Việc nhiều doanh nghiệp mắc kẹt vào các dự án BĐS hiện nay là cơ hội lớn cho những doanh nghiệp có tiềm lực, săn tìm những dự án tốt để mua lại.
Nhiều dự án vào “tầm ngắm”
Hiện trên địa bàn TP. HCM có hàng chục dự án treo, hàng chục dự án khởi công xong, hoặc xây dựng dở dang rồi đắp chiếu. Điển hình như Dự án căn hộ Gia Định Plaza (quận 12) được khởi công cuối năm 2010, Dự án Khu dân cư Khang An (quận 9) khởi công cách đây gần chục năm với 350 căn nhà gồm nhà vườn, biệt thự song lập và đơn lập, nhưng đến nay khu đất này được sử dụng để… nuôi chim, Dự án Đông Tăng Long (quận 9). Quận 2, TP. HCM từng trở thành một đại công trường với hàng chục dự án bất động sản lớn, nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay, có dự án vẫn là bãi đất trống, có dự án xây dựng dở dang… khiến bộ mặt đô thị nham nhở, mất mỹ quan và đặc biệt là lãng phí tài nguyên đất.
Trước thực trạng trên, TP. HCM đang rà soát, hủy bỏ chủ trương chấp thuận đầu tư và các quyết định giao đất, cho thuê đất của 125 dự án với diện tích khoảng 2.000 héc-ta.
Hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản được dự báo sẽ diễn ra sôi động hơn trong thời gian tới - Ảnh minh họa: Lê Toàn
|
Không chỉ TP. HCM, nhiều địa phương khác cũng mạnh tay với các dự án mà chủ đầu tư đăng ký để “xí đất”.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đã và đang ra quyết định thu hồi đất của 35 dự án, với diện tích hơn 827 héc-ta do có vi phạm. Ngoài ra, Sở cũng đề xuất UBND TP. Hà Nội thu hồi hàng loạt khu đất trên địa bàn để xây dựng trường học như khu đất do Công ty Phát triển Hà Nội Cali thuê tại 53 Lê Đại Hành; khu đất do Công ty Chiếu sáng và thiết bị đô thị đang quản lý; lô đất tại số 4 Tống Duy Tân; lô đất tại 13 Phan Huy Chú…
Trước đó, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã có quyết định “trảm” 7 dự án bất động sản chậm triển khai với tổng diện tích hơn 266 héc-ta. Cụ thể, Khu nhà ở Phú Thọ do CTCP Vật liệu xây dựng làm chủ đầu tư; Khu nhà ở Goldland do CTCP Đầu tư Bình Dương làm chủ đầu tư; Dự án Khu Trung tâm thương mại và nhà ở UB South Green Town của CTCP Tứ Hải; Khu phức hợp trường học, bệnh viện, biệt thự nghỉ dưỡng của Công ty TNHH Thành Nguyên - DT Link Việt Nam; Khu đô thị mới Tương Bình Hiệp của CTCP Phát triển hạ tầng và bất động sản Thái Bình Dương (PPI); Làng biệt thự sinh thái ven sông Sài Gòn (Ecovilas) của CTCP Indeco và Khu các bệnh viện 53 héc-ta Phú Mỹ.
Cơ hội cho những cuộc săn tìm
Bên cạnh một số doanh nghiệp đăng ký để xí đất, thì có nhiều doanh nghiệp thể hiện quyết tâm triển khai dự án, nhưng sự khó khăn đã khiến họ “lực bất, tòng tâm”. Tuy nhiên, bối cảnh khó khăn chính là mảnh đất tốt cho hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) phát triển, trong đó lĩnh vực bất động sản không phải là ngoại lệ.
Theo thống kê sơ bộ, năm 2012 có 35 thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản, tập trung chủ yếu ở các dự án ở dạng đang hoàn tất thủ tục hoặc xây dựng dở dang của phân khúc căn hộ, nhà liền kề và biệt thự. 29/35 thương vụ thuộc về các nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu tham gia ở phân khúc trung tâm thương mại/bán lẻ.
Năm 2013, thị trường bất động sản cũng đón nhận làn sóng M&A từ một số dự án lớn như Lotte Hotels & Resorts (Hàn Quốc) mua Khách sạn Legend Hotel Saigon trị giá hơn 62 triệu USD; Mapletree (Singapore) mua lại Cao ốc văn phòng Centre Point với hơn 52 triệu USD, Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) ký biên bản ghi nhớ mua Cao ốc văn phòng Gemadept với giá trị khoảng 45 triệu USD…, mới đây, Công ty Sohovietnam đã môi giới thành công một dự án bất động sản trị giá hơn 10 triệu USD.
Với việc nhiều dự án bị thu hồi, cùng với làn sóng thoái vốn ngoài ngành khỏi bất động sản… của các doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Nghị định 71/2013/NĐ-CP đang là cơ hội tốt cho “những kẻ săn tìm” có thể mua được những dự án bất động sản tốt, với giá hợp lý.
Trao đổi với ĐTCK gần đây, ông Phan Xuân Cần, Giám đốc Công ty Sohovietnam cho biết, đến thời điểm này, do sức ép ngày một tăng, phía chào bán đã đưa ra mức giá sát với thực tế, nên bên mua dễ chấp nhận hơn. Xu hướng M&A trong lĩnh vực bất động sản sẽ còn tăng trong thời gian tới, bởi nhiều chủ đầu tư đã không còn đường lùi.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, cùng với tác động từ chính sách, thị trường bất động sản phải chấp nhận cuộc chia tay với các chủ đầu tư yếu về năng lực, kinh nghiệm.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán