Kết thúc quý đầu năm, lợi nhuận của hầu hết doanh nghiệp bất động sản niêm yết (đứng đầu ngành) bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm đáng kể.
Năm 2019, Thông tư số 9/2017 của Ngân hàng nhà nước chính thức có hiệu lực. Theo đó, các ngân hàng chỉ được phép sử dụng tối đa 40% vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn, thay vì 45% như năm trước. Điều này kỳ vọng giúp giảm rủi ro cho ngành ngân hàng, cơ cấu lại danh mục tín dụng.
Mặt khác, Thông tư tạo nên thách thức với doanh nghiệp bất động sản (BĐS), khi mà phần lớn các khoản vay trung, dài hạn đều ở dạng thế chấp. Cùng với đó, chủ đầu tư thường phát triển thị trường chính là TP.HCM, nơi có khó khăn về thủ tục cấp phép dự án bị trì hoãn năm 2018.
Chính vì lẽ này, lợi nhuận của doanh nghiệp phát triển BĐS dự báo sẽ gặp áp lực lớn vào năm 2019, bắt đầu sụt giảm từ năm 2020.
Kết thúc quý đầu năm, mặc dù doanh thu một số đơn vị có duy trì hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ, song lợi nhuận của hầu hết doanh nghiệp niêm yết (đứng đầu ngành) đã bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm đáng kể. Nguyên nhân tại mỗi đơn vị khác nhau, liệt kê có doanh thu tài chính giảm, lợi nhuận của các công ty liên kết liên doanh giảm, không còn doanh thu chuyển nhượng dự án… song nhìn chung các doanh nghiệp BĐS đang chịu áp lực chi phí lãi vay ngày càng tăng.
Bước sang năm 2019, trước sự siết chặt tín dụng ngân hàng, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng huy động vốn sang các kênh khác, phổ biến có kênh trái phiếu với những điều kiện được cho là “dễ thở” hơn.
Về toàn cảnh kinh doanh doanh nghiệp BĐS 3 tháng đầu năm, đầu tiên phải nói đến Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán DXG), mặc dù doanh thu tăng mạnh lên 1.498 tỉ đồng, lợi nhuận gộp tương ứng tăng lên 701 tỉ đồng.
Tuy nhiên, doanh thu tài chính trong kỳ công ty giảm mạnh hơn 10 lần về 11 tỉ đồng so cùng kỳ năm ngoái ghi nhận khoản lợi nhuận thanh lý đầu tư. Đồng thời, chi phí lãi vay tăng đến 47%, từ đó kéo lùi lợi nhuận doanh nghiệp về mức 307 tỉ đồng.
Hay Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (mã chứng khoán TDH), doanh thu thuần trong kỳ đạt 687,4 tỉ đồng (tăng 25%), tương ứng lãi gộp cao gấp 4,5 lần so với quý I-2018. Tuy nhiên, hoạt động tài chính sụt giảm mạnh do không còn lãi từ hoạt động thanh lý các khoản đầu tư, trong khi chi phí tài chính tăng thêm 7% khiến lãi ròng giảm đến 41%.
Phía doanh nghiệp đưa ra giải trình lợi nhuận sụt giảm do doanh thu từ mảng kinh doanh BĐS giảm, các sản phẩm của công ty đã được tiêu thụ hết, trong khi các dự án mới (Citrine Apartment, TDH Riverview, Centum Wealth) đang trong giai đoạn bán hàng rất tích cực nhưng chưa đủ điều kiện ghi nhận kết quả trong kì.
Doanh thu bứt phá trong khi lợi nhuận không tăng trưởng còn có Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán PDR), quý I-2019 doanh thu thuần doanh nghiệp tăng 347% so với cùng kỳ, ghi nhận gần 1.705 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu từ chuyển nhượng dự án chiếm hơn 1.162 tỉ đồng. Tuy nhiên giá vốn hàng bán cùng các chi phí tăng cao dẫn đến lợi nhuận sau thuế đơn vị này gần như đi ngang ở mức 153 tỉ đồng.
Một tên tuổi khá nổi thời gian qua, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán QCG) mặc dù có doanh thu tăng gần 8% nhưng gánh nặng chi phí lãi vay cao gấp gần 3 lần cùng kỳ khiến lợi nhuận giảm tốc mạnh. Ghi nhận, nợ vay ngắn hạn của doanh nghiệp đến cuối quý I-2019 còn 140 tỉ, nợ dài hạn là 420 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ vỏn vẹn còn hơn 5 tỉ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ năm trước.
DiaOcOnline.vn – Theo PLO