BĐS du lịch Hà Nội: Nhiều lợi thế nhưng khó “ăn xổi”!

Cập nhật 14/10/2011 10:10

Không ít nhà chung cư, đất nền, đất biệt thự nghỉ dưỡng đã được giao dịch thành công trên thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội trong tháng 9/2011 vừa qua. Đồng thời theo chỉ số thị trường nhân lực trực tuyến của VietNamworks cho thấy, nhu cầu tuyển dụng nhân sự của ngành BĐS tháng 9-2011 đã tăng lên so với 3 tháng trước cùng một số cuộc hội thảo đánh giá về BĐS du lịch thành công tại các thành phố lớn…, nên có thể xem đó là những điểm sáng mới của thị trường BĐS Hà Nội gần đây.

Mặc dù BĐS du lịch là một loại hình mới được phát triển ở Việt Nam vài năm trở lại đây nhưng theo ông Kenneth Atkinson, giám đốc điều hành Công ty dịch vụ tư vấn Grant Thornton Việt Nam thì BĐS du lịch nghỉ dưỡng của Việt Nam có mức độ tăng trưởng vào loại nhanh trong khu vực. Các sản phẩm BĐS du lịch bao gồm: Khu nghỉ dưỡng (resort); khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng, các khu mua sắm, vui chơi giải trí như sân golf, casino, khu cảnh quan thiên nhiên hoặc nhân tạo, khu ẩm thực, văn hoá, lịch sử phục vụ cho du lịch, các phương tiện du lịch, cơ sở đào tạo huấn luyện phục vụ cho ngành du lịch, cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch... Với sản phẩm đa dạng như vậy có thể nói BĐS du lịch Hà Nội đang rất giàu tiềm năng để đầu tư.

Khu du lịch hồ Suối Hai - Ba Vì (Hà Nội). Ảnh minh hoạ Internet

Từ giàu tiềm năng BĐS du lịch…


Sau khi Hà Nội công bố quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với tổng diện tích 128.900ha, diện tích xây dựng đô thị 73000ha thì tiềm năng BĐS du lịch Hà Nội cùng các tỉnh lân cận càng được quan tâm, chú ý. Hiện quy hoạch Hà Nội đã được phê duyệt theo mô hình chùm đô thị gồm một đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn. Khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía tây, nam đến đường vành đai 4 và về phía bắc với khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên. Đây là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của TP Hà Nội và cả nước. Khu vực nội đô bao gồm hai phần: Phần nội đô lịch sử giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường vành đai 2, là khu vực bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long, các giá trị truyền thống của người Hà Nội. Bảo tồn, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị và tôn vinh văn hóa, lịch sử truyền thống của khu phố cổ, khu phố cũ, Hồ Gươm, Hồ Tây, Thành cổ...; Còn phần nội đô mở rộng giới hạn từ đường vành đai 2 đến sông Nhuệ, là khu vực phát triển các khu đô thị mới (KĐTM), các trung tâm văn hóa, dịch vụ - thương mại cấp TP có chất lượng cao, kiến trúc hiện đại…

Với quy mô như vậy, các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn… (Hà Nội), các huyện: Lương Sơn, Kỳ Sơn.. thuộc tỉnh Hòa Bình và một số huyện khác thuộc tỉnh Vĩnh Phúc giáp ranh Hà Nội sẽ là những nơi có thể phát triển các dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Thực tế ở Ba Vì đã có nhiều dự án với hàng chục hecta như: Tản Viên Resort, The Grand Arena Hill hay Green Villas 1,2,3,4... Còn ở Hòa Bình, cũng đã có một số công ty đầu tư như dự án Lâm Sơn Resort với tổng số vốn lên đến 800 tỷ đồng. Ngoài những thế mạnh mà một BĐS du lịch cần có thì các dự án ở Ba Vì, Sóc Sơn còn rất thuận tiện cho những kỳ nghỉ cuối ngày vì gần kề các đô thị lớn Hòa Lạc, Sơn Tây. Riêng Hòa Bình lại còn thêm lợi thế đặc biệt của các vùng giáp Thủ đô và điều này sẽ làm thăng hoa thêm cho mảnh đất đầy tiềm năng phát triển các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, du lịch tâm linh gắn liền với các địa danh lịch sử văn hóa nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình. Hơn nữa tỉnh Hòa Bình đang có chủ trương cải thiện cơ chế chính sách để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, tiến tới xây dựng thương hiệu cho du lịch Hòa Bình.

