BĐS 2014: Thị trường bán lẻ vào hồi sôi động

Cập nhật 08/02/2014 08:38

Với số dân của Việt Nam hiện nay, mạng lưới bán lẻ còn đang thưa thớt và chưa được đáp ứng đầy đủ. Đây chính là khoảng trống dành cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.


Khảo sát mới nhất của Nielsen tại 6 thành phố lớn của Việt Nam cho thấy, niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đã được cải thiện khá nhiều so với thời điểm cuối năm 2012 với việc tăng từ 87 điểm lên 97 điểm. Theo sau sự hồi phục của niềm tin người tiêu dùng là cơ hội mở ra cho thị trường bán lẻ.

Theo CBRE, Việt Nam đang trải qua tiến trình “hiện đại hóa”, thói quen mua sắm của người tiêu dùng dần thay đổi từ các quán hàng rong hoặc chợ đến các trung tâm mua sắm hiện đại có điều hòa và thời thượng hơn. Không chỉ có ngành hàng ăn uống, các ngành hàng khác cũng đón nhận nhiều thương hiệu mới như Crocs, Topshop, Banana Republic, Payless, Christian Dior, v.v. thương hiệu bán lẻ hiện đại sẽ ngày càng đa dạng hơn trong những năm tới.

Trong năm 2013, thị trường đã chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của phân khúc bán lẻ, đặc biệt là sự kiện khai trương hai trung tâm thương mại lớn là Vincom Mega Mall – Royal City và Vincom Megamall –Times City. Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall – Royal City khai trương trong quý 3/2013 với tổng diện tích sàn lên tới 230.000 m² không những khiến tổng nguồn cung tăng mạnh còn đem đến thị trường Hà Nội một mô hình mua sắm và giải trí mới đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trung tâm thương mại Vincom Megamall –Times City khai trương trong quý 4/2013 cũng đã cung cấp hơn 100.000 m2 diện tích sàn bán lẻ cho toàn thị trường.

Năm 2013 cũng đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng chóng mặt của các siêu thị điện máy và bán lẻ. Cụ thể, tính riêng trong năm 2013, Trần Anh đã mở thêm 7 siêu thị điện máy mới, trong khi đó Ocean Retail cũng đã mở rộng quy mô với 5 siêu thị bán lẻ Ocean Mart ra đời...
"Năm 2014 chúng tôi nhận thấy phân khúc bán lẻ vẫn thu hút được sự chú ý nhiều của thị trường. Nguyên nhân là do hiện thị trường hiện tại là thị trường thực, nhu cầu thực. Trong thời gian tới, khi nền kinh tế vĩ mô dần phục hồi thì nhu cầu ở và mua sắm của người dân sẽ tăng trở lại. Vì vậy, phân khúc mặt bằng bán lẻ kỳ vọng sẽ có những khởi sắc nhất định trong năm tới".

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Nghiên cứu của Savills Việt Nam

Được biết, Ocean Retail có kế hoạch mở và vận hành 70-80 siêu thị và trung tâm thương mại trên toàn quốc với tổng diện tích mặt bằng trên 200.000m2 vào năm 2015, tham gia vào quá trình chuyển đổi mạnh mẽ của người dân Việt từ thói quen mua sắm truyền thống sang phong cách thương mại hiện đại.

Không nằm ngoài cuộc chơi, Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc dự định phát triển 60 siêu thị và trung tâm thương mại (TTTM) tại Việt Nam với bước khởi động là Lotte Mart (ngày 24/7 đã cất nóc tòa nhà này) và thuê toàn bộ diện tích 4 sàn thương mại (khoảng 20.000 m2) của TTTM Mipec Mall (Pico Mall trước đây).

Hãng Aeon của Nhật Bản có kế hoạch mở hai khu phức hợp thương mại mỗi năm tại Việt Nam cho đến khi đạt con số 20 vào năm 2020. “Ông trùm” Thái Lan về hệ thống cửa hàng tiện dụng chuẩn bị mở FamilyMart tại Việt Nam.

Chuỗi siêu thị Big C của Pháp đã có trên 20 siêu thị tại Việt Nam, nhưng vẫn tiếp tục công cuộc phát triển hệ thống với việc vừa khai trương một điểm tại Phú Thọ và xây dựng một tổ hợp tại Quảng Ninh.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, trong đó số liệu của Liên Hợp Quốc, thị trường bán lẻ Việt Nam có tiềm năng phát triển lâu dài do có dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa cao. Tại nhiều nước có nền thương mại phát triển, cứ khoảng 100 nghìn người dân cần có một trung tâm thương mại hoặc trung tâm mua sắm lớn, 10 nghìn người dân cần một siêu thị và 1.000 người dân cần từ 1 đến 3 cửa hàng tiện ích… thì suy ra với số dân của Việt Nam, mạng lưới bán lẻ còn đang thưa thớt và chưa được đáp ứng đầy đủ. Đây chính là khoảng trống dành cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
 

Theo Bộ Công thương, đến cuối năm 2012, số nhà bán lẻ nước ngoài chiếm hơn 40% trong số 700 siêu thị  tại Việt Nam. Đồng thời, 31 trong tổng số 125 trung tâm thương mại  hiện tại có yếu tố đầu tư nước ngoài. Con số này cho thấy mức độ quan tâm và phát triển mạnh của các nhà bán lẻ nước ngoài tại thị trường Việt  Nam. Ngoài ra, theo quy định của WTO, Việt Nam sẽ phải mở cửa hoàn toàn với các đơn vị nước ngoài,  bao gồm nhà bán lẻ. Điều này sẽ giúp nâng cao tính cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ và đòi hỏi các nhà bán  lẻ trong nước cần có sự chuẩn bị tốt về mặt quản lý cũn g như vận hành

Bộ Công thương cũng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển cho mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại. Theo đó, đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại. Dự báo đến 2020, tỷ trọng bán lẻ qua mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại sẽ chiếm 45% tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội. Chính phủ cũng khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực này.


DiaOcOnline.vn - Theo Trí thức trẻ