15 năm nay, người dân phường 28, Q. Bình Thạnh, TP.HCM sống trong cảnh bị cái “quy hoạch treo” lơ lửng trên đầu. Xây sửa nhà, bán chác gì cũng không xong
Nay Thủ tướng có ý kiến đồng ý với chủ trương của TP.HCM về xúc tiến kêu gọi đầu tư một khu phức hợp vui chơi, giải trí tại khu bán đảo Thanh Đa – Bình Quới (quận Bình Thạnh), liệu người dân khu vực chính thức chia tay với "quy hoạch treo"?
Ngay sau khi có sự đồng ý của Thủ tướng về việc xây dựng bán đảo Thanh Đa, SGTT đã trao đổi với một số nhà chuyên môn.
KTS Khương Văn Mười, chủ tịch Hội KTS TP.HCM nói: “Việc phê duyệt này là chìa khoá để thúc đẩy tiến trình nhanh hơn. Theo tôi, đến thời điểm này, Thanh Đa có quỹ đất trống tương đối tập trung. Đây là tiền đề để thu hút những nhà đầu tư lớn. Không nên tổ chức thi thiết kế mà chỉ nên kêu gọi các nhà đầu tư tham gia dự án. Nếu có nhiều nhà đầu tư cùng quan tâm thì có thể đấu thầu. Điều quan trọng nhất cần xem xét là kinh nghiệm, năng lực của nhà đầu tư. Nhà nước chỉ nên quản lý phần khai thác sử dụng đất còn thiết kế nên dành cho nhà đầu tư chủ động. Nhà nước cũng cần đảm bảo tiến hành mở rộng hệ thống giao thông đáp ứng nhu cầu”.
KTS Lưu Trọng Hải: “Nếu hiểu khái niệm chức năng phức hợp giải trí không chỉ là du lịch thuần tuý thì theo tôi là hợp lý. Trước đây, chúng ta muốn xây dựng Thanh Đa thành một khu du lịch và nhiều nhà đầu tư đã vào tìm hiểu nhưng không triển khai được vì nếu chỉ thuần tuý làm du lịch thì khó thu hồi vốn nhanh. Theo tôi, có thể mời gọi 1 hoặc thậm chí 2 - 3 nhà đầu tư cùng tham gia dự án để tăng tính khả thi, đẩy nhanh tiến độ. Việc cần làm trước mắt là kết nối hạ tầng giao thông với Thanh Đa”.
Trong một cuộc trao đổi với SGTT từ hơn một năm trước, một KTS nói: “ở một khía cạnh nào đó, thực ra triển khai quy hoạch Thanh Đa chậm cũng… tốt bởi lúc triển khai quy hoạch, ta chưa có nhà đầu tư đủ lớn. Đến lúc có nhà đầu tư mạnh, Thanh Đa vẫn còn quỹ đất trống đủ để thực thi dự án mà không quá tốn kém!”.
Ngược dòng, có thể thấy vấn đề quy hoạch khu vực Bình Quới - Thanh Đa đã kéo dài 15 năm nay, qua 3 nhiệm kỳ chủ tịch UBND TP và nay sang đến nhiệm kỳ của người thứ tư.
13 năm quy hoạch treo
Ngày 17.8.1992, ông Nguyễn Văn Huấn – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM – có thông báo về nhiệm vụ quy hoạch khu Bình Quới thành khu văn hoá thể thao, du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí. Đến ngày 29.12.1992, UBND TP.HCM có quyết định thành lập Ban chỉ đạo quy hoạch khu Bình Quới, đứng đầu là ông Võ Viết Thanh – Phó Chủ tịch UBND TP lúc đó.
Ngày 10.7.1993, thành phố phê duyệt quy hoạch này. Kể từ đó, các hoạt động liên quan đến đất đai, xây dựng trên địa bàn phường 28 phải dừng để chờ quy hoạch.
Tháng 12.2000, UBND TP phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết khu bán đảo Thanh Đa (tỷ lệ 1/5.000) với tính chất là “khu du lịch - văn hoá - giải trí và dân cư gắn với du lịch của TP”.
Sau hơn 10 năm không tìm được các nhà đầu tư nước ngoài để thực hiện ý tưởng quy hoạch nói trên, ngày 14.6.2004, UBND TP chỉ định Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn làm chủ đầu tư của dự án xây dựng khu đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa, bằng Quyết định thu hồi và tạm giao đất số 2740 (ngày 14.6.2004). Khu này có tổng diện tích 410,1ha. Trong phạm vi dự án có 3.025 hộ dân, với gần 10.000 nhân khẩu. Theo Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn, tổng mức đầu tư của dự án này lên đến 3,5 tỉ USD, quá lớn và quy hoạch chưa được phê duyệt chính thức, nên tổng công ty này gặp nhiều khó khăn trong kêu gọi đầu tư, lập phương án đền bù...
Việc phê duyệt này là chìa khoá để thúc đẩy tiến trình nhanh hơn. Theo tôi, đến thời điểm này, Thanh Đa có quỹ đất trống tương đối tập trung. Đây là tiền đề để thu hút những nhà đầu tư lớn
H.H- H.S (tổng hợp) -Theo Sài Gòn Tiếp Thị