BĐS: Siết cung, kích cầu, chống phá giá

Cập nhật 26/10/2012 09:20

Tại buổi gặp gỡ đối thoại giữa lãnh đạo Bộ Xây dựng và các doanh nghiệp ngành bất động sản khu vực Hà Nội tổ chức ngày 25-10, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã đưa ra hàng loạt biện pháp giúp khơi thông thị trường BĐS, trong đó trọng tâm vẫn là hạn chế nguồn cung đang dư thừa đồng thời kích nguồn cầu đang yếu. Còn theo một số DN, hiện tượng bán phá giá sản phẩm cần phải bị kiểm soát.

Siết cung, kích cầu


Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, thị trường BĐS đã có một giai đoạn dài phát triển tự phát, không căn cứ theo quy hoạch, kế hoạch, dẫn tới cung vượt cầu, thị trường chủ yếu phục vụ cho đầu cơ. Điều này dẫn đến hệ quả là hiện nay, thị trường đóng băng, giao dịch yếu, nhà đầu tư vô cùng khó khăn. Chỉ thị 2196 của Thủ tướng đã chỉ ra những yếu kém cụ thể của thị trường, nhưng việc xử lý thì còn lúng túng.

Để giải quyết khó khăn của doanh nghiệp và thị trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, thực tế cho những phân khúc thị trường đang bế tắc, trọng tâm là hạn chế bớt nguồn cung đang dư thừa và kích thích người mua. Theo đó, đối với những dự án chưa GPMB sẽ phải tạm dừng, những dự án đã GPMB nhưng chưa san nền nếu là BĐS nhà ở cũng sẽ phải dừng lại.

Đối với những dự án này, sẽ không thu hồi mà khuyến khích nhà đầu tư cho người dân canh tác trở lại hoặc chính chủ đầu tư chuyển đổi theo hướng canh tác. Đối với những dự án đã có hạ tầng sẽ cho điều chỉnh dự án để tăng cơ cấu NoXH. Đặc biệt, đối với những dự án đã có căn hộ nhưng đang “ế”, Bộ Xây dựng sẽ kiến nghị xem xét cho chia nhỏ căn hộ để giúp tăng tính thanh khoản.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị hệ thống ngân hàng phải có các định chế tài chính hỗ trợ cho người mua thay vì chỉ hỗ trợ cho nhà đầu tư như trước. Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng khuyến khích các doanh nghiệp tự cơ cấu lại sản phẩm của mình, nếu không thể tiếp tục dự án thì nên chuyển nhượng.

Đồng tình với những quan điểm này, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, 2 vấn đề chính trên thị trường BĐS hiện nay là dư cung quá lớn và cơ cấu lại “rổ” hàng hóa. “Dư cung lớn thì cơ quan quản lý phải có biện pháp hạn chế nguồn cung, không cho phát triển dự án từ hồi manh nha. Ngân hàng đã có nhiều gói tín dụng cho thị trường BĐS, vấn đề là thị trường chưa hấp thụ được, các chủ đầu tư bản thân phải tự cứu mình”- Ông Mạnh nhận định.

Trao đổi về những kiến nghị và giải pháp Bộ Xây dựng đưa ra nhằm gỡ khó cho thị trường BĐS, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở QHKT Hà Nội cho rằng, một số kiến nghị của Bộ Xây dựng gặp khó khăn vì cơ chế chính sách hiện không cho phép.

Chẳng hạn việc chia nhỏ căn hộ sẽ làm tăng mật độ dân số, gây áp lực lên hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đã quy hoạch trước đó. Ngoài ra, việc tạm dừng dự án để chuyển sang mục đích nông nghiệp là doanh nghiệp đã sử dụng sai mục đích nên thanh tra chắc chắn sẽ vào cuộc. Tuy nhiên, việc chuyển dự án nhà ở thương mại sang NOXH thì có thể thực hiện được ngay.

Để giải quyết khó khăn của thị trường và giải quyết lượng hàng tồn, ông Hải cho biết, sắp tới Sở QHKT sẽ phối hợp với Sở Xây dựng để rà soát các dự án từ thuộc vành đai 2 và vành đai 3, từ đó sẽ đưa ra kiến nghị hoàn thiện các hạ tầng xã hội và kỹ thuật tại các dự án nằm trong vành đai này. Một khi đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật thì BĐS tại các khu vực chắc chắn sẽ bán được.

Ngoài ra, để giải quyết lượng hàng tồn, ông Hải cho biết, Sở sẽ tạm đình chỉ các dự án mới hoặc các dự án đang chờ phê duyệt, nhằm giảm lượng cung hàng ra thị trường. Trong khi đó, ông Hải cũng kiến nghị các ngân hàng chỉ nên bơm vốm cho các dự án đang hoàn thiện và kiên quyết nói không với các dự án mới triển khai hoặc mới làm xong móng.

Liên quan đến vấn đề khủng hoảng thừa cung trên thị trường BĐS, theo một quan chức Bộ Xây dựng, hiện Bộ đang hoàn thiện báo cáo về việc dư thừa nguồn cung trên thị trường BĐS trình Thủ tướng Chính phủ. Theo vị này, chỉ riêng các dự án, số lượng hàng hóa BĐS có thể đủ dùng cho…vài chục năm.

Chống bán phá giá

Đồng tình với những đề xuất tháo gỡ của Bộ Xây dựng, tuy nhiên, một số doanh nghiệp cũng kiến nghị về vấn đề chống bán phá giá trên thị trường BĐS sau khi một dự án tung mức giá “sốc” thời gian gần đây.

Theo ông Đoàn Châu Phong, Phó tổng giám đốc Vinaconex, hiện nay các doanh nghiệp địa ốc đang đối mặt với hàng loạt khó khăn. Nhiều đơn vị không đủ kiên trì chờ thị trường khởi sắc đã tìm mọi cách thoát khỏi cuộc chơi bằng cách phá giá thị trường bất động sản. Điều này đã khiến thị trường tiếp tục trầm lắng do tâm lý người mua ở trạng thái chờ đợi. "Tâm lý của người dân khi có một dự án bán giá thấp hơn hẳn mặt bằng chung thị trường là sẽ chờ đợi mức giá thấp hơn bởi lẽ một khi có đơn vị bán phá giá sẽ có 2-3 đơn vị phá giá theo", ông Phong nói.

Theo ông Phong, việc bán giá sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt chủ đầu tư khác. Ngoài ra, trong khi nhà thu nhập thấp còn đang ở bối cảnh khó khăn, không có vốn thì việc phá giá của một số chủ đầu tư sẽ khiến cho phân khúc NoXH, nhà ở thu nhập thấp càng trở nên khó khăn. Bởi lẽ sau khi hạ giá, một số căn hộ còn bán giá thấp hơn cả nhà thu nhập thấp, khi nhà xã hội còn đắt hơn cả nhà ở thương mại, người dân sẽ so sánh và có tâm lý chờ đợi để mua nhà thu nhập thấp.

Một số doanh nghiệp BĐS khác cũng cho rằng, giá xuống thấp được là tốt nhưng khá khó hiểu khi mức giá nhà có thể xuống đến 10 triệu đồng/m2. Chính vì vậy, Bộ Xây dựng cần phải nhanh chóng đưa ra chính sách chống bán phá giá. Bộ phải kiểm soát chặt chẽ giá thành, giá bán, vì sao lại bán thấp hơn giá thị trường, để tránh ảnh hưởng đến doanh nghệp khác.

Giải đáp vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho hay, thành phố đang kiểm tra những dự án bán phá thấp. "Thành phố sẽ kiểm tra những dự án phá giá đó có bán thật như vậy không hay chỉ đưa thông tin gây xáo trộn thị trường. Chúng tôi sẽ xem giá cả như vậy có hợp lý không, giá thấp như vậy thì họ đã nộp đủ tiền sử dụng đất chưa", ông Sửu cho biết.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng khẳng định, Bộ sẽ tiến hành kiểm tra những dự án này.

DiaOcOnline.vn - Theo ĐTTC