Theo Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), dư nợ nhóm ngành bất động sản, cơ sở hạ tầng, xây dựng hiện chiếm con số lớn nhất trong tổng dư nợ của BIDV.
BIDV cho biết, tổng dư nợ cho vay đối với các ngành hàng chủ lực tại BIDV thời điểm 31/12/2011 đạt 271,727 tỷ đồng, tăng 11.7% so với năm 2010. Trong đó, dư nợ nhóm ngành BĐS và cơ sở hạ tầng chiếm 8.3% trên tổng dư nợ, dư nợ ngành xây dựng chiếm 12.8% trên tổng dư nợ, dư nợ nhóm ngành thương mại công nghiệp nặng chiếm 5.6%, chế biến gỗ, lâm sản chiếm 2.3% trên tổng dư nợ.
BIDV cũng cho thấy xu hướng biến động dư nợ ngành trong năm 2011, trong đó, tỷ trọng tăng trưởng dư nợ của ngành Xây dựng, Thương mại công nghiệp, chế biến thuỷ sản, sản xuất xi măng có xu hướng tăng lên. Ví dụ như Xây dựng (tăng 4.885 tỷ đồng), thương mại công nghiệp nhẹ hàng tiêu dùng (2.590 tỷ đồng), Thương mại công nghiệp nặng (4.098 tỷ đồng), Sản xuất xi măng (2.681 tỷ đồng), Chế biến thủy hải sản (1.837 tỷ đồng), sản xuất chế biến gỗ lâm sản (874 tỷ đồng).
Dư nợ nhóm ngành BĐS và cơ sở hạ tầng, xây dựng của BIDV chiếm lớn nhất trong tổng dư nợ
|
Riêng nợ quá hạn, tới thời điểm 31/12/2011 có 3 ngành nghề có nợ quá hạn trên 1.000 tỷ đồng. Trong đó phải kể đến xây dựng công trình (số quá hạn 1.099 tỷ đồng/34.557 tỷ đồng), Thương mại kinh doanh sắt thép, phôi thép (số quá hạn 1.039 tỷ đồng/8.034 tỷ đồng), sản xuất thép (số quá hạn 1.007 tỷ đồng/6.873 tỷ đồng).
Để giải quyết cho doanh nghiệp cũng như tháo gỡ những khoản vay đang mắc lại tại BIDV, ngân hàng này đã triển khai nhiều cơ chế chính sách hướng tới việc hỗ trợ các Doanh nghiệp vượt qua bối cảnh kinh tế khó khăn, đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh.
Trong năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, BIDV đã chủ động tích cực triển khai các biện pháp, cơ chế để hỗ trợ các Doanh nghiệp, đặc biệt các Doanh nghiệp có hàng tồn kho lớn, gặp khó khăn do khủng hoảng, như: thực hiện cơ cấu nợ, giảm lãi suất vay vốn, giảm phí dịch vụ nhằm hỗ trợ các Doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, khôi phục sản xuất;
Từ ngày 12/04/2012, BIDV mạnh dạn cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, điều chỉnh lãi suất cho vay bất động sản là 16%/năm và chỉ tập trung cho vay đối với những dự án sắp hoàn thành.
Cùng với nhiều biện pháp phối hợp tháo gỡ khó khăn khác, BIDV cũng đưa ra một vài hướng giải quyết đối với các khách hàng có quan hệ tín dụng tại BIDV gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cụ thể: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; Xếp hạng tín dụng doanh nghiệp; Cơ cấu tài chính cho khách hàng; Miễn giảm lãi; Ưu đãi về lãi suất, phí cho vay; Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; Mua, bán nợ, gán nợ.
DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia