Biệt thự, liền kề Hà Nội: Cần tránh “vết xe đổ” quá khứ

Cập nhật 30/11/2015 09:19

Trong năm 2015, thị trường bất động sản ghi nhận sự trở lại của phân khúc biệt thự, liền kề khi hàng loạt dự án được mở bán và nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng. Tuy nhiên, các chủ đầu tư và cả người mua cần hạn chế hiện tượng đầu cơ để tránh “vết xe đổ” của quá khứ.

Chỉ những khu đô thị cơ bản xong hạ tầng, có nhiều diện tích cây xanh và nhiều tiện ích mới được người mua quan tâm. Ảnh: Trang Ninh

“Sốt” các dự án hoàn thiện hạ tầng

Từ đầu năm 2015, thị trường biệt thự, nhà liền kề có những dấu hiệu chuyển biến tích cực với hàng loạt đợt mở bán của các chủ đầu tư. Dù không có thanh khoản đột biến như phân khúc căn hộ, nhưng nhà liền kề, biệt thự vẫn có giao dịch tốt ở những dự án có vị trí thuận lợi và hạ tầng đã hoàn thiện.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2015, thị trường chứng kiến các đợt mở bán tại Dự án Gamuda Gardens, Khu biệt thự nhà vườn TIG Đại Mỗ, Dự án Park City Hà Đông (giai đoạn 2), Dự án Duyên Thái, huyện Thường Tín… Tính riêng trong quý III/2015, các dự án như Evelyne Garden, Starlake, Khu ngoại giao đoàn, Aquabay Ecopark và Gamuda đã bổ sung khoảng 1.000 sản phẩm cho thị trường.

Sự sôi động của phân khúc biệt thự, liền kề phần nào phản ánh sự ấm dần lên của thị trường bất động sản Hà Nội. Tuy nhiên, đây vẫn chủ yếu là “sự tốt lỏi” ở một số dự án, vì hiện thị trường Hà Nội vẫn chứng kiến cảnh hàng loạt dự án biệt thự, liền kề được triển khai ồ ạt trong thời kỳ sốt nóng đang phải đắp chiều, hoặc trở thành khu đô thị “ma”.
 

Một điểm đáng chú ý, là thanh khoản trong phân khúc biệt thự, liền kề không chỉ tốt với các dự án giáp nội đô, mà ngay cả một số dự án cách trung tâm Thành phố 10 - 20 km, nhưng đã xong cơ sở hạ tầng cũng có giao dịch khá sôi động.

Theo nhận định của CBRE, thị trường quý III/2015 tiếp tục có sự khởi sắc của phân khúc biệt thự, liền kề cả về nguồn cung và thanh khoản. Các dự án cơ bản hoàn thiện về hạ tầng, có ưu tiên về diện tích cây xanh và các tiện ích được ưa thích, mặc dù các sản phẩm này có giá trị cao. Lý do bởi những người mua nhà thời gian qua chủ yếu là có nhu cầu để ở, nên họ chú trọng vào tiện ích, cảnh quan của dự án nhiều hơn là giá.

Đại diện Công ty TNHH Berjaya-Handico12, chủ đầu tư Dự án Ha Noi Garden City (quận Long Biên) cho biết, bản thân người mua nhà, đặc biệt những người trẻ ngày càng có nhu cầu tận hưởng một cuộc sống trọn vẹn hơn. Họ không chỉ muốn mua một nơi ở đơn thuần, mà còn là một không gian sống xanh hiện đại và tiện nghi. Bởi vậy, những căn biệt thự nằm trong quần thể không gian được thiết kế độc đáo, hòa cùng với thiên nhiên luôn là mục tiêu mà họ hướng tới.

Bài học từ những khu biệt thự “ma”

Sự sôi động của phân khúc biệt thự, liền kề phần nào phản ánh sự ấm dần lên của thị trường bất động sản Hà Nội. Tuy nhiên, đây vẫn chủ yếu là “sự tốt lỏi” ở một số dự án, vì hiện thị trường Hà Nội vẫn chứng kiến cảnh hàng loạt dự án biệt thự, liền kề được triển khai ồ ạt trong thời kỳ sốt nóng đang phải đắp chiều, hoặc trở thành khu đô thị “ma”.

Đơn cử như Khu đô thị Lideco Bắc Quốc lộ 32, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 km. Đây là dự án do CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm (Lideco) làm chủ đầu tư, với tổng diện tích quy hoạch gần 38,24 héc-ta, vốn đầu tư ban đầu là 781 tỷ đồng. Dự án gồm 600 ngôi biệt thự kiểu Pháp, được khởi công năm 2007 và hoàn thiện năm 2013, nhưng đến cuối năm 2013, mới có 400 căn biệt thự được bàn giao cho khách hàng. Đến nay, dù hạ tầng, cảnh quan đã được hoàn thiện đồng bộ từ lâu, nhưng người mua nhà vẫn chưa chuyển về ở, khiến Khu đô thị vắng bóng người.

Một dự án biệt thự “ma” khác là Khu đô thị Thiên đường Bảo Sơn, với hàng trăm ngôi biệt thự, liền kề cao cấp bị bỏ hoang nhiều năm. Nằm ở vị trí đắc địa, trên mặt đường Lê Trọng Tấn kéo dài (xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội), cách Đại lộ Thăng Long chỉ vài trăm mét, cách trung tâm Thủ đô 10 km, Khu đô thị Thiên đường Bảo Sơn từng là cơn sốt với rất nhiều nhà đầu tư bất động sản và những người có nhu cầu nhà ở cao cấp nhiều năm về trước. Tuy nhiên, đến nay, hầu hết căn biệt thự ở đây không có người ở, nhiều căn bị hư hỏng, xuống cấp sau nhiều năm bị bỏ hoang.

Ngoài ra, còn thể kể đến một số dự án biệt thự, liền kề bị bỏ hoang khác tại Hà Nội, như Khu đô thị Quang Minh 1, Quang Minh 2 (huyện Mê Linh), Khu đô thị Văn Phú (Hà Đông)…

Theo PGS.TS Vũ Thị Minh, Trưởng Khoa Kinh tế & Bất động sản, Trường đại học Kinh tế quốc dân, những căn biệt thự bị bỏ hoang thời gian qua chủ yếu là do của các nhà đầu cơ. Con số gần 35% số biệt thự theo thống kê cơ quan quản lý tại các dự án bị bỏ hoang là minh chứng sống cho điều này.

Đây là vấn đề không mới, nhưng vẫn còn tính thời sự. Do đó, sự ấm dần trở lại của phân khúc biệt thự, liền kề là tín hiệu tích cực, song chủ đầu tư cũng phải cân nhắc kỹ để tránh hiện tượng đầu cơ, khiến dự án dù đã được bán hết, nhưng vắng bóng người, làm lãng phí, mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến uy tín của chính chủ đầu tư.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản