Hình như các vụ việc đang diễn ra theo một kịch bản định sẵn. Đó là chủ đầu tư đập – dân phát hiện – báo chí lên tiếng – địa phương ban ngành vào cuộc. Cái nào dân biết sớm thì sống, còn cái nào dân biết muộn thì coi như tiêu.
‘Chuyện đã rồi’ là kịch bản phổ biến nhất đối với việc phá dỡ các biệt thự xưa.
|
Các sở, ngành đều nhận được văn bản yêu cầu dừng tháo dỡ biệt thự cổ, chỉ duy nhất UBND quận 3 ngày 13/10 tổ chức họp báo, thông tin chưa nhận được “lệnh” dừng, đã dấy lên nghi ngờ có cái gì đó không ổn trong vụ phá bỏ hai căn biệt thự cổ ở địa chỉ 243 Cách Mạng Tháng 8, phường 4, quận 3, TP.HCM.
Điều đáng nói, ngay trong ngày quận 3 tổ chức họp báo, việc đập phá hai căn biệt thự trên lại được đẩy nhanh tốc độ, bằng việc huy động cả máy xúc đến. Động thái này diễn ra trong bối cảnh UBND TP.HCM có văn bản khẩn gửi đến nhiều sở, ngành, UBND quận đề nghị đích thân chủ tịch UBND quận 3 phải trực tiếp xuống kiểm tra và ngăn chặn việc phá biệt thự cổ và có trách nhiệm báo cáo cụ thể để xảy ra vụ việc, tại sao không có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu.
Trước đó, nhận được phản ánh từ người dân, ngày 4.10, sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM đề nghị ngưng việc tháo dỡ để sở này và trung tâm Nghiên cứu kiến trúc thực hiện việc kiểm kê, đánh giá. Tuy nhiên, chủ đầu tư phớt lờ. Đến ngày 10.10, viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng có văn bản nhắc nhở lần nữa thực hiện nghiêm túc đề nghị của sở Quy hoạch – kiến trúc, nhưng chẳng ai quan tâm.
Cũng liên quan đến việc phá bỏ biệt thự cổ, tháng 7/2016, khi người dân tình cờ phát hiện biệt thự cổ ở địa chỉ 12 Lý Tự Trọng, quận 1, bị tháo dỡ điện cho báo chí vào cuộc thì UBND phường Bến Nghé, quận 1 mới biết vụ việc và đến kiểm tra, ghi nhận công trình đã bị tháo dỡ xà gồ gỗ, mái ngói và tường. Hay, tại quận Bình Thạnh, căn biệt thự có tuổi thọ 100 năm tuổi ở số 237 Nơ Trang Long cũng bị người dân lén lút đập bỏ, mà UBND phường 12 và UBND quận không hay biết. Chỉ đến khi báo chí lên tiếng, địa phương mới chỉ đạo ngưng thi công.
Kể mấy vụ việc trên để thấy, hình như các vụ việc đang diễn ra theo một kịch bản định sẵn. Đó là chủ đầu tư đập – dân phát hiện – báo chí lên tiếng – địa phương ban ngành vào cuộc. Cái nào dân biết sớm thì sống (như biệt thự cổ ở Nơ Trang Long đang chờ phục hồi nguyên trạng); còn cái nào dân biết muộn thì coi như tiêu (như biệt thự ở Lý Tự Trọng, chính quyền cho rằng không thể phục hồi như cũ nên xin xây dựng cao ốc, hay biệt thự cổ ở 243 Cách Mạng Tháng 8 đến nay đã đập xong thì làm sao khôi với phục?).
Câu hỏi đặt ra ở đây là trách nhiệm thuộc về ai?
Theo quận 3 thì quận này không nhận được lệnh dừng, hơn nữa dự án xây trụ sở Công an quận 3 (nơi đang đập hai căn biệt thự cổ – PV) có sự thẩm định của sở Quy hoạch – kiến trúc. Sở Quy hoạch – kiến trúc có tham khảo các phương án về thực hiện dự án, và hơn ai hết sở Quy hoạch – Kiến trúc biết rất rõ các biệt thự trong khuôn viên của trụ sở Công an quận 3. Sở Quy hoạch – kiến trúc đã có ý kiến về dự án này từ nhiều năm trước. Việc thẩm định thiết kế ban đầu đều có ý kiến của sở Quy hoạch – kiến trúc. Đặc biệt, ở dự án trên, quận 3 không phải là đơn vị tháo dỡ, mà chỉ nhận trách nhiệm xây dựng khi có mặt bằng.
Chỉ nhìn cách quản lý trên cũng đủ thấy lỏng lẻo, vì vậy chuyện hiện tại TP.HCM tồn tại những căn biệt thư “dị dạng” đập hết không được, phục hồi không xong.
Sở dĩ có hiện tượng “lén lút” đập biệt thự cổ với “kịch bản tồi” như trên, ngoài nguyên nhân quản lý lỏng lẻo còn do hầu hết biệt thự cổ nằm ở khu đất “vàng”, nên nhiều chủ nhân bất chấp luật. Do đó, để những biệt thự cổ được trường tồn, trước mắt chính quyền TP.HCM phải nhanh chóng đánh giá lại hoàn toàn thực trạng trên địa bàn, từ đó, hoàn thiện cơ chế hỗ trợ trùng tu, sửa chữa, bảo tồn (tránh chuyện biệt thự cổ xuống cấp nhưng không được sửa chữa, tạo lý do cho chủ nhà, chủ đầu tư “lén lút” đập), để tạo cảnh quan và nâng cao giá trị kiến trúc của TP.HCM, thu hút khách du.
DiaOcOnline.vn - Theo TGTT