Bất động sản vẫn là thị trường hấp dẫn

Cập nhật 20/12/2009 11:30

Bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Ảnh: N.Phước

Theo báo cáo về "Xu hướng mới nổi trong thị trường bất động sản tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương" năm 2010 do Viện Quản Lý Đất Đô Thị tại Mỹ (ULI) và công ty PricewaterhouseCoopers thực hiện thì TP.HCM vẫn đứng thứ 3 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về triển động đầu tư bất động sản, sau Thượng Hải và Mumbai, tiếp tục duy trì vị trí từ năm 2009.

Khả quan

Báo cáo này được thực hiện căn cứ vào ý kiến của 270 chuyên gia bất động sản nổi tiếng trên thế giới, bao gồm các nhà đầu tư, thiết kế, đại diện của các công ty kinh doanh bất động sản (BĐS), những nhà cho vay, môi giới và tư vấn.

Ông David Fitzgerald, chủ phần hùn Bộ phận Thuế và chuyên gia về lĩnh vực BĐS của công ty PricewaterhouseCoopers Việt Nam, văn phòng đặt tại TP. HCM nhận định, kết quả khảo sát cho thấy giá BĐS có thể giảm hơn năm trước nhưng TP. HCM vẫn tiếp tục là thị trường hấp dẫn các nhà phát triển và đầu tư BĐS.

"TP. HCM vẫn là một trong những địa điểm có cơ hội cao nhất tại khu vực Đông Nam Á... Nhìn chung, chúng ta tiếp tục tin tưởng rằng TP. HCM là địa điểm rất hấp dẫn đối với nhà phát triển có tầm nhìn dài hạn và tiếp cận được nguồn tiền," ông David Fitzgerald nói.

Báo cáo trên cũng đánh giá thị trường bất động sản thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang vực dậy “một cách khả quan đáng ngạc nhiên” sau cuộc suy thoái toàn cầu, khi so sánh với các thị trường tại Mỹ và châu Âu.

Theo bản báo cáo thì ngay từ lúc bắt đầu cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường BĐS tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn ở vào tình trạng tốt hơn so với thị trường châu Âu và Mỹ.

Trong một diễn biến khác, ông Phạm Thiếu Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài phát biểu trên báo chí rằng, từ năm 2010 kiều bào sẽ tăng cường đầu tư về nước và có chiều sâu hơn. Trong đó khoảng 60 - 70% nguồn vốn kiều hối tập trung vào thị trường BĐS

Ông Hoa khẳng định, xu hướng đầu tư của kiều bào trong năm 2010 là thị trường BĐS, cùng với các lĩnh vực khác như dịch vụ, thương mại, công nghệ thông tin và thủ công.

Dương Văn Thành, Chủ tịch Hội doanh nghiệp VN ở Canada, nói: “Tiềm năng đầu tư của người Việt ở nước ngoài là rất lớn bởi hiện số người Việt ở nước ngoài sở hữu từ 500.000 - 1 triệu USD là rất nhiều và hầu hết có mong muốn về nước đầu tư, làm ăn và sinh sống”.

Năm 2009, có khoảng 3.000 doanh nghiệp kiều bào về nước đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 2 tỷ USD, trong đó khoảng 60% dự án hoạt động có hiệu quả. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, tính đến tháng 9.2009, có 2.795 doanh nghiệp và 122 dự án của kiều bào thành lập, hoặc góp vốn với tổng số vốn đăng ký là 11.155 tỷ đồng. Ngoài ra, Khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh cũng cấp phép 10 dự án đầu tư của kiều bào với tổng vốn hơn 157 triệu USD.

Thị trường cần minh bạch hóa

Bên cạnh những thông tin hấp dẫn về tính triển vọng của thị trường BĐS Việt Nam, các chuyên gia kinh tế trong tuần qua cũng chỉ ra những “căn bệnh mãn tính của thị trường này như kém minh bạch, mang nặng tính đầu cơ, giá cả trên trời…

Và để tạo thuận lợi cho người dân, nhà đầu tư tiếp cận dễ dàng với các sản phẩm BĐS trên một thị trường minh bạch, lành mạnh, theo các chuyên gia, rất cần những “liều thuốc nặng”.

Theo Tiến sỹ Bùi Văn Sĩ, Viện Nghiên cứu quản lý đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện có khá nhiều văn bản pháp lý quy định về sự phân cấp trong quản lý đất đai cho cấp huyện, tỉnh, nhưng lại thiếu những chế tài giám sát việc thực thi quyền thu hồi, cấp đất đối với các cấp này, nên nảy sinh không ít tiêu cực.

Điều này đã tạo ra nhiều sản phẩm BĐS "không sạch" với giá trên trời. Hệ quả là người dân, nhà đầu tư gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận với các sản phẩm BĐS. Bởi vậy, ông Sĩ cho rằng, muốn làm cho thị trường lành mạnh, cần sớm làm rõ trách nhiệm pháp lý của các chủ thể là cơ quan quản lý trong quá trình tạo hàng cho thị trường.

Giảm thiểu yếu tố chụp giật, tăng tính chuyên nghiệp của đội quân môi giới, theo Tiến sỹ Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng), sẽ góp phần đáng kể ngăn chặn nạn "thổi" giá trên thị trường BĐS.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, đội quân môi giới BĐS phải qua đào tạo và được cấp chứng chỉ hành nghề, nhưng việc chấp hành quy định này mang nặng tính hình thức, thể hiện qua lối làm ăn theo kiểu "đánh quả" của không ít văn phòng môi giới BĐS. Thậm chí, không hiếm văn phòng môi giới BĐS thành lập tự phát, tồn tại không theo quy định của pháp luật, gây rủi ro cho thị trường.

Bởi vậy, cần khuyến khích thành lập các hội môi giới BĐS với quy định pháp lý rõ ràng, chặt chẽ, đảm bảo cho các hội này khi đi vào hoạt động đủ sức đào thải những nhà môi giới hoạt động không đàng hoàng.

Các sàn giao dịch BĐS tập trung cũng đã được lập ra, nhưng chưa đóng góp nhiều cho sự minh bạch của thị trường. Số lượng các giao dịch qua sàn còn quá nhỏ so với số thương vụ giao dịch trên thị trường tự do. Điều này một phần là do quy định pháp lý còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ theo nghĩa phải hướng các giao dịch bắt buộc qua sàn với thủ tục đơn giản, thuận tiện cho cả người mua lẫn người bán.

Ông Liêm nêu lên một kinh nghiệm tổ chức sàn giao dịch BĐS rất thành công ở Trung Quốc. Theo đó, tại mỗi thành phố, chính quyền lập ra một trung tâm giao dịch với phí giao dịch thấp, thông tin minh bạch. Điều quan trọng là tại trung tâm này có đầy đủ các đại diện: môi giới, địa chính, thuế, kho bạc… để đảm bảo cho các giao dịch, nhất là việc sang tên đổi chủ diễn ra nhanh chóng, tiết kiệm chi phí.

Vì sức hấp dẫn như vậy, nên người dân, nhà đầu tư rất thích giao dịch qua sàn. Trong khi đó, các sàn giao dịch BĐS ở Việt Nam đang được tổ chức theo kiểu một văn phòng môi giới nhà đất "nâng cao", nên chưa tạo ra những ưu việt thực sự để hấp người dân, giới đầu tư tham gia giao dịch.


Lê Đình - DiaOcOnline.vn