng và bất động sản Thái Bình Dương (PPI) đang tìm kiến nhà đầu tư để hợp tác hoặc chuyển nhượng lại hai dự án bất động sản tại quận Thủ Đức TPHCM.
Công ty này đang chào giá 29 triệu đồng/mét vuông cho khu đất rộng khoảng 2.400 mét vuông được dùng để phát triển dự án văn phòng và căn hộ PPI Tower tại phường Hiệp Bình Chánh; đồng thời cũng tìm đối tác đầu tư cho dự án khu phức hợp Water Garden cũng thuộc phường trên. Khu đất rộng khoảng hai hécta của dự án đang chào bán với giá 15 triệu đồng/mét vuông.
Năm 2012 được xem là năm của hoạt động mua bán sáp nhập, là cơ hội của các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, không chỉ các công ty nước ngoài mà cả nhà đầu tư trong nước.
Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT Sohovietnam – chuyên lãnh vực tiếp thị và tư vấn chuyển nhượng dự án bất động sản, cho biết chưa bao giờ nhu cầu chuyển nhượng dự án bất động sản lại nhiều như hiện nay. Nhiều chủ đầu tư đang thông qua công ty này để chào bán 80 dự án bất động sản, với loại hình từ dự án căn hộ, đất xây tổ hợp, đất xây văn phòng, khu đô thị đến khu nghỉ dưỡng.
Có rất nhiều nguyên nhân, theo ông Cần, khiến cho số lượng các dự án bất động sản chào bán ngày càng tăng. Bên cạnh tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ và lãi suất ngân hàng, tính thanh khoản của thị trường quá kém khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản lâm vào tình trạng khó khăn và buộc phải tính đến phương án bán dự án.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản nhưng lại nhảy vào thị trường này lúc sốt bằng cách lấy tiền lãi từ ngành nghề kinh doanh chính để mua dự án, nhưng bây giờ không triển khai được và buộc phải bán dự án để quay lại ngành nghề kinh doanh chính hoặc cứu doanh nghiệp khi mà ngành nghề kinh doanh chính cũng khó khăn.
Theo ông Cần, thị trường bất động sản hiện nay đang có sự sàng lọc mạnh mẽ, chọn chủ đầu tư có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm phát triển và loại bỏ doanh nghiệp yếu và thiếu kinh nghiệm.
“Có thể nói, thị trường bất động sản đang tái cấu trúc lại và trong 2-3 năm tới, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ có bộ mặt mới,” ông Cần nhận định.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG