Bến xe Miền Đông mới về đích tháng 1-2019

Cập nhật 01/05/2018 10:23

Khai thác hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào sự kết nối với tuyến metro số 1 nhưng chủ đầu tư Bến xe Miền Đông mới vẫn gấp rút hoàn thành dự án vào tháng 1-2019 dù metro khó về đích chung

Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH MTV (Samco) cho biết với tình hình hiện tại, Bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới (TP HCM) dự kiến đến tháng 1-2019 sẽ đưa vào hoạt động. Để đạt mục tiêu trở thành bến xe liên tỉnh phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách/năm, giảm ùn tắc trong khu vực nội đô, bến xe này phải có sự kết nối với các loại hình giao thông công cộng.

Chỉ còn một hộ chưa giao mặt bằng

Theo ghi nhận, tại công trường xây dựng BXMĐ mới, khu vực nhà ga chính và bãi xe đang dần thành hình. Khu vực này đã hoàn thành phần đóng cọc và đang thi công dầm móng, vách, sàn tầng hầm nhà ga và bãi chờ tài. Đồng thời, các đơn vị cũng đang lắp đặt hệ thống ống luồn cáp điện, cấp nước và hệ thống chiếu sáng. Riêng phần đất tiếp giáp giữa bến xe với tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang bị rào chắn để thi công các hạng mục của tuyến metro.

Theo Samco, hiện chỉ còn một hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng và phía chủ đầu tư dự án cho biết đã kiến nghị UBND TP HCM chỉ đạo UBND quận 9 khẩn trương bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất. "Khi mặt bằng trống hoàn toàn thì các hạng mục liên quan sẽ được đẩy nhanh tiến độ một cách dễ dàng" - chủ đầu tư cho biết và thông tin thêm trong 4 tuyến đường nằm trong ranh của tuyến metro số 1 là F1, F2, F3 và F4 từ bến xe kết nối với xa lộ Hà Nội, hiện tuyến F3 đã được bàn giao mặt bằng, đang được đào nền đường, lắp đặt hố ga và cống thoát nước. Những tuyến còn lại dự kiến đến tháng 6-2018 mới có mặt bằng thi công.


Tại khu vực nhà ga chính và bãi xe của Bến xe Miền Đông mới đã hoàn thành phần đóng cọc; đang thi công dầm móng, vách, sàn tầng hầm nhà ga và bãi chờ tài

Theo Samco, hiện vấn đề tồn tại cần phải giải quyết ngay là công tác giao, thuê đất. Cụ thể, Samco cho hay phần đất công thuộc TP HCM, Hội đồng Thẩm định giá đất TP chưa thông qua các phương án thẩm định giá và đang đề nghị các đơn vị liên quan bổ sung, tính toán lại một số chỉ tiêu trong chứng thư thẩm định. Còn đối với phần đất thuộc tỉnh Bình Dương, Hội đồng Thẩm định giá đất của tỉnh này đã thông qua chứng thư thẩm định giá nhưng lại phải chờ ý kiến từ Bộ Tài chính liên quan đến việc xác định giá đất cụ thể để cho thuê. Vì vậy, phía chủ đầu tư vẫn đang chờ tỉnh Bình Dương xác định chính thức giá đất để tránh phát sinh các vướng mắc, khiếu nại về sau.

Ba phương án vận hành

Theo Samco, với tình hình như hiện nay, BXMĐ mới dự kiến phải đến tháng 1-2019 mới có thể đưa vào hoạt động. Vấn đề đặt ra là làm thế nào BXMĐ mới hoạt động hiệu quả với mục tiêu trở thành bến xe liên tỉnh phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách/năm, trong khi các loại hình giao thông công cộng khác chưa kết nối với bến xe. Cụ thể, hiện tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) khó hoàn thành trước năm 2020, còn hệ thống xe buýt kết nối với bến xe cũng mới trong giai đoạn nghiên cứu để tổ chức lại. Trước thực tế trên, ông Trần Quốc Toản, Tổng Giám đốc Samco, cho biết đơn vị đang nghiên cứu xây dựng phương án khai thác, vận hành khi BXMĐ mới sao cho hiệu quả nhất bằng 3 phương án và đã trình UBND TP HCM xem xét trong việc khai thác bến xe mới.

Theo đó, phương án 1 là chuyển nhượng dự án cho Công ty BXMĐ. Tuy nhiên, theo Samco, phương án này sẽ phát sinh nhiều vấn đề liên quan tới điều chỉnh quy hoạch, tài chính, vốn điều lệ của Samco cũng như của Công ty BXMĐ. Mặt khác, Samco cho rằng phương án này sẽ tốn nhiều thời gian để làm theo các trình tự, thủ tục nên sẽ không bảo đảm tiến độ đưa BXMĐ mới vào hoạt động. Phương án 2 mà Samco đưa ra là sẽ thuê Công ty BXMĐ cung cấp dịch vụ khai thác vận hành BXMĐ mới. Theo đó, chủ đầu tư là Samco sẽ thuê Công ty BXMĐ khai thác, vận hành bến mới như một loại hình dịch vụ và đơn vị được thuê sẽ nhận khoản phí dịch vụ đó, còn toàn bộ nguồn thu từ hoạt động khai thác của bến xe mới sẽ chuyển về Samco.

Phương án cuối cùng là cho Công ty BXMĐ thuê khai thác hạ tầng bến xe mới. Với phương án này, Samco cho rằng là khả thi nhất bởi Công ty BXMĐ là doanh nghiệp có 100% vốn thuộc Samco và công ty này cũng có năng lực, kinh nghiệm khai thác bởi vốn đang quản lý, vận hành BXMĐ hiện hữu. Vì vậy, việc này cũng thuận lợi hơn trong quá trình điều chuyển luồng tuyến vận tải từ bến xe hiện hữu tới bến mới, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình khai thác và vận hành. Nếu thực hiện theo phương án này, Samco cho biết giá thuê sẽ do tổng công ty này và Công ty BXMĐ tự thỏa thuận.

Sắp có quy hoạch chi tiết Bến xe Miền Tây mới

Cũng là chủ đầu tư dự án xây dựng Bến xe Miền Tây mới, Samco cho biết đơn vị đang hoàn chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 để trình Ban Quản lý khu Nam TP HCM.

Trong khi đó, dự án này hiện cũng chưa hoàn tất các thủ tục lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân. Vì vậy, Samco đã đề nghị Hội đồng Thẩm định giá đất TP HCM thực hiện nhanh và trình UBND TP xem xét, phê duyệt đơn giá bồi thường.

Gấp rút hoàn thành nhà ga trên cao tuyến metro số 1

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM, đơn vị này đang gấp rút hoàn thành một trong số 11 nhà ga trên cao của tuyến đường sắt đô thị số 1 (metro số 1). Đó là nhà ga khu công nghệ cao.

Đây là nhà ga đầu tiên được lắp đặt và hoàn thành phần kết cấu thép mái vòm nên trong quá trình thi công gặp nhiều khó khăn do công nhân còn nhiều bỡ ngỡ. Bên cạnh đó, toàn bộ phần khung thép là dạng lớn, siêu trường, siêu trọng phải chuyển về công trường vào buổi tối, công tác tập kết cũng vì thế khó khăn hơn. Tuy nhiên, việc hoàn thành những nhà ga còn lại sẽ nhanh hơn bởi lực lượng thi công đã có kinh nghiệm.



DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