BĐS khu công nghiệp: Nhiều cơ hội, lắm thách thức

Cập nhật 17/10/2015 07:54

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh nhận định, việc kết thúc đàm phán TPP mang lại động lực rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam trong đó có thị trường BĐS, đặc biệt là ở các khu công nghiệp.

Trong thời gian qua, các chủ đầu tư tại Việt Nam đã đón đầu việc chuyển dịch các nhà máy từ nhiều thị trường khác đến Việt Nam. Đi cùng với đó là hàng loạt các dịch vụ liên quan đến BĐS như văn phòng, khách sạn, căn hộ, trung tâm bán lẻ và nhà ở cho người nước ngoài tại Việt Nam. Có thể nói lĩnh vực BĐS được hưởng lợi từ các nguồn đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam.

Bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng Bộ phận nghiên cứu và Tư vấn của Savills cho rằng: “Trước đây các nhà đầu tư nước ngoài mở nhà máy ở các nước khác để sản xuất thì bây giờ họ cân nhắc mở tại Việt Nam. Trước mắt, các nhà đầu tư sẽ đặt ở các khu công nghiệp, và khi đó những chủ đầu tư nào có mặt bằng sẵn sàng cho thuê thì rất thuận lợi”.


Ảnh minh họa

Cùng quan điểm trên, ông Jonathan Tizzard, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Định giá Cushman & Wakefield Việt Nam cho hay, TPP sẽ tạo động lực thúc đẩy Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới trong tương lai nhờ lợi thế năng suất lao động cao và chi phí nhân công thấp. Do đó ngày càng nhiều các công ty mới sẽ gia nhập thị trường Việt Nam và nhiều khả năng đến từ các DN đang có mặt tại Trung Quốc.

Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Jones Lang Lasalle Việt Nam cũng cho rằng, thị trường BĐS Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều, đặc biệt ở các phân khúc BĐS công nghiệp, nhà xưởng và kho vận. Bởi một lượng lớn các công ty sản xuất sẽ thành lập nhà xưởng sản xuất mới, các khu công nghiệp Việt Nam có cơ hội thu hút được nhiều khách thuê nước ngoài.

Thêm vào đó, trong tương lai, sẽ có thêm nhiều lao động nước ngoài vào Việt Nam, kéo theo chuỗi nhu cầu tiêu dùng tác động đến mặt bằng bán lẻ, nhà ở, căn hộ dịch vụ, văn phòng… Đây cũng chính là cơ hội nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhiều chuyên gia BĐS cũng nhận định, so với các nước trong khu vực, giá nhà ở Việt Nam rẻ hơn so với nhiều nước trong khu vực, do đó nhu cầu về nhà ở của Việt kiều khi về nước kinh doanh sẽ gia tăng trong thời gian tới giúp cho phân khúc thuê-mua căn hộ tăng lên đáng kể.

Về phần mình, ông Lê Hoàng Châu kỳ vọng rằng TPP sẽ đảm bảo một sân chơi bình đẳng giữa các DN tư nhân với DNNN, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo quyền tiếp cận đất đai, tiếp cận tín dụng của các chủ thể tham gia thị trường BĐS. “Thị trường BĐS khi tham gia vào TPP sẽ tốt hơn nhiều so với hiện nay và đó là điều chúng tôi rất mong đợi”, ông Châu cho biết thêm.

Tuy nhiên, để có thể đứng vững và phát triển ở sân chơi này, các DN trong nước rất cần có chiến lược định hướng đúng đắn. Ngay từ bây giờ, các DN BĐS cần phải tái cơ cấu sản phẩm, định hướng phân khúc một cách rõ ràng. Đó là bài toán tồn tại hay không tồn tại.

Ông Lê Hoàng Châu cũng cho rằng, các bộ, ngành cần xem xét tham mưu cho Chính phủ định vị những ngành nghề mũi nhọn, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia sản xuất tại Việt Nam và như thế lĩnh vực BĐS sẽ được hưởng lợi gián tiếp.


DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng