Bất động sản vẫn "hút" FDI

Cập nhật 05/03/2010 09:30

Trong hai tháng đầu năm 2010, cả nước thu hút được 1,78 tỉ USD FDI (tổng lượng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài), thấp hơn so với cùng kỳ năm 2009. Theo một số chuyên gia, việc FDI giữ mức thấp trong giai đoạn đầu năm không phải là điều bất thường. Và bất động sản, một trong những “tâm điểm” thu hút lượng FDI thông qua các dự án cao cấp tiếp tục được kỳ vọng tăng điểm cho FDI trong thời gian tới.


Bất động sản vẫn là một trong những "tâm điểm" thu hút FDI. Ảnh: Hà Duy

Giải ngân tăng

Theo số liệu Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lượng FDI được đăng ký trong 2 tháng đầu năm ước đạt 1,78 tỷ USD, chỉ bằng 27,3% so với cùng kỳ 2009.

Trong số 1,78 tỷ USD nói trên, có hơn 1,6 tỷ USD thuộc về 88 dự án được cấp phép mới (giảm 40,2% về vốn và giảm 42,5% về số dự án so với cùng kỳ năm trước). Số vốn trị giá 165,2 triệu USD còn lại là phần đăng ký bổ sung của 16 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước.

Cũng trong 2 tháng đầu năm 2010, đã có 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thu hút được vốn FDI, trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu có số vốn đăng ký dẫn đầu với 924 triệu USD, chiếm 57,2% tổng vốn đăng ký của cả nước. Tiếp đến là địa phương như TP HCM, Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Dương…

Tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong hai tháng đầu của năm 2010 mặc dù giảm nhưng ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 1,1 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2009. Cục đầu tư đánh giá, đây là mức tăng khá trong 2 tháng đầu của năm 2010. Cụ thể trong tháng 2 có đến khoảng 700 triệu đô la Mỹ vốn FDI được giải ngân, nâng tổng vốn FDI giải ngân trong hai tháng đầu năm tăng lên.

Bất động sản được kì vọng

Trong tổng lượng FDI thu hút được từ đầu năm đến nay, bất động sản vẫn là một trong những “tâm điểm”. Trong số các dự án cấp mới, các dự án liên quan đến lĩnh vực bất động sản có số vốn đầu tư cao nhất. Đáng chú ý là dự án Công ty TNHH Skybridge Dragon Sea của Hoa Kỳ, mục tiêu xây dựng, kinh doanh Khu trung tâm hội nghị triển lãm, trung tâm thương mại, kinh doanh bất động sản tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư 902,5 triệu USD; dự án Công ty TNHH đầu tư Daewon - Bình Khánh để kinh doanh bất động sản tại TP. HCM với tổng vốn đầu tư 120 triệu USD; dự án Công ty TNHH CZ Slovakia Việt Nam của nhà đầu tư Slovakia để kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD…

Trước sức “hấp dẫn” ngày càng tăng của bất động sản, thị trường này trở thành đối tượng được các nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng. Trong năm 2010, bên cạnh lượng FDI tiếp tục đổ vào nhà đất thì việc Ngân hàng Nhà nước cho phép áp dụng lãi suất thỏa thuận với các khoản vay trung và dài hạn cũng là một trong những tín hiệu tốt giúp thị trường bất động sản tiếp tục phát triển lâu dài. Có thể khẳng định điều này bởi trong thời gian qua, thị trường bất động sản trầm lắng một phần do Ngân hàng chỉ khuyến khích cho vay với các nhu cầu nhà ở thật sự. Khi được cho vay với thời gian dài, cũng có nghĩa người vay có thể nắm giữ chứng khoán, bất động sản dài hơn là phải lướt sóng như hiện nay.

Có một điểm thú vị của thị trường bất động sản Việt Nam là hiện tượng liên thông giữa chứng khoán và bất động sản. Ba năm gần đây, kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển, giới phân tích thấy rằng cứ sau chu kỳ thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh là đến thị trường bất động sản “nổi sóng”. Đơn giản là sau khi thị trường chứng khoán hoàn thành một chu kỳ tăng điểm dài, sẽ “sinh ra” một bộ phận các nhà đầu tư chứng khoán có lãi. Các nhà đầu tư này sẽ chuyển lãi sang bất động sản để bảo vệ thành quả và giảm thiểu rủi ro. Lớp nhà đầu tư này chính là lượng cầu thật của thị trường bất động sản làm cho thị trường này ấm lại.

Điều này được dự báo là sẽ tạo ra một “cú huých” cho thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Nguyễn Phước - DiaOcOnline.vn