Để tháo gỡ cho thị trường bất động sản đang ế ẩm, các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) ở Đà Nẵng đã tận dụng sự kiến bắn pháo hoa quốc tế để chào hàng.
Đón khách giàu
Chủ đầu tư một dự án khu nghỉ dưỡng có tiếng từ lâu ở ngay ngoại thành Hà Nội đã gấp rút thi công hoàn thiện hạ tầng và cảnh quan để tổ chức triển lãm tranh cùng buổi gặp gỡ khách hàng giới thiệu ra thị trường những căn biệt thự biển của dự án, đồng thời bàn giao 31 biệt thự đầu tiên.
Trong khi đó, để chống ế, một khu nghỉ dưỡng khác cũng có đợt ưu đãi đến hơn 700 triệu đồng/căn cho khách hàng đăng ký mua biệt thự vào giai đoạn Cuộc thi bắn pháo hoa Đà Nẵng cho đến hết ngày 16/5/2012.
Cách đó không xa, một ông chủ đầu tư cũng lặn lội từ Hà Nội vào để tổ chức buổi giới thiệu dự án của mình tại Đà Nẵng. Chưa có con số chính thức về khách hàng đặt mua, nhưng chủ đầu tư vẫn kỳ vọng nhiều vào dự án và còn kết hợp với sân golf bên cạnh tặng thẻ cho khách hàng.
Tương tự như vậy, hàng loạt công ty bất động sản khác như Công ty cổ phần Dây cáp điện Tân Cường Thành, Công ty cổ phần Đất Xanh, Công ty TNHH sản xuất và thương mại bất động sản Bách Đạt, Sun Group - Sun Land; Khu giải trí Không gian xưa và nhà hàng Samdi; Tổng công ty cổ phần Xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh Gia Lai cũng vào cuộc giới thiệu dự án đầy triển vọng của mình cho khách hàng đến Đà Nẵng nhân dịp pháo hoa.
Hàng triệu khách tới Đà Nẵng dịp pháo hoa, trong số đó không ít đại gia lắm tiền nhiều của, đây là điều mà hiếm khi các chủ đầu tư cùng các sàn bất động sản có được. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Lâm, giám đốc một sàn bất động sản ở Đà Nẵng, hồ hởi, phải biết tận dụng cơ hội này. Khách hàng đến Đà Nẵng vừa để chơi vừa có tìm cơ hội để đầu tư. Điển hình như năm ngoái, ông Lâm cũng đã có vài hợp đồng với khách Hà Nội sau sự kiện pháo hoa Đà Nẵng.
Ông Lâm cho biết, để chiều các "thượng đế" không phải là đơn giản, bản thân những người có điều kiện đi du lịch họ đã có nguồn tài chính dồi dào nếu biết cách tư vấn cùng với sự nhiệt tình là có thể thành công. Tuy nhiên, khách hàng ở Hà Nội hay TP HCM nên việc mua bán không thể diễn ra một sớm một chiều. Sau khi dẫn khách tham quan dự án, tư vấn và nhiều thời gian sau mới có thể ký được được hợp đồng.
Hết thời sốt
Nhìn lại thị trường cách đây ít lâu, bất động sản Đà Nẵng có thời là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư. Báo cáo của một công ty nghiên cứu, có tới 80% khách hàng Hà Nội là chủ các dự án bất động sản Đà Nẵng, còn lại là TP HCM và các tỉnh khác. Không ít nhà đầu tư Hà Nội sau khi "ăn đủ" ở Thủ đô đã tranh thủ kiếm thêm lợi nhuận tại Đà Nẵng do giá đất rẻ cùng cơ sở hạ tầng hoàn thiện. Nhiều dự án tại Đà Nẵng đã trở thành cơn sốt khi các nhà đầu tư đẩy giá lên cao và mua đi bán lại chênh nhau hàng tỷ đồng.
Không lâu sau đó, Đà Nẵng cũng chịu chung số phận với Hà Nội và TP.HCM khi giá bất động sản giảm mạnh, hiện nhiều dự án đã giảm giá tới 10 đến 40% nhưng vẫn không đủ sức hấp dẫn người mua. Một số chủ dự án phải chấp nhận rao bán đất dưới giá gốc so với mức giá ban đầu được đưa ra.
Điển hình, giá đất mặt đường Phạm Văn Đồng giảm khoảng 15 triệu đồng/m2, hiện đang rao bán từ 43 - 45 triệu đồng/m2. Đường Hoàng Sa - Trường Sa, giá đất cũng chỉ còn khoảng 35 triệu đồng/m2, giảm khoảng 10 triệu đồng/m2. Một số dự án lớn như Golden Hills, Tân Cường Thành, Phương Trang, Nam Việt Á hay khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, giá cũng giảm từ 15 tới 30% so với thời điểm sốt nóng. Với khu vực có mức giá giảm mạnh nhất rơi vào các dự án ven biển, khu vực phía Nam và Thủy Tú.
Có thể thấy, thị trường bất động sản Đà Nẵng trong thời gian tới vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đồng nghĩa với việc nhiều chủ đầu tư chậm tiến độ, thậm chí bỏ cuộc chơi. Một số dự án được công bố hay khởi công vẫn còn đắp chiếu hay mới đây chủ đầu tư VinaCapital bị UBND Đà Nẵng nhắc nhở về tiến độ là điều dễ hiểu.
DiaOcOnline.vn - Theo VEF