Mất một tháng mới xin được xác nhận của xã.
Nhiều điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký địa chính tại các xã, thị trấn, kể cả Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Bình Chánh (TP.HCM) không niêm yết quy trình hướng dẫn hồ sơ đăng ký nhà đất. Do không rõ quy trình, người dân biết tới đâu thì làm hồ sơ tới đó. Nếu hồ sơ còn thiếu hoặc sai sót, người phụ trách tiếp nhận hồ sơ lại chỉ hướng dẫn lắt nhắt khiến người dân phải tới lui nhiều lần.
Bà NTNL (quận 10, TP.HCM) mua hơn 1.000 m2 đất nông nghiệp ở xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP.HCM) và đã sang tên “giấy đỏ”. Cuối tháng 11-2007, bà L. xin chuyển mục đích sử dụng 300 m2 đất nông nghiệp sang đất thổ cư. UBND xã Tân Kiên tiếp nhận hồ sơ của bà và hẹn một tuần sau trả hồ sơ. Đến hẹn, bà L. được trả lời là xã này chỉ cho phép mỗi phần đất được chuyển mục đích sử dụng đất sang đất thổ cư tối đa 250 m2/hộ. Bà L. phải làm lại tờ đơn khác.
Thêm một tuần nữa, bà quay lại xã thì được giải thích đơn của bà ghi xin chuyển mục đích sử dụng 250 m2 đất nhưng bản vẽ lại thể hiện diện tích xin chuyển mục đích sử dụng tới 300 m2, do đó phải điều chỉnh bản vẽ. Bà L. mất thêm gần một tuần cho bản vẽ mới và phải chờ thêm một tuần nữa mới được trả hồ sơ. Bà L. bực mình nói: “Để có được con dấu xác nhận, tôi phải mất gần một tháng với sáu lần đi lại từ TP.HCM về xã Tân Kiên. Giá mà được hướng dẫn một lần cặn kẽ, tôi đã không phải mất thời gian như vậy”.
Còn bà NTH (xã Tân Túc, huyện Bình Chánh) được gia đình cho 2.000 m2 đất nông nghiệp. Bà H. đã làm đầy đủ thủ tục theo hướng dẫn của địa chính xã. Ngày đầu nộp hồ sơ tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Bình Chánh, chờ gần một buổi sáng bà H. mới được hướng dẫn phải có chữ ký xác nhận về người em đã chết bị xóa tên trong hộ khẩu.
Bà H. phải mất cả một ngày đi xác nhận. Hôm sau, bà quay lại nộp hồ sơ thì lại phải mất gần hết buổi sáng mới được hướng dẫn là phải có đơn xác nhận là người em có vợ hay chưa, nếu có vợ thì phải có đơn xác nhận của vợ người em đồng ý gia đình chia đất cho chị... Đến khi đã có đơn xác nhận của cô em dâu thì bà H. lại được yêu cầu phải có đơn xác nhận đồng ý của các con của người em đã chết (!).
Đầu giờ chiều 27.12.2007, chúng tôi theo chân bà H. đến Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Bình Chánh để nộp hồ sơ. Lúc đó tại quầy tiếp nhận “đăng ký địa chính” đã có hai bộ hồ sơ “xếp hàng”, hồ sơ xin tách thửa đất của bà H. là hồ sơ thứ ba. Vậy mà đến 16 giờ 30 bà H. mới được gọi tên để phát biên nhận đã nhận hồ sơ. Nếu tính theo số hồ sơ xếp hàng đăng ký thì gần một buổi chiều làm việc, quầy tiếp nhận hồ sơ “đăng ký địa chính” chỉ giải quyết được có ba hồ sơ.
Theo Pháp Luật TP.HCM