Theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15.1.2018, chủ đầu tư nếu tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung trong tòa nhà sẽ bị xử phạt lên đến 300 triệu đồng...
Chung cư Khang Gia Tân Hương (Q.Tân Phú, TP.HCM) đang xảy ra nhiều tranh chấp. ẢNH: ĐÌNH SƠN
|
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở... Trong đó đáng chú ý có nhiều quy định xử phạt nặng chủ đầu tư và ban quản trị.
Cụ thể, phạt tiền 50-60 triệu đồng nếu vi phạm lỗi quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung không đúng quy định; tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung; tự quyết định mức giá dịch vụ quản lý vận hành chung cư hoặc tự quyết định lựa chọn đơn vị để ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý vận hành chung cư mà không thông qua hội nghị nhà chung cư.
Phạt 100-150 triệu đồng đối với chủ đầu tư không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu theo quy định. Chủ đầu tư tự ý bán, cho thuê chỗ để ô tô trong nhà chung cư không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 80-90 triệu đồng. Xử phạt đến 300 triệu đồng đối với chủ đầu tư không bố trí diện tích để làm nhà sinh hoạt cộng đồng, tính sai diện tích căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư thuộc sở hữu riêng.
Phạt tiền 250-300 triệu đồng nếu chủ đầu tư tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung hoặc tự ý chuyển đổi công năng…
Mức phạt quy định tại nghị định này áp dụng đối với tổ chức (trừ một số trường hợp), với cá nhân cùng một hành vi vi phạm mức phạt sẽ bằng 1/2. Mỗi lỗi vi phạm nêu trên đều đi kèm theo biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể như: trả lại hiện trạng ban đầu, hoàn trả tiền tính sai, buộc hủy bỏ quy định tính phí không đúng quy định…
Theo ông Đinh Duy Trinh, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Bất động sản VN (VNG Real), mức phạt trên quá thấp so với những khoản lợi nhuận, mức lợi mà chủ đầu tư và ban quản trị thu được. Điển hình như việc chiếm dụng quỹ bảo trì căn hộ, mỗi chung cư số tiền này thu về hàng chục tỉ đồng, nếu chủ đầu tư hay ban quản trị chiếm dụng đem gửi ngân hàng, không bàn giao lại cho cư dân chỉ một thời gian ngắn số tiền lãi thu về đã vượt qua số triền phạt chỉ 50-60 triệu đồng.
Đối với mức phạt từ 250-300 triệu đồng nếu chủ đầu tư tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung thành của riêng, ông Trinh cho rằng mức phạt chỉ như “gãi ngứa” bởi chỉ cần chuyển đổi một diện tích nhỏ phần sở hữu chung thành sở hữu riêng chủ đầu tư đã thu về tiền tỉ.
“Phải nâng mức phạt hoặc có những chế tài nghiêm minh hơn mới mong xử lý được những tranh chấp đang bùng phát và dai dẳng hiện nay”, ông Trinh kiến nghị.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên