Biệt thự Hà Nội: Ai bán, ai mua?

Cập nhật 24/04/2009 10:05

Dù Thành phố đã quyết định việc tiếp tục bán hơn 600 biệt thự đã “hóa giá” dang dở cho người dân nhưng số phận các tòa nhà cổ này chưa thể coi là đã được định đoạt.

Từ cuối thế kỷ thứ 19, người Pháp đã cho xây dựng và phát triển Hà Nội với ý đồ hình thành một “Paris thu nhỏ”. Quần thể nhà biệt thự mang kiến trúc đặc trưng Pháp bắt đầu được xây dựng từ đó. Với những bản sắc rất riêng, biệt thự Hà Nội từ hàng trăm năm qua đã trở thành một nét văn hóa đặc thù của Thủ đô. Nói như KTS Hồ Thiệu Trị thì, “dù ở Châu Phi, ở các nước Đông Dương khác hay bất kỳ một quốc gia thuộc địa nào của Pháp cũng không thể có được cụm kiến trúc đặc sắc này giống như ở Hà Nội”.

Lãng mạn, trong một thời…

Biệt thự Pháp ở Hà Nội, với sự mát mẻ tự nhiên, rất ít tiêu tốn năng lượng, vật liệu và phong cách gần gũi với người Việt Nam. Chẳng thế mà hàng trăm năm qua, giới sành điệu vẫn tâm đắc “ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật”. Không chỉ vận hành như một bộ lọc thông minh như thể biết thay đổi theo các biến đổi trái ngược nhau của thời tiết, nhà biệt thự Pháp thường có kiến trúc đặc biệt ấn tượng. Chẳng hạn, biệt thự số 46 Trần Hưng Đạo sở hữu một “cá tính” mà theo đánh giá của nhiều chuyên gia kiến trúc là “không có phiên bản thứ hai”. Chủ nhân biệt thự vốn dĩ là một sĩ quan hải quân Pháp, nên cấu trúc tòa nhà được lấy cảm hứng từ một con tàu.

Những ô cửa sổ tròn hay khuôn cửa sổ vuông đều có các khung gạch dầy nhô hẳn ra phía trước hệt như khung cửa trên các boong tàu đang hướng ra đại dương. Cầu thang biệt thự uốn mình từ sân dẫn lên phòng khách tầng hai có chiếc lan can cao rộng ghép bằng các thanh sắt thẳng đứng giống như tay vịn cầu thang tàu biển, gợi nhớ đến dãy lan can dài chạy quanh mép boong tàu, nơi hành khách chen vai vịn tay vào đó ngắm biển khơi. Giản dị nhưng vẫn sang trọng, bề thế... Những nét duyên dáng và đặc tính công năng vượt trội như thế đã “quyến rũ” bao thế hệ người Hà Nội. Và, “dù có đi bốn phương trời”, những “con đường biệt thự” vẫn ghi lại dấu ấn không thể nào quên.

… và xuống cấp, xập xệ

Vào khoảng cuối những năm 1980 đầu 1990, Hà Nội có khoảng hơn 2.000 ngôi biệt thự mang phong cách kiến trúc Pháp, nhưng đến cuối năm 2008 chỉ còn chưa đến 1.000 căn. Những ngôi biệt thự này hiện nay được chia làm 3 loại. Một là được sử dụng làm trụ sở các cơ quan, đại sứ quán các nước. Hai là làm tư gia cho các vị lãnh đạo cao cấp. Số nhiều nhất còn lại do người dân tự quản. Đối với hai loại trên thì kiến trúc Pháp cổ được bảo tồn khá nguyên vẹn về mặt kiến trúc. Nhưng điều đáng nói nhất là những biệt thự do người dân tự quản.

Thay vì lãng mạn, sang trọng, uy nghi bề thế hay phóng khoáng vốn có, các hộ dân này phải chen chúc trong một không gian tối tăm, ẩm thấp và chật hẹp qua hàng mấy chục năm. Số biệt thự có từ 1-2 hộ sinh sống giờ chỉ chiếm tỷ lệ 5%, có từ 5-10 hộ sống chiếm 50%, có từ 10-15 hộ chiếm 40%. Cá biệt, nhà biệt thự ở số 8 Tăng Bạt Hổ, 128C Đại La có tới 35-50 hộ dân đang chen chúc nhau sinh sống... Sống chật, khổ quá không chịu được và áp lực gia tăng dân số theo năm tháng khiến các hộ dân bắt đầu cơi nới, trổ cửa, thêm phòng...

Hệ quả tất yếu là kiến trúc của biệt thự bị phá vỡ. Không chỉ có con người, dấu ấn năm tháng cộng thêm không hề có sự chỉnh trang, tu sửa do thiếu kinh phí cứ “ăn mòn” dần những tòa biệt thự này. Tới nay, cứ 10 biệt thự may ra chỉ còn 1 tòa giữ được nguyên dạng. Nhiều tòa biệt thự giờ trông chẳng khác những nhà tập thể, chung cư cũ thảm hại với tường nhà tróc lở, bợt bạt vì mưa gió, sàn mái mục nát, trần dột, cửa long ốc... Đâu rồi những khoảng sân rộng, vườn cảnh xanh mát mắt hay hành lang tràn ánh sáng, ban công thoáng, lộng gió, phòng ốc rộng rãi, ấm áp? Những “chung cư cũ” này giờ chỉ còn mảnh sân nhỏ hẹp bừa bộn chum vại, bể nước, chén bát, bếp than, dây phơi quần áo... Cầu thang ọp ẹp, lối đi tối thui, sâu hun hút. Cửa sổ bị bít lại, ban công kéo thêm ra, phòng rộng bị ngăn thành 2-3 phòng nhỏ, chỉ vừa đủ cho 2 người xoay trở...

Ai bán, ai mua?

Sau nhiều lần “nâng lên, đặt xuống” kéo dài tới gần 2 năm, cuối cùng, thành phố Hà Nội cũng quyết việc bán 634 biệt thự đã bán dang dở cho các hộ dân theo Nghị định 61/CP. Khi Hà Nội xem xét việc bán các biệt thự, ngành chức năng đã đề xuất cho một số doanh nghiệp đang thuê biệt thự được mua với giá thị trường. Thế nhưng, do còn nhiều ý kiến khác nhau, cuối cùng, các doanh nghiệp đã bị “gạt” ra khỏi cuộc chơi, đành tiếp tục “kiếp” thuê nhà.

Cả trước và sau khi thành phố Hà Nội quyết việc bán biệt thự, doanh nghiệp, người dân, chuyên gia đã có những cuộc tranh luận liên miên về số phận hơn 600 biệt thự. Một luồng ý kiến cho rằng, hơn 600 biệt thự ấy là “di sản” chứ không chỉ là “tài sản”. Nếu tiếp cận các tòa biệt thự này với nghĩa “di sản” thì không bao giờ nên bán. Bởi, nếu bán cho tư nhân, tuy Thành phố thu được vài nghìn tỷ đồng song khi đã là chủ, họ hoàn toàn có quyền đập đi, san phẳng và xây mới thành các tòa nhà cao tầng. Như thế, cho phép bán nghĩa là mất...

Một luồng ý kiến khác lại cho rằng, không phải tất cả các biệt thự đều có giá trị về lịch sử, kiến trúc. Vì vậy, không nên “bảo tồn” quá nhiều. Các biệt thự xuống cấp nếu để lại sẽ làm thành phố nhếch nhác. Tuy nhiên, sau khi bán, trường hợp muốn cải tạo, nâng cấp, phải quản chặt giấy phép xây dựng. Giấy phép đó cần phải quy định rõ được xây thế nào, kiểu nào, cải tạo thế nào... để tránh nguy cơ “xóa sổ” không gian biệt thự Pháp cổ. Hơn nữa, không cho bán tiếp cũng không ổn bởi thực chất, hơn 600 biệt thự đó đã bán dang dở và Thành phố không tài nào quản nổi nếu người dân tự ý mua đi, bán lại.

Do đó, việc bán biệt thự ở đây mang ý nghĩa xã hội nhiều hơn yếu tố thị trường. Nói về chủ trương bán hơn 600 biệt thự kể trên, ông Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Công ty quản lý và phát triển nhà Hà Nội cho biết, dù HĐND TP đã “quyết” song gần nửa năm nay, chưa có hồ sơ mua biệt thự nào được giải quyết. Đơn giản bởi Thành phố còn phải xin ý kiến của Chính phủ. Chỉ khi Thủ tướng duyệt danh sách, Hà Nội mới có thể chính thức triển khai việc bán biệt thự cho dân.

Được - mất khi bán hay giữ biệt thự vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết. Người muốn bán hay người muốn giữ đều có những cái lý rất riêng. Thế nhưng, có một thực tế là, trong khi người ta mải lý sự, tranh cãi, quỹ nhà biệt thự vẫn đang xuống cấp từng ngày. Không biết, liệu nét văn hóa riêng ấy của Thủ đô còn tồn tại được tới bao giờ?

DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân