UBND TP.HCM vừa đồng ý tổ chức khai thác du lịch đường sông nội ô kết hợp phục vụ ẩm thực về đêm tại bến Bạch Đằng (Q.1, TP.HCM).
Bến Bạch Đằng (Q.1, TP.HCM) trên sông Sài Gòn - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo đó, thời gian tới, các tàu nhà hàng, canô du lịch... như tàu nhà hàng Elisa, thuyền buồm Đông Dương sẽ được phép đón trả khách ăn uống trên bến Bạch Đằng vào buổi tối. Các đơn vị này khai thác du lịch tạm thời ở đây trong vòng một năm. Khi TP triển khai thực hiện quy hoạch bến Bạch Đằng, doanh nghiệp tự di dời, không được bồi thường.
UBND TP giao Sở Giao thông vận tải TP cùng các đơn vị liên quan đảm bảo mỹ quan đô thị trong quá trình khai thác "phố đêm ẩm thực", đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn giao thông đường bộ và đường thủy.
TP cũng yêu cầu các sở ngành nghiên cứu kỹ các tuyến đường, các giao lộ xung quanh bến Bạch Đằng để kết nối, tổ chức thiết kế bến Bạch Đằng thành đầu mối giao thông các tuyến buýt sông và các tuyến giao thông công cộng khác.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, TP có nhiều lợi thế để phát triển du lịch đường sông nhưng sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, khó hấp dẫn khách. Sở Giao thông vận tải TP hiện đang triển khai nhiều kế hoạch, tận dụng ưu thế bến Bạch Đằng để thúc đẩy du lịch nội ô, du lịch liên vùng.
Ngoài các tuyến vận tải hành khách đường thủy đã được khai thác, sắp tới TP sẽ phát triển các tuyến vận tải hành khách từ TP.HCM đi Côn Đảo bằng tàu cao tốc, tuyến vận tải thủy từ TP.HCM đi Bình Dương... Những tuyến tàu này sẽ góp phần thúc đẩy du lịch, thu hút khách đến thăm các địa điểm đặc sắc dọc sông Sài Gòn. Về lâu dài, bến Bạch Đằng sẽ trở thành đầu mối kết nối giao thông, du lịch đường sông từ TP.HCM đi các tỉnh lân cận.
Trước đây, vào tháng 4-2015, UBND TP đã cấm các tàu cánh ngầm, canô du lịch, tàu nhà hàng... hoạt động tại bến Bạch Đằng để phục vụ việc cải tạo, chỉnh trang bến Bạch Đằng.
Doanh nghiệp mong ngày trở lại
Bến Bạch Đằng nhìn từ trên cao - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngày 25-10, Sở Giao thông vận tải TP.HCM tổ chức họp triển khai phương án khai thác du lịch đường sông nội ô kết hợp phục vụ ẩm thực về đêm tại bến Bạch Đằng.
Theo Sở Giao thông vận tải, hiện số lượng doanh nghiệp đề xuất được đón, trả khách tại khu vực bến Bạch Đằng tăng đáng kể. Sở Giao thông vận tải TP sẽ nghiên cứu, bố trí cho một số doanh nghiệp neo đậu trả khách tại cầu bến của tuyến buýt sông số 1 và cầu bến tàu cao tốc TP.HCM - Cần Giờ.
Ông An Sơn Lâm, giám đốc Công ty TNHH thuyền buồm Đông Dương, cho biết rất mong được quay lại khai thác du lịch trên bến Bạch Đằng sau 3 năm ngưng hoạt động.
Theo ông Lâm, trước đây khi bến Bạch Đằng mở cửa cho các doanh nghiệp khai thác, việc kinh doanh của công ty phục vụ du lịch, ẩm thực rất thuận lợi. Nhiều du khách nước ngoài đánh giá đây là một nét văn hóa, nét đẹp riêng của Sài Gòn.
Tương tự, chị Liêu Thị Mỹ Hạnh - đại diện Công ty cổ phần đầu tư Hoàng Triều - cũng cho rằng sau 3 năm ngưng hoạt động, bến Bạch Đằng hiện nay chỉ phục vụ hoạt động một số tuyến tàu cao tốc, tuyến buýt sông là rất uổng phí. Theo chị Hạnh, nếu được TP khuyến khích, nhiều doanh nghiệp đầu tư du lịch, ẩm thực trên sông khác cũng sẽ tìm đến bến Bạch Đằng đầu tư, phát triển.
DiaOcOnline.vn - Theo TTO