Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự trở thành tâm điểm của phiên họp thường kỳ tháng 2 của UBND TP Hà Nội diễn ra hôm qua 25-2, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo.
Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề quản lý biệt thự cũ tại Hà Nội được xới lên, nhưng xem ra TP còn nhiều việc phải làm khẩn trương, nếu muốn bảo tồn và phát huy hiệu quả số lượng không nhỏ nhà biệt thự (cổ và cũ) giàu giá trị mà nguy cơ mai một đã được báo động từ lâu.
Yêu cầu làm rõ chủ thể quản lý
Biệt thự cũ (số 12 Hai Bà Trưng) bị cơi nới cho thuê tràn lan. Ảnh: Minh Tuấn |
Cuối năm 2009, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Đề án quản lý nhà biệt thự với danh sách 970 biệt thự, chủ yếu là biệt thự nằm trong các khu phố Pháp. Đây là bước đầu có ý nghĩa đối với việc bảo tồn số lượng không nhỏ biệt thự, được coi là một trong những nét đặc trưng quý hiếm về mặt kiến trúc của Hà Nội. Đó là chưa kể nhiều biệt thự còn mang các giá trị về lịch sử, văn hóa không thể không gìn giữ. Yêu cầu này ngày càng trở nên gắt gao vì hầu hết các biệt thự này đã và đang bị biến dạng cả về hình thái kiến trúc lẫn sở hữu (khoảng 80%).
Trong số 970 biệt thự do TP quản lý, có tới 804 biệt thự được dùng để ở. Chỉ có 5% số biệt thự có 1-2 hộ ở, trong khi có tới 90% tổng số biệt thự có từ 5-15 hộ sinh sống. Đặc biệt, có những biệt thự đang có từ 35 đến 50 hộ cùng ở. Nhiều biệt thự đã bị hư hỏng, nhiều chục năm chưa được đầu tư sửa chữa. Mức độ xuống cấp của các biệt thự đang ngày càng tăng theo thời gian. Trong phiên họp hôm qua, các đại biểu tiếp tục cảnh báo về thực trạng này. "Các biệt thự bị vi phạm rất nhiều, ở các mức độ khác nhau, nhưng khâu xử lý vẫn rất khó khăn" - bà Đặng Huyền Thái, Phó Chủ tịch UB MTTQ TP nói.
Trước vấn đề này, song song với việc lập đề án quản lý biệt thự trình HĐND TP phê duyệt, UBND TP đã giao cho Sở Xây dựng lập dự thảo Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự (xây dựng trước ngày 26-3-1991, ngày Pháp lệnh Nhà ở có hiệu lực). Bản dự thảo quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự trên địa bàn TP do Sở Xây dựng trình thảo luận trong phiên họp gồm 3 chương, 12 điều.
Tuy nhiên, nội dung của bản dự thảo đã không nhận được sự đồng tình của các thành viên UBND TP cũng như hầu hết các đại biểu tham dự phiên họp với lý do chủ thể quản lý là nhà biệt thự chưa được làm rõ.
Ông Bùi Xuân Tùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phân tích, các biệt thự đã bị cơi nới, thậm chí xây bịt mặt, quy chế phải làm rõ được có phá đi không, chỉnh sửa thế nào. Các biệt thự đang treo biển, bảng quảng cáo phải xử lý ra sao cũng cần được trả lời. "Phải xây dựng được danh mục biệt thự, có xếp loại, có hồ sơ gốc.
Trên cơ sở đối tượng rất cụ thể như thế thì xây dựng quy chế mới có thể vận dụng hiệu quả. Không rõ đối tượng, quy chế chung chung sẽ không đem lại điều gì" - ông Tùng nói. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hoàng Mạnh Hiển cho rằng, cần mở rộng đối tượng nhà biệt thự cần quản lý bằng việc điều tra cả khu vực Hà Nội mở rộng như Hà Đông, Sơn Tây chẳng hạn.
Thiếu tiêu chí xếp hạng biệt thự, danh mục nhà biệt thự cần quản lý vẫn chỉ dừng lại ở những thống kê mang tính khái quát, chung chung. Một bộ hồ sơ tổng bao gồm hiện trạng chi tiết từng loại nhà biệt thự, từng ngôi nhà biệt thự, từng cấp độ bảo tồn vẫn là bài toán chưa có lời giải.
Hai việc cùng làm ngay
Kết luận về nội dung này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, biệt thự cổ và cũ có mặt ở khắp các quận nội thành. Đây là đặc trưng đô thị Hà Nội, nhưng do quản lý yếu kém, việc quản lý, cải tạo những nhà biệt thự này đặt ra nhiều bài toán phức tạp. Đề cập tới việc các chuyên gia Pháp từng sang giúp TP nghiên cứu xây dựng quy chế quản lý nhà biệt thự cổ nhưng không nhận được sự hợp tác tốt của một số ngành, Chủ tịch UBND TP yêu cầu phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, không lặp lại cách làm việc quan liêu hành chính này.
Thống nhất nhận định phải lập hồ sơ, phân loại cụ thể nhà biệt thự cổ và cũ, Chủ tịch UBND TP giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng các ngành liên quan thành lập ngay tổ công tác, điều tra và xây dựng danh mục nhà biệt thự, phân loại cụ thể theo từng cấp. Các ngành tài chính, tài nguyên - môi trường cùng có trách nhiệm vào cuộc phân loại từng nhóm nhà biệt thự theo sở hữu, làm căn cứ xây dựng cơ chế quản lý.
Chủ tịch UBND TP giao Sở Xây dựng trên cơ sở các ý kiến góp ý tại phiên họp thường kỳ lần này khẩn trương hoàn thiện dự thảo quy chế. Trong đó, các nội dung quy chế cần bám sát nội dung Thông tư 38 của Bộ Xây dựng về quản lý nhà biệt thự đô thị. Chủ tịch lưu ý, đối với vấn đề quản lý và sử dụng nhà biệt thự cổ, cần làm rõ những hành vi bị cấm. Đối với nội dung bảo tồn, tôn tạo, phải quy định rõ việc hợp tác với phía Pháp. Đồng thời, phải quy định rõ việc tháo dỡ nhà hỏng, không để quy định gây khó dễ và nguy hiểm đối với người dân.
Chủ tịch nhấn mạnh, đối với nhà biệt thự cổ và cũ Hà Nội hiện nay, quản lý hồ sơ và giải quyết tranh chấp rất phức tạp, nên quy chế phải rất chi tiết, đặc biệt là về trách nhiệm của cơ quan, đơn vị quản lý, chủ sở hữu, người sử dụng. Ngoài ra, Sở Xây dựng phải làm rõ địa chỉ, quy trình cấp phép cải tạo, phá dỡ liên quan đến nhà biệt thự. Việc hoàn thiện dự thảo quy chế phải được làm khẩn trương song song với nhiệm vụ xây dựng danh mục nhà biệt thự nói trên.
Quy chế phải thật chi tiết, cụ thể
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Lê Quang Nhuệ: Mời các nhà khoa học vào cuộc
Nếu quy chế không dựa trên cơ sở hồ sơ chi tiết về từng ngôi biệt thự mà chỉ đưa ra ý kiến chủ quan thì việc quản lý sẽ phức tạp thêm. TP cần triển khai đề tài nghiên cứu khoa học nghiêm túc về hiện trạng từng ngôi nhà biệt thự. Phục hồi tất cả quỹ nhà biệt thự cũ ở Hà Nội là rất khó, nên TP cần phân loại để có thể chi tiền ngân sách sửa chữa, cải tạo những biệt thự có giá trị cao. Cần mời các kiến trúc sư, các nhà khoa học, lịch sử cùng vào cuộc để nghiên cứu phục hồi, bảo tồn nhà biệt thự cũ Hà Nội.
Ông Hoàng Mạnh Hiển, Phó Chủ tịch UBND thành phố: Xác định nguyên trạng thế nào?
Khi cải tạo, sửa chữa nhà biệt thự cũ có một yêu cầu là "giữ nguyên trạng". Nhưng nguyên trạng là gì thì vẫn chưa được làm rõ. Vật liệu xây dựng thì có thể có căn cứ, nhưng màu sơn thì không biết căn cứ vào đâu. Vì vậy, xây dựng quy chế phải lưu tâm từng chi tiết nhỏ như thế mới tránh xảy ra những tình huống phức tạp khi vận dụng, gây trở ngại cho công tác quản lý cũng như làm phiền hà người dân.
Bà Đặng Huyền Thái, Phó Chủ tịch UB MTTQ thành phố: Đọc quy chế, dân phải biết mình làm gì
Không chỉ cần làm rõ cơ quan thường trực việc quản lý nhà biệt thự, việc xây dựng quy chế phải chú trọng tới xử lý những trường hợp vi phạm trong sử dụng nhà biệt thự cổ. Tóm lại, quy chế này phải được xây dựng một cách thật chi tiết, cụ thể, làm sao để mỗi người dân liên quan khi đọc quy chế đều hiểu được mình thuộc diện nào, cần phải ứng xử thế nào cho phù hợp.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới