Bắt nộp tiền mới bàn giao nhà, Nam Cường sợ khách hàng quỵt nợ?

Cập nhật 02/12/2013 09:11


Lo sợ nhiều người dân khu đô thị Dương Nội xem nhà xong thì “chạy mất”, Nam Cường đã yêu cầu dân phải đóng 90% giá trị hợp đồng mới được xem nhà.

Thông báo "lạ" của Nam Cường trước khi giao nhà

Mới đây, trong thư Thông báo của Tập đoàn Nam Cường gửi tới khách hàng mua căn hộ tại Khu đô thị Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) có nội dung: “Quý khách hàng có nhu cầu xem nhà trước khi nhận bàn giao nhà, đề nghị thanh toán ít nhất 90% giá trị hợp đồng và phải đăng ký trước 5 ngày”. Đề nghị này đã gây ra phản ứng dữ dội từ phía người mua.

Chị Lê Thị C., người mua căn hộ tại tòa CT7C Khu đô thị Dương Nội cho biết: “Đề nghị này không có trong hợp đồng mua bán và vi phạm điều 39 Luật nhà ở năm 2005 bởi Luật quy định “Tổng số tiền huy động trước khi bàn giao nhà ở cho người có nhu cầu không được vượt quá 70% giá trị nhà ở ghi trong Hợp đồng”. Hơn nữa, quyền xem nhà trước khi nhận nhà là quyền chính đáng và hợp pháp của chúng tôi, đó cũng là cơ sở để thực hiện thủ tục bàn giao nhà”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Sỹ Hoàn, chánh văn phòng Tập đoàn Nam Cường giải thích: Đúng là huy động vốn quy định không được vượt quá 70%, nhưng ở đây, Nam Cường đang “bán nhà, bán sản phẩm có nhà rồi, chứ không phải huy động vốn”.

Hơn nữa, theo ông Hoàn, trong hợp đồng ký kết giữa 2 bên cũng nói rõ: “Khi nhận nhà, khách hàng phải nộp tiền, chứ không phải là nhận nhà xong mới nộp tiền”.

Nam Cường lý giải, sở dĩ có thông báo “lạ lùng” như trên là bởi tránh trường hợp nhiều khách hàng khi đến xem nhà xong, họ cố tình “bới bèo ra bọ”, soi chất lượng công trình, lấy cớ căn hộ chưa hoàn thiện để không phải đóng tiền.

Rút kinh nghiệm từ chung cư CT8 trước, Nam Cường đã yêu cầu khách phải thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính trước, đóng đầy đủ 90% giá trị hợp đồng thì mới được lên xem nhà rồi chính thức nhận nhà.

Mập mờ diện tích chung - riêng

Cùng với việc phản đối Nam Cường bắt chẹt khách đóng tiền chênh lệch tỷ giá từ ngày mua đến ngày nhận nhà, khách hàng còn viết đơn “tố” hàng loạt điều bất bình thường của Nam Cường.

Phản ánh tới chúng tôi, chị Nguyễn Thị T. – khách hàng đã mua nhà tại chung cư CT7 Khu đô thị Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) vô cùng bức xúc vì cách tính diện tích chung, riêng của tòa nhà.


Khách mua nhà treo băng rôn đòi Nam Cường trả lại tiền diện tích thiếu.

Chị T. chia sẻ: Căn hộ của chị có 3 cái cột, mỗi cột 1m2, bỗng dưng chị phải “nộp không” cho Nam Cường hơn 100 triệu đồng tiền diện tích hộp kỹ thuật, cột nhà này. Và điều khiến chị T. bực bội nhất là khi chị phản ánh tới công ty thì phía công ty vin vào “chúng tôi đã gửi công văn lên Bộ Xây Dựng để xử lý”.

Bức xúc trước việc Nam Cường trốn tránh đối thoại với khách hàng, chị T. cho biết: Với mỗi m2 diện tích sử dụng chung bị tính vào diện tích sử dụng riêng, mỗi căn hộ phải thanh toán thêm từ 50 đến 60 triệu đồng. Cả trăm căn hộ, công ty thu về khoản tiền rất lớn - theo tính toán của khách hàng.

Khách hàng của Nam Cường yêu cầu Công ty giao đầy đủ bản đo đạc căn hộ có xác nhận của cơ quan thẩm quyền mới đóng nốt tiền đợt 6.

“Chúng tôi không đồng ý với việc Nam Cường đưa diện tích phần sở hữu chung của tòa nhà vào trong diện tích sàn căn hộ (sở hữu riêng) mà chúng tôi thanh toán. Điều này là trái với các quy định pháp luật và trái điều khoản trong hợp đồng” – Chị T. nói.

Trước việc mập mờ tính diện tích riêng chung, trả lời chúng tôi, đại diện của Nam Cường cho rằng công ty đã gửi công văn lên Bộ Xây dựng để nhờ Bộ Xây dựng có văn bản trả lời khách hàng của công ty.

Theo luật sư Bùi Quang Hưng, Trưởng văn phòng luật sư Bùi Quang Hưng và cộng sự, lý do khiến cho tranh chấp về cách tính diện tích luôn “căng thẳng” vì ngay trong các quy định của pháp luật cũng có sự không rõ ràng.

Cụ thể, luật Nhà ở 2005 và Nghị định 71 đều quy định phần cột khung chịu lực, hộp cột kỹ thuật là sở hữu chung không được bán.

Tuy nhiên, cách tính diện tích căn hộ theo tim tường được quy định tại chính Nghị định 71 năm 2010, và Thông tư 16 hướng dẫn chi tiết Nghị định 71 thì phần diện tích cột và hộp kỹ thuật này lại quy định đo từ tim tường đến tim tường.

Chính sự mập mờ này đã khiến cho hàng loạt các tranh chấp liên quan đến cách tính diện tích căn hộ “bùng nổ” thời gian gần đây.

Công văn của Bộ Xây dựng thì hoàn toàn làm chủ cho Nam Cường chính vì thế thiệt thòi vẫn rơi vào người mua nhà vì luật chưa chặt. Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, Nam Cường đã cung cấp đầy đủ, thông tin về giá bán nhà dựa trên cách tính diện tích (tính theo tim tường). Hợp đồng được ký trên cơ sở tự nguyện, cách tính diện tích cũng không trái với các quy định của pháp luật về nhà ở.

DiaOcOnline.vn - Theo Soha