Bất động sản nội ngắc ngoải, tưởng rằng những dự án BĐS ngoại - đảm bảo tiến độ, lại thiết kế đẹp - làm không ít khách hàng mua vội vàng' nhưng giờ đây, "ôm" dự án ngoại lại là "ôm" trái đắng.
Đủ kiểu lùm xùm
Lùm xùm nhất mới đây là dự án Spendora, khiến không ít người mua nhà chịu thiệt hại. Trong khi, người mua chỉ ra hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư thì đơn vị này lại khẳng định họ hoàn toàn đúng và không chấp nhận xuống nước trước những yêu cầu từ phía khách hàng.
Công ty liên doanh TNHH phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC), chủ đầu tư - khẳng định không có việc tính sai giá bán trong hợp đồng mua bán nhà ở thấp tầng giai đoạn 1 đã ký với khách hàng. Theo đó, mức giá 42 triệu đồng/m2 áp dụng với nhà biệt thự và 23,1 triệu đồng/m2 với nhà liền kề là phù hợp với thị trường, hài hòa giữa lợi ích của chủ đầu tư và khách hàng. Chính vì thế, chủ đầu tư chưa có chính sách giảm giá đối với sản phẩm giai đoạn 1.
An Khánh JVC cũng cho rằng, việc phân bổ giá đất và giá xây dựng trong hợp đồng không vi phạm các quy định hiện hành. Trả lời về khỏan tiền chênh lệch, chủ đầu tư này cho biết, không có chủ trương, chính sách nào liên quan tới việc thu phí này và sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề.
Trước đó, Spendora đã vấp phải sự phản đối từ phía khách hàng do những vướng mắc trong hợp đồng và tiến độ dự án. Hàng trăm người đã biểu tình trước cửa văn phòng công ty. Đại diện phía khách hàng cho hay, họ tiếp tục đòi gặp chủ đầu tư để làm rõ mọi việc và có thể kiện ra tòa nếu quyền lợi không được đảm bảo.
Tại dự án Park City Hà Đông do CTCP Phát triển đô thị quốc tế Việt Nam (VDIC) - chủ đầu tư là liên doanh giữa Vinaconex Hoàng Thành và Công ty Perdana Parkcity (S) Pte. (Malaysia), khách hàng cũng đang "đứng ngồi không yên" khi thời gian giao nhà của giai đoạn một sắp tới, trong khi đó dự án vẫn "đắp chiếu" suốt 1 năm nay, không biết khi nào triển khai trở lại. Hầu hết các hạng mục đều chậm tiến độ, trong khi chủ đầu tư đang loay hoay với sự cố sụt lún và phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để khắc phục.
Park City từng gây sốt trên thị trường bất động sản khi mỗi suất chênh tại tiểu khu Ngọc Lan lên tới 5-6 tỷ đồng. Cuối năm 2011, dự án có dấu hiệu chậm tiến độ, nhiều nhà đầu tư thứ cấp đã đòi rút vốn. Không ít trong số họ đã phải chấp nhận mất hàng tỷ đồng tiền chênh mà trước đó đã bỏ ra để có được suất mua nhà, biệt thự tại dự án này.
Mới đây, tổng công ty Vinaconex đã chính thức rút hết vốn tại dự án một thời đình đám Park City. Dự án đang ngưng trệ trong thời gian dài khiến cho khách hàng đang lo lắng và muốn tìm hiểu năng lực thực sự của chủ đầu tư để biết liệu dự án sẽ đi về đâu.
Ngay cả những dự án đi vào hoạt động cũng gặp phải tai tiếng từ hàng loạt tranh chấp, khiếu kiện của cư dân. Đơn cử, tòa nhà Keangnam sau thời gian dài mâu thuẫn kiện cáo giữa người dân và chủ tòa nhà liên quan đến phí dịch vụ đã tạm lắng. Đi cùng tòa nhà cao nhất Việt Nam này là những tai tiếng cũng nhiều nhất Việt Nam. Trong đó, tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân luôn căng thẳng, và tới thời điểm này vẫn chưa đạt được kết quả làm hài lòng cả hai bên.
Sau nhiều lần thỏa thuận không thành, chủ đầu tư buộc cắt giảm nhiều dịch vụ tòa nhà, dân tiếp tục chống đối bằng đun bếp than tổ ong, treo biểu ngữ,... Cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng vẫn chưa giải quyết xong. Chủ đầu tư Hàn Quốc này còn bị tố về chất lượng chung cư cũng như chưa đáp ứng nhu cầu của người dân về một tòa nhà đẳng cấp.
Tương tự, chủ đầu tư dự án Golden Westlake là Công ty TNHH Hà Việt Tung Shing cũng bị dính vào kiện cáo. Được đánh giá là căn hộ cao cấp 5 sao ở Hà Nội, nhưng chỉ sau 3 năm đi vào sử dụng hàng loạt những bất cập tại chung cư Golden Westlake đã khiến cư dân ở đây bức xúc. Những tranh chấp về phí, sở hữu chung - riêng tại dự án này luôn là một vấn đề nóng bỏng. Bất đắc dĩ, cư dân ở đây đã phải biểu tình phản đối và nhờ các cơ quan chức năng vào cuộc.
Một số đại gia khác như TSQ chủ đầu tư dự án Euroland Hà Đông hay Hyndai Hills state cũng đã bị khách hàng tố về việc bán nhà theo USD và chất lượng không đảm bảo.
Hệ quả của kiểu đầu tư "ăn xổi"
Thực tế, nhiều dự án bất động sản ngoại vào Việt Nam khi thị trường đang "sốt nóng" điển hình như dự án Keangnam hay sau này là Spendora, Parck City... , người mua đổ xô xếp hàng tại các dự án và chấp nhận mua giá chênh hàng tỷ đồng. Các nhà đầu tư ngoại nhanh nhạy đã chạy xin dự án để chiếm đất. Tới khi thị trường khó khăn, họ mới thực sự bộc lộ đúng khả năng của mình. Triển khai xong được thủ tục xin dự án, thị trường đóng băng, giá đất sụt giảm kéo dài khiến họ kiệt sức, vì vậy dự án cũng lâm vào cảnh điêu tàn. Dự án chậm tiến độ, không bán được hàng, người mua cũng mất niềm tin.
Theo ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), trong lĩnh vực bất động sản, để quản lý các cơ quan chức năng có đưa ra nhiều quy định chặt chẽ, như: tỷ lệ vốn đầu tư chung phải đưa vào Việt Nam, phải có tài khoản riêng mở tại Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện được 30% tổng số vốn đầu tư đăng ký đối với dự án cụ thể mới được huy động vốn của người mua... Tuy nhiên, khi cấp phép xong các cấp chính quyền đã xao nhãng việc quản lý để xảy ra tình trạng trên.
Chuyên gia Phạm Thế Hiển nhận định, chính sách cởi mở để thu hút vốn nước ngoài trong thời gian qua đã tạo điều kiện ưu đãi cho các doanh nghiệp bất động sản ngoại. Nhưng không ít đơn vị thiếu tiềm lực, đầu tư vào Việt Nam theo hình thức "ăn xổi" nên đã gặp khó khăn, chính vì thế các cơ quan chức năng cần có quản lý chặt chẽ để đảm bảo sự công bằng giữa DN nội và ngoại.
"Đã đến lúc cần nhìn nhận, đánh giá lại năng lực những nhà đầu tư này. Người mua nhà cần phải tự bảo vệ mình, đừng vì mác ngoại mà chạy theo rồi rơi vào tình cảnh éo le", ông Hiển cho biết.
DiaOcOnline.vn - Theo VEF