…đến 3 lợi thế để đầu tư!

Hiện thị trường BĐS nói chung đang trầm lắng bởi những người có nhu cầu ở thực sự thì chưa đủ tiền để mua. Thị trường BĐS đang gặp khó khăn về vốn vì không giải phóng được hàng nghĩa là tính thanh khoản của BĐS (biệt thự, nhà chung cư) rất thấp. Và giá cả BĐS lúc này đã giảm xuống mức thấp nhất hay chưa là câu hỏi khó khi muốn tiếp tục đầu tư vào đây. Đầu tư vào vàng, chứng khoán hay BĐS du lịch là vấn đề các nhà đầu tư cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Mấy năm trước, sản phẩm BĐS du lịch của Hà Nội thường là những trang trại, nhà vườn được xây dựng tại các huyện ngoại thành hoặc thuộc các tỉnh giáp ranh Hà Nội. Mục đích nhằm thỏa mãn nhu cầu cần yên tĩnh, thư giãn cho kỳ nghỉ cuối tuần của từng gia đình cùng bạn bè của họ… Nhưng ngày nay, khách hàng đã có xu hướng cao hơn. Họ chọn lựa không những tới không gian sống gần gũi với thiên nhiên, núi đồi mà còn quan tâm tới các vấn đề liên quan đến du lịch, di tích lịch sử, văn hóa của địa phương. Tuy nhiên cũng cần phải nhấn mạnh rằng hiện quy hoạch cho các khu du lịch nghỉ dưỡng chưa được phê duyệt rõ ràng, nhiều công ty đang có động tác gom đất theo hình thức thuê 50 năm để làm dự án… đó là vấn đề nhà đầu tư phải tìm hiểu trước khi quyết định đầu tư.

Nhưng xét về khía cạnh nào đó như: mức độ an toàn đồng vốn, hiệu quả lâu dài thì đầu tư vào BĐS du lịch có 3 lợi thế quan trọng. Trước hết, giá sử dụng đất tại một số dự án trên địa bàn giáp ranh Hà Nội dao động từ 2 - 7 triệu đồng/m2, tùy theo khu vực là rất hợp lý, tất nhiên đất ở Ba Vì, Sóc Sơn, Sơn Tây cao hơn nhưng bù lại được ở những vị trí đắc địa, tự sinh lợi về sau. Thứ hai, là đầu tư vào BĐS du lịch, nghỉ dưỡng không phải như cách mua một cái nhà thứ hai để đầu tư hay đầu cơ, mà tài sản này ta có thể sử dụng để nghỉ dưỡng hay trao đổi quyền sử dụng hoặc cho thuê lại để sinh lời ngay. Việc này cần nhà đầu tư chú ý tới hình thức tổ chức quản lý khách sạn, khu nghĩ dưỡng của các chủ dự án cũng như thương hiệu của những ông chủ này. Thứ ba, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đang tăng nếu tính bình quân tăng khoảng 11-11,5%/năm. Ngay trong 8 tháng đầu năm 2011, đạt 3.963.000 lượt khách, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2010… Đây là yếu tố quan trọng để BĐS du lịch sinh lợi.

Trong điều kiện hiện nay, đầu tư vào BĐS du lịch là một hướng đi đúng bởi các sản phẩm này sẽ sớm được đưa vào hoạt động kinh doanh sinh lời mà vẫn bảo toàn được vốn cho người mua. Nhưng, cũng cần phải khẳng định đây là một lĩnh vực khó có thể “ăn xổi” và đòi hỏi nhà đầu tư phải đủ vốn không phải đi vay ngân hàng. Với những lợi thế như vậy thì việc tính toán đầu tư vào BĐS du lịch ở Hà Nội hay một số tỉnh, thành khác có thế mạnh về biển như ở Nha Trang, Quảng Ninh… để tạo một màng lưới dịch vụ du lịch từ Thủ đô đến các tỉnh cũng là một sách lược đúng!

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới