"Biến" nông dân thành cổ đông doanh nghiệp

Cập nhật 22/10/2008 01:00

"Thật khó để cân bằng lợi ích của doanh nghiệp và của nông dân, nhưng khó không đồng nghĩa với việc không thể làm được" - ông Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần (CP) Dương Kinh Việt Nam tự tin nói về mô hình: Chuyển hoá nông dân thành cổ đông doanh nghiệp nhằm giải quyết những mâu thuẫn xung quanh vấn đề thu hồi đất và giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện các dự án đầu tư.

Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá sẽ làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, nhiều nông dân bị mất đất và nếu việc bồi thường đất, chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị thu hồi đất… không được giải quyết thoả đáng sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Sự phản ứng, cản trở quá trình bồi thường GPMB của bà con nông dân ở một số tỉnh Vĩnh Phúc, Bình Dương… thời gian qua đã cho thấy, các địa phương và doanh nghiệp còn khá lúng túng khi phải cùng lúc hài hoà lợi ích giữa các bên. Người dân ủng hộ và mong muốn sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước sớm thành hiện thực nhưng nếu chính quyền địa phương thu hồi đất của dân mà không có giải pháp lâu dài để ổn định đời sống của họ thì không thể tạo được niềm tin.

Về phía chủ đầu tư, họ thừa nhận: Khó khăn lớn nhất khi tiến hành đầu tư dự án mới tại các địa phương là đất đai, trong đó vấn đề GPMB là phức tạp nhất. Điều này lý giải vì sao các nhà đầu tư nước ngoài thường chọn cách liên doanh liên kết với một công ty Việt Nam, rồi "đẩy" gánh nặng giải quyết đất đai về phía đối tác nội.

Từ thực tiễn trên, tại một hội thảo về doanh nghiệp nhỏ và vừa diễn ra mới đây, Công ty CP Dương Kinh Việt Nam - một doanh nghiệp ở Hải Phòng đã đề xuất phương án: Chuyển hoá nông dân (người bị thu hồi đất) thành cổ đông của các doanh nghiệp được giao đất. Cụ thể là: Các doanh nghiệp được giao đất có thể thay phương án bồi thường GPMB bằng phương án "mở cửa" cho người nông dân tham gia góp vốn cổ phần từ nguồn vốn mà họ có được là khoản tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất bị thu hồi để chủ đầu tư triển khai dự án hoặc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất. Theo ông Nguyễn Minh Đức, phương án mới sẽ một mặt thúc đẩy sự hình thành, chuyển đổi và phát triển doanh nghiệp theo mô hình công ty cổ phần. Mặt khác quan trọng hơn là tạo điều kiện cho người nông dân có thêm những lợi ích thoả đáng, lâu dài.

Họ được "nâng cấp" thành cổ đông của công ty cổ phần với mô hình hoạt động và quản lý năng động và hiệu quả. Với những người nông dân trong độ tuổi lao động, họ có cơ hội được tuyển dụng để trở thành nhân viên, công nhân của doanh nghiệp. Thu nhập của người dân khi ấy sẽ ổn định vì được nhận tiền lương, được bảo đảm các quyền lợi: bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, phúc lợi của công ty… được chia cổ tức và hưởng quyền lợi của một cổ đông…

Ý tưởng trên đang được Công ty CP Dương Kinh Việt Nam nghiên cứu và trực tiếp xây dựng phương án chi tiết sau 2 lần hội thảo về "Mô hình kinh tế Dương Kinh" hồi tháng 5 và tháng 8/2008, với sự tham gia của đại diện các sở, ban ngành liên quan của TP. Hải Phòng. Đến nay, ý tưởng đầu tư đã được công ty triển khai trên địa bàn xã Ngũ Đoan, Kiến Thụy, TP. Hải Phòng (thuộc trung tâm cố đô nhà Mạc) làm cơ sở cho giai đoạn 1 của việc đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái văn hoá do Công ty Dương Kinh thực hiện. Mặc dù dự án đang ở giai đoạn đầu nhưng đã nhận được sự ủng hộ từ các sở, ngành và người dân xã Ngũ Đoan.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định: Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và giao đất cho doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư kết hợp với việc chuyển hoá nông dân thành cổ đông trong doanh nghiệp là mô hình mới, mang tính đột phá về phương thức tập trung ruộng đất và cải cách quan hệ ruộng đất. Trong đó, việc tập trung ruộng đất đã được thực hiện một cách tự nguyện thông qua con đường góp vốn cổ phần và phát hành cổ phiếu.

Vẫn còn sớm để khẳng định đây là một mô hình kinh tế tối ưu nhưng có thể xem là ý tưởng khả thi và hữu ích khi mô hình này thống nhất được lợi ích kinh tế giữa: Nhà nước, người nông dân và doanh nghiệp.

DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị