Nội dung thanh tra về vụ cấp đất sai thẩm quyền trên 3,3 nghìn ha đất công tại huyện Tân Uyên bị “chìm xuồng” hơn 1 năm nay, chưa thấy ai xử lý...
Ngày 12/12/1996 UBND tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương) có hai quyết định chia tách phần đất do Nông lâm trường chiến khu D (tổng diện tích là 12.640ha) thành 2 phần diện tích: 5.803ha giao cho Nông trường chiến khu D quản lý và phần còn lại giao cho UBND huyện Tân Uyên là 6.837ha.
Báo cáo trên sổ sách, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tân Uyên cho biết huyện đã ra quyết định cấp cho các hộ gia đình, cá nhân hơn 5.579 ha/ 6.837ha.
Tuy nhiên khi kiểm tra, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương phát hiện UBND huyện đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) trên phần diện tích lên tới trên 10.045ha, đã giao đất nhiều hơn số lượng cho phép là 3.365ha ?
Số đất này lấy ở đâu ra?
Theo giải trình của UBND huyện Tân Uyên, sở dĩ xảy ra việc này là do tình hình ranh giới giữa huyện quản lý và đất Nông lâm trường (do Chi cục kiểm lâm) quản lý có phức tạp, không được cắm mốc cụ thể nên huyện cấp “nhầm” qua phần đất lâm phần của Chi cục Kiểm lâm. Diện tích cấp sai 3.365ha thuộc các tiểu khu từ 517 đến 525.
Giải thích này không thuyết phục được cơ quan chức năng, bởi không dừng ở việc cấp đất sai thẩm quyền trên 3,3 nghìn ha đất rừng, vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng (quy định thẩm quyền chuyển đổi một phần hay toàn bộ khu rừng do chủ tịch UBND.TP tỉnh, TP trực thuộc trung ương xác lập) huyện Tân Uyên còn cấp cho các đối tượng không thuộc diện được giao đất…
Bởi trong 4.381 trường hợp được UBND huyện Tân Uyên cấp giấy CNQSDĐ trên diện tích 10.045ha, có tới 42% (tương đương với 1.843 người) là cấp sai đối tượng, tức là cấp cho những người có địa chỉ thường trú ngoài địa phương (ngoài huyện, ngoài tỉnh). Cơ quan chức năng cho rằng việc giấy CNQSDĐ này là hoàn toàn trái luật.
Giải quyết chưa xong vụ "chia đất" cao su tại huyện Bến Cát, nay tỉnh Bình Dương tiếp tục đối diện với "sự thật" phải xử lý về vụ "giao nhầm" trên 3,3 nghìn ha đất rừng tại huyện Tân Uyên Nhiều đối tượng được UBND huyện giao đất nhưng không trực tiếp sản xuất mà mua đi bán lại kiếm lợi nhuận như ông Nguyễn Văn Hồng được cấp 4,7ha, bán cho ông Bốn, ông Bốn bán lại cho Công ty Gia Phát để xây trại chăn nuôi heo.
Trường hợp ông Nguyễn Văn Tâm bán phần diện tích 8,7ha cho bà Phan Thị Hồng Vân với giá 1,2 tỷ đồng. Trường hợp các ông Thịnh, Dương, Thuần, Long, Võ Đỗ bán lại cho ông Trần Đình Vọng tổng diện tích 28,8ha. Ông Vọng sau đó xây dựng tại phần đất này xưởng chế biến mủ cao su.
Chưa hết, UBND huyện Tân Uyên còn “bạo tay” cấp đất cho hàng chục hộ dân, bỏ xa hạn điền tại địa phương (30ha đối với các hộ dân nhận đất trồng cây lâu năm) gấp nhiều lần.
Điển hình là ông Nguyễn Văn Cảnh, công tác tại huyện đội Tân Uyên được cấp số đất gấp 10 hạn điền là 375,4ha; ông Nguyễn Văn Hai, ngụ tại huyện Vĩnh An, tỉnh Đồng Nai được cấp 168,6ha; bà Nguyễn Thị Vẻn được cấp 134,7ha; ông Nguyễn Tuấn Khanh (125,76ha); ông Đinh Văn Nghĩa, ngụ tại quận Phú Nhuận, TPHCM được cấp 122,92ha…
Theo cơ quan chức năng, việc cấp đất sai thẩm quyền, sai đối tượng, vượt hạn điền, UBND huyện Tân Uyên đã không thực hiện đúng tinh thần Quyết định số 6073/QĐ của UBND tỉnh Bình Dương trong đó quy định: “UBND huyện có trách nhiệm quản lý toàn bộ diện tích đất được giao tếp nhận, cùng Nông lâm trường chiến khu D tiến hành bàn giao cắm mốc đất tại thực địa, lập quy hoạch và kế họach sử dụng đất, thực hiện đăng ký kê khai và xét cấp giấy CNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân trên diện tích đã sử dụng ổn định…” đã tạo ra những sơ hở trong quản ly đất đai, dẫn đến vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai, gây ra tình trạng lộn xộn trong quản lý, sử dụng đất và làm lợi cho một số cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Các vi phạm trên có dấu hiện "cố ý làm trái" của một số cán bộ tại Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tân Uyên (cơ quan tham mưu cho UBND huyện). Các sai phạm này đã vượt phạm vi xử lý hành chính, do vậy cơ quan thanh tra đã đề nghị chuyển vụ việc qua cơ quan điều tra làm rõ.
Tuy nhiên đã hơn 1 năm qua (từ tháng 5/2006) các kiến nghị thu hồi quyết định và giấy CNQSDĐ trên phần diện tích cấp sai là 3.365ha, trả lại cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh quản lý sử dụng theo quy hoạch vẫn chưa được thực hiện.
Điều đáng nói hơn, vụ việc đã được UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo UBND huyện Tân Uyên giải trình làm rõ, nhưng đến nay huyện cũng chưa có phản hồi gì. Các sai phạm và kiến nghị xử lý vẫn rơi vào im lặng (?)
Theo VietNamNet