Sự khởi sắc của thị trường bất động sản phía Nam không chỉ ở TP. HCM, mà đã lan rộng ra các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai với nhiều dự án được tung ra thị trường và có sức hút khá tốt.
Sự nhộn nhịp trở lại của bất động sản vùng ven gần đây xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là giá còn khá mềm so với TP. HCM, trong khi vài năm trở lại đây, hạ tầng liên kết giữa các địa phương có sự đột phá mạnh mẽ. |
Cũng tại Bình Dương, cuối tuần qua, Công ty Tấc Đất Tấc Vàng mở bán 70 sản phẩm thuộc block đất nền thương mại IJC@VSIP tại Thành phố mới Bình Dương. Đây là dự án do Tấc Đất Tấc Vàng và Công ty Becamex IJC làm chủ đầu tư. Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Tấc Đất Tấc Vàng, toàn bộ sản phẩm của đợt mở bán lần này đã được khách hàng đặt mua.
Tương tự, tại thị trường Long An, sau thành công Dự án Khu dân cư Thương mại Cát Tường Phú Thạnh, mới đây CTCP Địa ốc Cát Tường Đức Hòa đã chính thức “trình làng” Dự án Khu đô thị Thương mại dịch vụ Cát Tường Phú Nguyên Residence. Theo ông Lê Tiến Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty Cát Tường, sau gần 2 tuần chính thức công bố 250 sản phẩm trong đợt đầu ra thị trường, đến nay đã có hơn 200 sản phẩm đã được khách hàng đặt chỗ.
Trước đó, khá nhiều nhà đầu tư tên tuổi đã “đổ” vốn vào thị trường địa ốc Long An. Nhiều dự án khu đô thị lớn đã và đang được triển khai, như Làng Sen Việt Nam của Phúc Khang, Dự án Khu dân cư Thương mại Cát Tường Phú Thạnh của Cát Tường, Dự án Thanh Yến Residence, Five Star của Tập đoàn Năm Sao, các dự án của Nam Long, Tân Tạo, Đồng Tâm, Thuduc House… Phần lớn các dự án thời gian qua đều có kết quả bán hàng khá thành công, như Dự án Làng Sen Việt Nam đến nay đã bán hết.
Tại Đồng Nai, kể từ sau khi Quốc hội thông qua Dự án Sân bay quốc tế Long Thành, nhiều dự án tại Đồng Nai như The Viva City, Sakura Valley… đều có kết quả bán hàng khá tốt.
Theo phân tích của giới chuyên môn, sự nhộn nhịp trở lại của bất động sản vùng ven gần đây xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là giá còn khá mềm so với TP. HCM, trong khi vài năm trở lại đây, hạ tầng liên kết giữa các địa phương có sự đột phá mạnh mẽ. Chẳng hạn, trước đây, so với các địa phương lân cận TP. HCM như Bình Dương, Đồng Nai, bất động sản Long An ít được quan tâm hơn, nhưng gần đây, Long An lại được nhiều nhà đầu tư chú trọng nhờ chiến lược phát triển hạ tầng ở khu vực này.
Trong chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Long An được đánh giá là một trong những vùng kinh tế có nhiều tiềm năng và được quy hoạch thành khu đô thị mở. Định hướng chính là phát triển khu kinh tế trọng điểm gồm 9 huyện, thị phía Đông Nam, bao gồm TP. Tân An, huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành, Thủ Thừa, Đức Huệ, Thạnh Hóa.
Còn tại Bình Dương, ngoài những tuyến đường hiện hữu kết nối với TP. HCM, Bình Dương đã lên kế hoạch phát triển mạng lưới kết nối khác qua hệ thống xe buýt đi từ Thành phố mới Bình Dương đến TP. HCM. Theo quy hoạch, Bình Dương sẽ có sự đột phá trong phát triển hệ thống đường sắt phát triển đô thị, với 6 tuyến đường trên cao và 1 tuyến đường trên mặt đất.
Trong đó, sẽ có 2 tuyến kết nối với TP. HCM gồm tuyến số 1, sẽ đi trên cao, nối trung tâm Bình Dương với Ga Suối Tiên (tuyến metro số 1 của TP. HCM), ưu tiên xây dựng để hoàn thành trước năm 2020. Tuyến số 2 sẽ là tuyến tàu điện nhẹ đi từ TP. Thủ Dầu Một đến TP. HCM.