Một trong ba giải pháp cấp bách để bình ổn thị trường bất động sản (BĐS) do ông Nguyễn Hồng Quân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đưa ra trong buổi giao lưu trực tuyến vừa qua là “lập sàn giao dịch BĐS”.
Đây là kế hoạch được đề cập trong Luật Kinh doanh BĐS ra đời cách đây hơn một năm khi BĐS còn ở thời hoàng kim (năm 2007). Nhưng đến nay, khi thị trường BĐS chuyển sang đóng băng vẫn chưa thấy xuất hiện một sàn giao dịch nào có thể gọi là chuẩn mực, đáp ứng các yêu cầu của Luật Kinh doanh BĐS.
Theo Nghị định 153, ngày 1-1-2009 sẽ là thời điểm kết thúc thời hạn dành cho lộ trình chuyển đổi hoạt động của các sàn giao dịch cũ sang chuẩn mới theo quy định của pháp luật đang đến gần nhưng hầu hết các trung tâm, văn phòng giao dịch vẫn chưa tìm ra hướng đi nào rõ ràng.
Hiện Bộ Xây dựng mới cho phép Công ty Cổ phần Đầu tư và Địa ốc Sài Gòn Chợ Lớn (Inresco) phối hợp với Công ty TNHH BĐS Phát Hưng thực hiện xây dựng thí điểm “sàn giao dịch BĐS chuẩn” đầu tiên với diện tích 400 m2, đặt tại TPHCM. Dự kiến sàn sẽ thực hiện giao dịch thí điểm vào quý II/2008 nhưng đến nay cũng chưa có kết quả khả quan ngoài những lời kêu khó!
Ông Đặng Văn Thạnh, Giám đốc tiếp thị Công ty Phát Hưng, người trực tiếp phụ trách đề án này, cho biết trước nay thói quen của các nhà đầu tư đều giao dịch thiếu minh bạch trên thị trường mua bán BĐS. Do vậy, không phải ai cũng muốn công khai mọi thông tin mua bán trên sàn bao gồm giá cả giao dịch.
Theo các chuyên gia, việc bình ổn thị trường BĐS cần phải tiến hành gấp rút vì khi thị trường này sụp đổ sẽ kéo theo phản ứng dây chuyền và ảnh hưởng đến cả nền tài chính quốc gia. TS Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược Ngân hàng Nhà nước (SBV), cho biết tại Mỹ, bong bóng nhà đất chỉ vượt giá trị thực 10%-11%, tại Anh, dự đoán vào khoảng 30% và Pháp là 20%... Thế nhưng, tại VN con số này đã đội lên gấp đôi, gấp ba so với giá trị thực. Trong khi đó, năng lực tài chính để cứu thị trường của VN thì có hạn, nếu thị trường BĐS sập, hệ thống ngân hàng sẽ khó tránh khỏi những hệ lụy nặng nề.
Theo thống kê, các ngân hàng cho vay kinh doanh BĐS chỉ bằng 10% tổng tài sản, nhưng thực chất việc dùng BĐS để thế chấp vay đã chiếm tới 50% tài sản ngân hàng, một con số bất ngờ cho hệ thống tài chính của cả nước.