Bi kịch đô thị Sài Gòn: Chính quyền chịu áp lực khi cấp phép dự án

Cập nhật 20/03/2017 11:05

Cựu Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM cho rằng thành phố đang có cấu trúc đô thị không bình thường, nhiều khu vực không đủ tiêu chuẩn về hạ tầng đô thị.

Trao đổi với Zing.vn, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, nói rằng có quá nhiều sức ép tạo nên “bi kịch đô thị” như hiện nay.

Chưa đánh giá đúng tác động của cao ốc lên giao thông

* Tình trạng các con đường ở TP.HCM gánh quá nhiều cao ốc đang tạo áp lực không nhỏ cho giao thông. Là người có kinh nghiệm với quy hoạch tổng thể, ông cho biết tình trạng này xuất phát từ nguyên nhân nào?

- Có lẽ nguyên nhân dễ thấy là việc chưa đánh giá đúng tác động môi trường của các dự án cao ốc lên giao thông ở một số trục đường.

Ngoài ra, có thể do cấp thẩm quyền chịu một áp lực nào đó nên đã cấp phép như vậy.

TS Võ Kim Cương. Ảnh: Phước Tuần.

* Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta cấp phép dự án theo quy trình ngược. Nếu ở nước ngoài cấp phép dự án bất động sản dựa trên hạ tầng giao thông hiện hữu thì Việt Nam cấp phép dựa trên hạ tầng tương lai. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Đó là ý kiến đúng. Đây chính là vấn đề lớn của việc quản lý xây dựng hiện nay ở TP.HCM.

Việc cấp giấy phép xây dựng cho các dự án được chấp thuận về mặt quy hoạch của UBND TP.HCM trên cơ sở tham mưu của cơ quan quản lý về quy hoạch, là Sở Quy hoạch Kiến trúc. Tuy nhiên cơ quan này thường chỉ xem công trình hay dự án đó có phù hợp với quy hoạch được duyệt hay không.

Thành phố chúng ta đang có cấu trúc đô thị không bình thường, nhiều khu vực không đủ tiêu chuẩn về hạ tầng. Các khu vực này tạo thành một vành đai bao quanh khu trung tâm.

 TS Võ  Kim Cương
 

Họ ít khi xem xét kỹ về hệ thống hạ tầng đã được xây dựng theo quy hoạch đó hay chưa, cũng như thực tế khi đi vào sử dụng công trình đó tác động lên hệ thống hạ tầng hiện có như thế nào.

Rõ ràng đây là một thiếu sót nghiêm trọng.

Thành phố chịu áp lực quá lớn từ nhu cầu phát triển

* Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp được dời khỏi khu vực trung tâm thì nhanh chóng nhồi thêm nhà cao tầng, làm tăng mật độ đô thị. Ông có suy nghĩ gì khi tình trạng này đang trở nên phổ biến?

- Đây là một việc đáng tiếc cho môi trường và tương lai của thành phố. Tôi nghĩ những người quản lý về kiến trúc - quy hoạch không ai muốn như vậy.

Thành phố chúng ta đang có cấu trúc đô thị không bình thường, nhiều khu vực không đủ tiêu chuẩn về hạ tầng đô thị. Các khu vực này tạo thành một vành đai bao quanh khu trung tâm thành phố.

Lẽ ra phải dùng quỹ đất có được khi di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi các khu dân cư để cải thiện cấu trúc thành phố, như bổ sung mảng xanh, công trình dịch vụ xã hội, hoặc mở các đường đối ngoại xuyên qua vành đai thiếu quy hoạch này.

Đáng tiếc là thành phố đã chịu áp lực quá lớn từ nhu cầu phát triển kinh tế trước mắt.

* Nếu đặt giả thiết hạ tầng giao thông đáp ứng được, thì các hạ tầng xã hội khác như trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí... có theo kịp hay không?

- Hạ tầng giao thông do đặc tính hệ thống cần được bảo đảm trước. Các khu vực phát triển không có quy hoạch đều thiếu hạ tầng xã hội, nhưng dù sao vẫn dễ khắc phục hơn so với hạ tầng giao thông.
 

Cao ốc được cấp phép liên tục đang gây sức ép lớn cho giao thông ở đường Phổ Quang. Ảnh: Lê Quân.

* Tại nhiều khu đô thị mới, khi dự án còn dang dở đã lại được điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng mật độ xây dựng, tăng tầng cao, giảm diện tích kết cấu hạ tầng xã hội... làm đô thị thêm ngột ngạt, ùn tắc trầm trọng. Ông bình luận gì về tình trạng này?

- Đây là một vấn đề phức tạp. Trong quản lý phát triển đô thị, chúng ta thiếu những cơ sở pháp lý chặt chẽ và theo nguyên lý của thị trường. Cụ thể hơn là ta không có luật thuế về tác động phát triển như ở các nước.

Nguyên lý của luật này là nếu anh thu lợi từ sự phát triển công trình của mình trong đô thị thì anh phải trả tiền cho đô thị (đóng thuế). Mỗi lô đất có mô xây dựng là bao nhiêu đã được quy hoạch quy định. Khi anh xây quá hiện trạng đang có, hoặc quá quy định của quy hoạch đều phải trả tiền.

Chính quyền dùng khoản tiền này để đầu tư cho hạ tầng. Những trường hợp xin điều chỉnh khác quy hoạch được duyệt phải do cộng đồng dân cư liên quan đồng ý hoặc phải có quyết định của tòa án.

Quá nhiều nguyên nhân làm méo mó đô thị

* Quy trình cấp phép dự án hiện nay còn chồng chéo. Giấy phép xây dựng thì do Sở Xây dựng cấp, về quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết thì phải qua sở Quy hoạch - Kiến trúc, quy mô dân số thì qua các quận huyện... Theo ông đây có phải là rào cản, cũng như là nguyên nhân khiến đô thị méo mó như hiện nay?

Những trường hợp xin điều chỉnh khác quy hoạch được duyệt phải do cộng đồng dân cư liên quan đồng ý hoặc phải có quyết định của tòa án.

TS Võ  Kim Cương
 

- Thủ tục hành chính về đất đai, đầu tư, xây dựng mặc dù đã rõ ràng hơn trước nhưng vẫn còn nhiêu khê. Thủ tục này không phải do chính quyền đô thị tự đặt ra, mà do hệ thống pháp luật sinh ra.

Lâu nay dư luận xã hội cũng như Nhà nước đều thấy thủ tục hành chính rườm rà, quá nhiều tầng nấc, mà trách nhiệm không minh bạch là rào cản lớn của sự phát triển.

Còn về sự méo mó của đô thị có thể còn do những nguyên nhân khác lớn hơn.

Cụ thể, sự méo mó ấy chủ yếu do đô thị phát triển tự phát trong thời kỳ chiến tranh kéo dài, và việc quản lý yếu kém của hệ thống chính quyền từ sau chiến tranh (từ vĩ mô tới vi mô), chứ không chỉ do dây chuyền hành chính như hiện nay.

Ở các nước, người ta không quản lý xây dựng theo dân số mà theo năng lực của hệ thống hạ tầng, cũng không ràng buộc sự phát triển bằng kế hoạch sử dụng đất…
 

Một trong những lý do khiến đô thị TP.HCM "chật hẹp" như hiện nay chính là sức ép quá lớn từ nhu cầu phát triển. Ảnh: Lê Quân.

* Theo ông thì đâu là mô hình quy hoạch mà thành phố cần?

- Mục tiêu phát triển thành phố ổn định bền vững đã được các Đai hội Đảng bộ TP.HCM xác định. Định hướng chung phát triển không gian đa trung tâm để đảm bảo mục tiêu đó đã được xác định bằng Đồ án Quy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt.

Đất nước đang phát triển, thành phố là đầu tàu, không thể không xây dựng nhiều công trình mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường được.

Xây dựng xâm hại môi trường không phải là vấn đề về mô hình quy hoạch, mà là vấn đề của quản lý thực hiện quy hoạch đô thị. 

* Theo ông thì mất bao lâu nữa TP.HCM sẽ phát triển đô thị một cách hài hòa?

- Đô thị hài hòa có nhiều cấp độ khác nhau, lại phụ thuộc nhiều yếu tố tác động, mà ngay người có quyền lực nhất cũng không dám chắc khi nào. Tôi chỉ hy vọng tình hình được cải thiện trong thời gian ngắn nhất.


DiaOcOnline.vn - Theo Zing