Sau trào lưu “ngôi nhà thứ 2” với trang trại, biệt thự nhà vườn để nghỉ ngơi cuối tuần, nhiều người đã chọn cách chuyển nhà ra ngoại thành sinh sống. Một trào lưu mới đang hé lộ một thị trường mới.
Đi 30 km nhanh hơn 10 km
Anh Sơn Hoàng làm việc ở Ba Đình - Hà Nội mấy tháng nay đã bận rộn để xây dựng cho mình một ngôi biệt thự ở ở Minh Phú, Sóc Sơn. Cứ ngỡ anh xây nhà nghỉ hay trang trại để thư giãn cuối tuần, nhưng nhiều người đã bất ngờ khi anh khẳng định, đây sẽ là ngôi nhà anh và cả gia đình dùng để ở hàng ngày.
Anh Hoàng kể rằng, anh có một căn nhà ống ở Mỹ Đình, cách xa chỗ làm khoảng hơn 10km. Mỗi sáng để đến chỗ làm vượt qua quãng đường khoảng 10km, anh đi mất khoảng 45 phút với rất nhiều lần ùn tắc và mệt mỏi. Trong khi đó, ở trên Sóc Sơn dù là xa hơn 30 km nhưng đường thông thoáng, cao tốc nên cũng chỉ mất có 45 phút là đến cơ quan.
Sắp tới, cầu Nhật Tân xây xong, đường Bắc Thăng Long mở rộng, các tuyến đường khác hoàn thiện thì lộ trịnh sẽ rút ngắn, đỡ mất thời gian, không bị tốn kém và mệt mỏi bởi ùn tắc. Trong khi đó, ở ngoại ô lại được rộng rãi, môi trường thoáng mát sạch, chất lượng sống sẽ tốt hơn. Vì thế, anh Sơn Hoàng quyết định sẽ chuyển cả nhà ra ngoại thành.
Anh nói, với khoảng 3-4 tỷ đồng, khéo đầu tư sẽ có 2,000-3,000 m2 vườn, xây biệt thự rộng rãi. Mỗi sáng cả nhà lên xe vào nội thành, học hành và làm việc, chiều về ngoại ô nghỉ ngơi không hề bất tiện. Trong khi đó, tìm một căn nhà đàng hoàng ở phố 5 tỷ e là khó.
Anh Hoàng cho biết, nếu trước đây, Minh Phú là nơi các gia đình có điều kiện mua đất làm trang trại, nhà nghỉ cuối tuần thì nay lại có nhiều người tìm mua để xây nhà ở. Họ đều làm việc nhưng chuyển ra ở đây để hưởng không gian sống tốt hơn.
Cũng với cách tính đó, gia đình chị Hoàng Anh ở Hoàng Mai đang tính cách đổi căn hộ của mình đi tìm đất ở ngoại thành cách xa 30-40 km để xây nhà.
"Đường sá bây giờ tốt nên sắm cái ôtô, sáng vào nội đô làm việc, chiều về ngoại thành. Mọi người thấy tôi làm đều ngăn cản, nhưng tôi lại tin là mình chọn đúng. Tôi đã tham khảo nhiều đô thị lớn trên thế giới thì đó cũng là một lựa chọn nhiều người yêu thích", chị Hoàng Anh hào hứng.
Biệt thự ngoại thành ở Sóc Sơn của gia đình ca sĩ Mỹ Linh. Đây có thể coi là trường hợp điển hình của xu hướng sáng vào nội đô làm việc, chiều về ngoại thành nghỉ ngơi (ảnh afamily)
|
Theo các chuyên gia bất động sản từ Tập đoàn Archi, sự quá tải của khu vực nội đô đã làm giảm chất lượng sống như ô nhiễm, khan hiếm thực phẩm sạch, ách tắc giao thông, không gian riêng bị thu hẹp... khiến người dân muốn tìm kiếm một không gian sống chất lượng hơn.
Cùng với đó là xu hướng di chuyển các công trình, đơn vị hành chính sự nghiệp ra ven đô. Do tình trạng quá tải của Hà Nội, Chính phủ đã có kế hoạch di chuyển các đơn vị hành chính sự nghiệp, mà bước đầu là việc di chuyển các trường đại học ra bên ngoài. Sự phát triển cơ sở hạ tầng khu vực, sự di dời của khối trường học, hành chính, kinh doanh... dẫn đến sự dịch chuyển cư trú của một bộ phận không nhỏ dân cư có thu nhập khá và dân trí cao.
Phương thức đầu tư mới
Ra ngoại thành sống - một điều không mấy vui vẻ của nhiều gia đình khi họ không có điều kiện mua nhà đất trong nội thành buộc phải sang các huyện ngoại thành mua nhà để ở. Việc đó đã xảy ra cách đây nhiều năm nhưng đều dưới dạng mua bán nhỏ lẻ đất thổ cư, thị trường tự do là nơi dung nhất đáp ứng nhu cầu này.
Tuy nhiên, khi nhu cầu này càng lớn lên thì đã hé lộ một thi trường mới: biệt thự ngoại thành cho dân làm việc ở nội đô. Theo tính toán, với khoản tiền khoảng 3 tỷ đồng đã có thể sở hữu được một căn biệt thự hoàn thiện trên khuôn viên rộng 400 - 500m2 với sân vườn, cây xanh, cảnh quan... Số tiền này để mua một biệt thự, chung cư cao cấp... ở khu vực nội đô là qua khó.
Hơn nữa, đây là một khoản đầu tư tiềm năng trong bối cảnh mọi thứ cơ sở hạ tầng, hệ thống các dự án... còn chưa hoàn thiện sẽ đem lại lợi nhuận cao trong tương lai không xa khi tất cả đã thành hình.
Nắm bắt xu hướng này, các nhà đầu tư bất động sản bắt đầu khởi động thị trường một thị trường tiềm năng. Một số chuyên gia bất động sản cho rằng, đây là một xu hướng đón đầu nhưng rất tiềm năng khi đánh đúng tâm lý được hưởng không gian sống tốt và tiết kiệm đầu tư.
Ở Hà Nội, ngoài hướng đường Thăng Long, Ba Vì ở phía Tây đang được đầu tư rất lớn về cơ sở hạ tầng tại khu vực này như đường cao tốc Hòa Lạc - Phú Thọ, đại lộ Thăng Long, đường Hồ Chí Minh... thì hướng Sóc Sơn, thậm chí các khu vực xa hơn đều rất tiềm năng khi hệ thống cơ sở hạ tầng tại các địa phương như đường liên xã, liên huyện hoàn chỉnh, đường cao tốc mở rộng và kết nối vào trung tâm.
Bên cạnh đó, các công trình được Nhà nước di dời dần ra ven đô để giảm áp lực cho nội đô nên đi kèm với đó là việc xây dựng các công trình xã hội như bệnh viện, trường học, trường đại học, siêu thị, hệ thống cấp thoát nước và xử lý nước thải... nên tương lai cơ sở hạ tầng sẽ khá đồng bộ và nhanh chóng.
DiaOcOnline.vn - Theo DĐKTVN