Hơn 71 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký trong năm 2008, chỉ ba năm sau đã vơi đi đến 3/4. Sự ngoảnh mặt của dòng vốn ngoại không hẳn là đồng đều, khi bất động sản tụt dốc thảm hại, nhưng casino lại “lên hương” với nhiều sự quan tâm mới.
Ông Phan Hữu Thắng: “Đối với các địa phương và từng địa điểm cụ thể, nếu thực sự cần casino để phát triển thì nên xem xét. Vấn đề là quản lý sau cấp phép thôi”.
Xin giới thiệu góc nhìn về cục diện đầu tư nước ngoài hiện nay của nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng, hiện là Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài thuộc trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Bất động sản từ đỉnh xuống đáy
* Theo công bố của Cục Đầu tư nước ngoài, thu hút vốn FDI trong hai tháng đầu năm 2012 chỉ có một dự án bất động sản với vốn đăng ký 100 nghìn USD, đứng cuối cùng trong các ngành thu hút lớn FDI. So với vài năm trước bất động sản luôn ở vị trí đầu tiên, dường như đang có sự lãng quên với bất động sản, thưa ông?
Với thị trường bất động sản hiện nay, vấn đề nổi lên đầu tiên là tình trạng thiếu vốn, không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam mà cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Tín dụng thắt chặt với bất động sản, đưa bất động sản vào phi sản xuất càng bị thắt chặt hơn. Trong bối cảnh nguồn vốn bên ngoài giảm sút do khủng hoảng kinh tế chung toàn cầu, nên vốn của các doanh nghiệp FDI không phải dồi dào cho các năm vừa qua, đổ vào bất động sản càng chặt chẽ hơn, khiêm tốn hơn.
Họ thấy tình hình thị trường trong nước trầm lắng, sức mua giảm sút, thị trường chỉ còn tập trung vào nhà ở giá thấp, an sinh xã hội, còn lại nhà ở cao cấp như biệt thự, căn hộ cao cấp không còn cơ hội kinh doanh cho nhà đầu tư nhỏ, cá nhân nữa.
Điều đó buộc nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư trong lĩnh vực này phải suy nghĩ lại. Có thể họ vẫn góp vốn nhưng tình hình thị trường như vậy họ phải tạm dừng hoặc là kéo dài tiến độ để chờ thời cơ chứ không dại gì bỏ cả đống tiền vào đấy. Vì thế cho nên năm 2007-2008, cùng với đà chung thì FDI bất động sản vào cao như vậy, còn nay thì vào rất thấp.
Nhưng nhìn lại thì quản lý bất động sản của chúng ta cũng có một số bất cập. Chúng ta đã quá hy vọng vào những dự án tỷ đô, không đánh giá hết trước hết là tiềm năng thị trường của chúng ta, của thế giới và khu vực.
Cho nên, sau khi phân cấp mạnh, các địa phương không cân nhắc, đánh giá hết hệ lụy của dự án tỷ đô, lúc đó vốn FDI đăng ký tăng vọt lên bởi hơn 20 dự án tỷ USD, trong đó 13 dự án là bất động sản rồi, tự nhiên đưa lên rất lớn.
* Sau sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn sốt nóng của thị trường vừa qua, số vốn FDI đăng ký vào bất động sản chưa giải ngân còn tồn lại rất lớn. Hiện nay không có con số thống kê vốn FDI giải ngân cụ thể từng lĩnh vực, nhưng theo ông với bất động sản thì vốn ngoại chảy vào có đúng với cam kết?
Đây cũng là vấn đề đã được đề cập từ lâu nay, vốn thực hiện bây giờ phải làm sao có được theo các ngành. Trong 11 tỷ USD giải ngân mỗi năm thì vào các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ bao nhiêu, rồi trong công nghiệp thì vào các lĩnh vực như sắt thép, điện tử, cấp điện nước… bao nhiêu. Nếu không thì không thể nghiên cứu và quản lý vĩ mô có các giải pháp chính xác được.
Từ 2010, trong một số lần nói về đầu tư nước ngoài tôi đã đề cập đến vấn đề này, nhưng đúng là đến nay chưa khắc phục được. Tôi hy vọng với đề án đánh giá thực trạng FDI và định hướng thu hút, chính sách đến năm 2020 mà hiện nay Thủ tướng Chính phủ đang giao thì sẽ phải tập trung vào các đề án đó để khắc phục bất cập này và các bất cập khác khi đã thấy rõ.
* Liên quan đến hiệu quả của vốn FDI vào bất động sản, vừa qua Bộ Tài chính có thông tin về dự án Phú Mỹ Hưng (Tp.HCM), 15 năm hoạt động vừa qua, nhà đã bán từ lâu, mỗi năm chủ đầu tư chuyển về nước 120-130 triệu USD, nhưng tiền thuế sử dụng đất chưa thu được. Ông nghĩ sao về hiệu quả của dự án FDI?
Theo tôi, các cơ quan ở địa phương, trước hết là sở tài chính địa phương nên đánh giá lại các thông tin này. Phú Mỹ Hưng ngay từ đầu đã có một số vấn đề rồi, khi cấp phép đã phải giải quyết rất nhiều đến vấn đề thuế má, rồi quy hoạch ở đó… Hồi đó có nhiều đoàn kiểm tra liên bộ và UBND Tp.HCM đã nhiều lần phải vào cuộc xử lý rồi.
Thực sự nếu có chuyện đó, tất cả quyền nằm ở trong tay nhà nước mình, nếu có hiện tượng đó thì nên giao cho sở tài chính, cục thuế, sở kế hoạch và đầu tư làm việc với họ vài ngày là rõ các vấn đề ngay. Nếu họ chưa làm nghĩa vụ thì phải thực hiện, làm trái pháp luật thì xử phạt, còn nếu họ làm đúng thì hỗ trợ để họ thực hiện theo đúng cam kết.
Cần cân nhắc với casino
* Liên quan đến dự án casino tại Vân Đồn (Quảng Ninh), tại buổi họp báo Chính phủ ngày 6/3, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam thông tin rằng, Chính phủ đã nhận được báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề này. Theo quan điểm của ông, có nên tiếp tục mở cơ chế cho casino nữa không, khi mà hiệu quả đem lại chưa được xác định rõ?
Nói gì thì nói, ở Việt Nam hiện nay đã có casino ở Móng Cái, Bãi Cháy (Quảng Ninh), ở Đà Nẵng, Đồ Sơn (Hải Phòng), Lào Cai, chưa kể một số điểm khác cấp rồi mà chưa hoạt động, nhưng vẫn “mang tiếng” là không cho phép hoạt động casino.
Tuy nhiên, các dự án đang hoạt động đều là nhỏ lẻ, không mang lại hiệu quả lớn cho khu vực đó chứ chưa nói chung cả đất nước.
Vấn đề đặt ra là giai đoạn tới đi tiếp thế nào? Tôi nghĩ Việt Nam, với 64 tỉnh, thành phố, với điều kiện kinh tế xã hội, địa chính trị như thế, tình hình thế giới, xu thế hội nhập như thế thì chúng ta cần bao nhiêu điểm có thể cho phép casino hoạt động, điều kiện như thế nào?
* Có thời gian một số nhà đầu tư cho rằng nếu đăng ký đầu tư đến 4 tỷ USD hay 10 tỷ USD thì sẽ được làm casino với điều kiện họ phải đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực đó, khi hoàn thành lúc đó mới được triển khai hoạt động. Có phải cần nghiêm túc như thế, hay là như vừa qua, thêm 3-4 điểm như vậy nhưng đều là nhỏ lẻ?
Vậy phải xem lại, sắp xếp những anh nhỏ lẻ. Chẳng hạn Lào Cai, trước mắt thì đầu tư tạm thời, sau phải đưa vào khu Kim Hùng, phải làm hạ tầng thì nhà đầu tư đã làm chưa? Đồ Sơn, Móng Cái đã làm đúng cam kết trước đây chưa? Tất cả phải xem lại, cái đó là trong tầm tay của Nhà nước chúng ta.
