BĐS thương mại “xí phần” Bình Dương

Cập nhật 15/08/2012 08:10

Trong khi thị trường nhà ở lâm vào thế trầm lắng, bất động sản (BĐS) thương mại tại Bình Dương lại có phần khởi sắc.

“Ông lớn” xí phần


Trong chiến lược mở rộng sự hiện diện tại khu vực phía Nam, ngoài TP.HCM và Biên Hòa (Đồng Nai), nhà bán lẻ Hàn Quốc Lotte Shopping Co. Ltd. cũng đang xem xét thị trường Bình Dương.

Theo thông tin ban đầu, Lotte sẽ đầu tư một trung tâm thương mại (TTTM) ở P. Lái Thiêu, nhưng sau đó kế hoạch đã thay đổi. Về vấn đề này, ông Pyong Gyu Hong, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lotte Việt Nam, cho biết, tại Bình Dương, Lotte cũng đang triển khai một dự án khác khá tiềm năng và hứa hẹn sẽ là TTTM khai trương tiếp theo của Lotte trong những năm tới.

Ở một diễn biến khác, mới đây, Tập đoàn bán lẻ Aeon (Nhật Bản) cũng vừa nhận được giấy phép đầu tư, xây dựng dự án Trung tâm mua sắm nằm trong Khu đô thị (KĐT), The Canary (P. Bình Hòa, TX. Thuận An), với quy mô lên đến 80.000m2 sàn và có tổng vốn đầu tư 95 triệu USD.


Đây là dự án mà Aeon đã có chủ trương đầu tư từ năm 2011, ngay sau dự án TTTM thuộc KĐT Celadon City (Q. Tân Phú, TP.HCM). Song, theo ông Nishtohge Yasuo, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam, trước mắt họ sẽ tập trung cho dự án tại TP.HCM.

Trước đó, Bình Dương cũng đã có sự hiện diện của hai “ông lớn” khác là Metro Cash & Carry (trung tâm phân phối nằm dọc đại lộ Bình Dương, đã đi vào hoạt động) và Co.opmart. Như vậy, chỉ còn vắng mỗi Big C. Tuy nhiên, sẽ không mất nhiều thời gian vì hiện tại, TTTM Big C, nằm ngay trung tâm TP. Thủ Dầu Một (dọc đại lộ Bình Dương), đang trong giai đoạn xây dựng, tiến hành cho thuê mặt bằng và chắc chắn sẽ hoàn thành trong năm nay.

Không riêng gì các dự án trung tâm mua sắm tập trung, nhiều mặt bằng đẹp tại TP. Thủ Dầu Một cũng thu hút doanh nghiệp (DN). Cụ thể như Điện máy Thiên Hòa đã chọn Trung tâm HTP, hay những thương hiệu thời trang nổi tiếng, ẩm thực, giáo dục cũng đã góp phần vào tỷ lệ lấp đầy tại Becamex Tower (thuộc Becamex City Center) hiện nay.

Những động thái trên cho thấy, đối với các dự án thương mại có quy mô nhỏ, nhà đầu tư thường chọn vị trí đẹp trong khu dân cư hiện hữu, đã phát triển, có mật độ dân số cao và ngay lập tức triển khai dự án. Trong khi, với những dự án có quy mô từ 3ha trở lên, nhà đầu tư thường tranh thủ “xí phần” trước (thông qua việc mua đất, hoặc trở thành đối tác chính trong KĐT), còn việc phát triển các dự án này sẽ tùy vào mật độ phát triển dân cư của toàn khu.

Thận trọng với thị trường nhà ở

Trái ngược với phân khúc bán lẻ, thị trường nhà ở (đất nền, căn hộ chung cư, nhà phố...) tại Bình Dương vẫn bình lặng. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy qua việc nhiều nhà phân phối và phát triển dự án “kỳ cựu” với thị trường này như: Đất Xanh, Kim Oanh đã dần chia sẻ sự quan tâm cho thị trường Đồng Nai.

Theo đó, điểm lại tình hình từ đầu năm đến nay, họ tập trung giới thiệu ra thị trường các dự án lớn ở Đồng Nai như: Lavender City, Biên Hòa Dragon City, Khu dân cư An Hòa Residence, Gold Hill...

Một điều đáng chú ý khác là những thông tin về nợ xấu tại thị trường Bình Dương đã lên mức 1.167 tỷ đồng, tăng trên 26% (tính đến cuối tháng 6/2012) so với thời điểm đầu năm. Trong đó, BĐS là một trong ba lĩnh vực dẫn đầu về tỷ lệ nợ xấu (cùng với nông sản và gỗ). Đây thực chất là hệ lụy của tình trạng phát triển “nóng” hồi năm 2007, khi giá BĐS tăng lên gấp 2 - 3 lần giá trị thực.

Theo đó, không chỉ DN từ TP.HCM đổ về đây mà các nhà đầu tư thứ cấp cũng kỳ vọng về khoản lợi nhuận chênh lệch khá dễ dàng khi tham gia đầu tư BĐS. Khi đó, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Bình Dương luôn dẫn đầu cả nước, người ta đổ về KĐT mới Mỹ Phuớc (Bến Cát) mua nhà phố, mua đất, nếu không bán được thì sau này có thể cho chuyên gia, lao động tại các khu công nghiệp thuê. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhà chẳng cho thuê được, còn đất lại để không hoặc bán cắt lỗ.

Hiện nay, làn sóng phát triển đã không ở lại khu Mỹ Phước, Bàu Bàng mà quay ngược lên Thành phố mới Bình Dương. Chỉ cần 200 - 500 triệu đồng là khách hàng đã sở hữu được một nền, hoặc một căn nhà phố tại đây.

Cũng cần phải nhìn nhận rằng, hạ tầng khu vực Thành phố mới, hay nói rộng ra là ở Bình Dương, “không chê vào đâu” được, nhưng mức độ phát triển các dịch vụ đi kèm vẫn chưa tỷ lệ thuận với sự phát triển của thị trường nhà đất. Những người đầu tư vào đây thường là có tiền nhàn rỗi, mua để đó, chờ thị trường lên để kiếm lời.

Trong khi ở góc độ DN, ngoài các dự án của Becamex, những DN khác vẫn đang “án binh bất động”. Hoặc, nếu có phát triển, DN hiện cũng khá thận trọng.

Cụ thể, tại sàn giao dịch của Công ty CP Địa ốc Đất Việt Xanh (có trụ sở tại đường 30/4 khu Becamex City Center, TP.Thủ Dầu Một) hiện đang bán đất nền dự án Khu dân cư Hòa Lợi (bắt đầu mở bán từ ngày 22/6/2012), sau khi bán 5 nền đầu tiên với giá ưu đãi 130 triệu đồng, nay giá đã tăng lên 2,2 triệu đồng/m2 (nền từ 80 - 102m2).

Nhân viên của Đất Việt Xanh cho hay, đến thời điểm này đã có 33 nền được bán ra, chủ yếu cho công nhân và những người có thu nhập trung bình tại Bình Dương. Phía bán hàng của công ty này cũng cho biết, đến tháng 6/2013 họ sẽ đảm bảo bán 250 triệu đồng/nền cho nhà đầu tư thứ cấp (giá mua trước đó là 185,9 triệu đồng), tức khi giao dịch đã hoàn tất thủ tục (ra sổ đỏ), bởi hiện tại họ phải ưu tiên bán hàng cho công ty xong mới dám nhận ký gửi từ khách hàng.

DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân Sài Gòn