Đối với các địa phương và từng địa điểm cụ thể, nếu thực sự cần casino để phát triển thì nên xem xét. Vấn đề là quản lý sau cấp phép thôi.
* Có những con số thống kê rằng, hàng năm Việt Nam có khoảng 1 tỷ USD chảy ra nước ngoài để đánh bạc và cho rằng nếu không cho phép mở casino thì chúng ta đang bị thất thu một lượng tiền tương đối lớn. Quan điểm của ông?
Theo tôi, nên làm cái gi khi mà chúng ta đủ sức. Còn bây giờ quản lý của chúng ta đã đủ sức chưa? Nghĩ thì thường là đúng, nhưng triển khai thực tế không làm được. Bây giờ ở vào giai đoạn phải hết sức tỉnh táo và cân nhắc, đủ sức trong mọi việc thì hãy làm, còn thấy yếu ở một khâu nào thì nên cân nhắc.
Còn quan điểm của chúng ta lâu này vẫn là chỉ cho người nước ngoài chơi casino, anh phải ngồi vào đấy, bỏ tiền bạc, thậm chí hại sức khỏe. Người nước ngoài thì hạng sang cũng có mà “Tây ba lô” cũng có, cái đó mình không quản.
Chênh lệch 10 tỷ USD chỉ là vấn đề kỹ thuật
* Vừa qua, báo chí có nêu thống kê vốn FDI giải ngân đến năm 2009 từ nguồn tin nước ngoài là 44 tỷ USD, trong khi thống kê trong nước là 54 tỷ USD, lệch nhau đến 10 tỷ USD. Theo ông vì sao?
Thực ra vấn đề này đã có từ nhiều năm trước, thống kê đầu tư nước ngoài giữa Việt Nam và nước ngoài khác nhau. Nó chỉ là vấn đề kỹ thuật thôi.
Vấn đề thế này, khi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thì họ chuyển tiền qua tài khoản, thiết bị máy móc qua đường nhập khẩu, giá trị sáng chế, phát minh. Lượng vốn qua máy móc, thiết bị qua đường nhập khẩu thì các tổ chức nước ngoài phần lớn không thống kê được...
Vì họ cũng không có liên hệ với hải quan của chúng ta để làm điều đó, họ không có thông tin. Họ chỉ nắm được lượng tiền chuyển qua hệ thống ngân hàng. Lượng đó đã làm chênh lệch khá lớn rồi.
Cái nữa là theo quy định của chúng ta, giá trị bằng sáng chế, phát minh… cũng được tính vào vốn góp của bên nước ngoài, thì các tổ chức quốc tế không có số liệu để thống kê.
* Mấy năm nay, con số thống kê FDI luôn rất chẵn, đặc biệt là về vốn giải ngân. Còn nhớ thời gian khi ông đương nhiệm, hàng năm vào khoảng quý 1 đều có cuộc họp với báo giới để thông tin lại con số về thu hút FDI, và thực tế là con số công bố sau đó thường cao hơn rất nhiều so với thời điểm công bố cuối năm trước đó. Vì sao vậy?
Thường là phải điều chỉnh con số thống kê sau quý 1 hàng năm, vì năm tài chính doanh nghiệp nước ngoài thường kết thúc vào tháng 3, khi đó mới có đánh giá và tổng kết thực tế.
Còn để đáp ứng nhu cầu thống kê của chúng ta thì họ báo cáo nhanh. Chúng ta lại thường kết thúc vào tháng 12, nên dự báo với con số thực có chệnh lệch nhau, nên phải rà lại thực tế.
Mấy năm gần đây có hạn chế là phân cấp quá mạnh, toàn diện. Hai là chế độ báo cáo thống kê không được thực hiện theo đúng quy định, nên có khó khăn cho việc này.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy