Trong bối cảnh cung tiền đồng ngày một cạn dần (lãi suất qua đêm lên đến 25 - 27%/năm) bởi các chính sách thắt chặt tiền tệ kiềm chế lạm phát của NHNN, còn cầu vốn vẫn gia tăng theo độ nóng của giá bất động sản, vàng hiện nay thì cách chữa cháy duy nhất của các ngân hàng cổ phần là tăng lãi suất tiền gửi.
Tốc độ gia tăng của chỉ số giá tiêu dùng trong những ngày đầu năm mới buộc các Ngân hàng phải nhảy vào cuộc đua tăng lãi suất huy động tiền gửi để thu hút khách hàng. Vì nếu lạm phát gia tăng, lãi suất đứng yên sẽ khó thu hút được người gửi tiền.
Một tuần 2 lần tăng lãi suất
Tiền đồng khan hiếm, các Ngân hàng liên tục gia tăng lãi suất trong những ngày đầu năm mới. Chỉ trong vòng tuần đầu của năm Mậu Tý có hơn 10 Ngân hàng tăng lãi suất huy động tiết kiệm lên mức xấp xỉ 10%/năm. Trong đó có OCB, SCB (tăng 2 lần kể từ ngày 12.2 đến nay). ACB, Techcombank, HDBank, Eximbank... cũng nhanh chóng vào cuộc đua.
Riêng NHCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), bắt đầu từ 15.2, cũng bắt đầu tăng lãi suất tiền gửi VND trong toàn hệ thống. Theo đó, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn tại Ngân hàng khu vực miền Bắc và miền Trung kỳ hạn 6 tháng mức cao nhất là 0,78%. Khu vực ĐBSCL, kỳ hạn 6 tháng mức cao nhất là 0,795%. Khu vực miền Nam kỳ hạn tăng 6 tháng mức cao nhất: 0,72%.
Sau khi tăng lãi suất huy động tiền gửi ngày 10.1, hiện lãi suất tiết kiệm của DongA Bank tương đối khá cao so với các NHCP khác. Tuy nhiên, do lượng tiền đồng khan hiếm những ngày đầu năm và không thể làm ngơ trước cuộc đua lãi suất buộc DongA Bank phải một lần nữa điều chỉnh lãi suất tiền gửi. Kể từ ngày 15.2.2008, DongA Bank áp dụng biểu lãi suất mới, với mức tăng bình quân đến 0,06%.
SeABank cũng tăng lãi suất VND kể từ 15.2 với kỳ hạn 3 tháng: 9,12%/năm; 6 tháng: 9,24%; 12 tháng: 9,90%/tháng. Khách hàng có mức tiền gửi càng cao từ 100 triệu đồng trở lên sẽ được hưởng mức lãi suất bậc thang tăng dần cho từng kỳ hạn cụ thể.
Cũng từ ngày 18.2, NH Ngoài quốc doanh (VPBank) bắt đầu áp dụng mức lãi suất huy động VND mới với mức tăng cho các kỳ hạn từ 0,6%/năm đến 1,02%/năm. Mức tăng được áp dụng cho các kỳ hạn 1, 2, 3, 6, 7, 9 và 12 tháng trong đó kỳ hạn 9 tháng được tăng lên mức 10,2%/năm và 10,5% đối với kỳ hạn 12 tháng.
Ngoài ra, để hút thêm nhiều tiền vào Ngân hàng, VPBank vừa tung ra một sản phẩm khá hấp dẫn. Đó là "Tiền gửi bù lạm phát". Theo đó, khách hàng sẽ được Ngân hàng bù thêm một phần hoặc toàn bộ phần chênh lệch lãi suất khi tỉ lệ lạm phát thực tế lớn hơn lãi suất ban đầu...
Như vậy, khan vốn lãi suất huy động được điều chỉnh tăng lên từng ngày khiến cuộc đua huy động vốn càng diễn ra gay gắt hơn. Tổng giám đốc của một NHCP tại TPHCM cho rằng, đầu tuần của năm mới đã có quyết định tăng lãi suất, nhưng chưa kịp thông báo ra thị trường thì thấy các Ngân hàng bạn tăng mạnh nên sau một tuần thăm dò Ngân hàng, ông đã điều chỉnh lãi suất lên mức cao hơn so với trước đó.
ACB, HDBank, Eximbank đã chính thức công bố mức lãi suất huy động mới trong ngày cuối tuần (16.2). Có thể nói, hiện lãi suất của HDBank được xem là cao nhất trong khối các NHCP hiện nay, với mức 9.6%/năm, hơn 0,03%/tháng so với một số Ngân hàng khác.
BĐS sẽ bị vạ lây?
Theo một chuyên gia ngành tài chính, với tình hình cung - cầu tiền đồng căng thẳng như hiện nay, không sớm thì muộn giá BĐS sẽ bị vạ lây. Một phần, do cung tiền của Ngân hàng không còn để "thổi hơi" vào thị trường BĐS.
Trên thực tế, tín dụng BĐS đang trong tầm ngắm của NHNN. Nhiều Ngân hàng có tỉ lệ dư nợ cho vay BĐS lên đến 30 - 40% trên tổng dư nợ, thậm chí còn cao hơn. Chính việc đua nhau "bơm" vốn vào BĐS của các Ngân hàng trong những tháng cuối năm 2007 đã nhanh chóng đẩy giá nhà, đất tăng cao.
Giá BĐS tăng góp phần làm gia tăng tốc độ của lạm phát. Riêng tháng 1.2008, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,38%, cao gần gấp đôi so với cuối năm 2007. NHNN cho biết, trong những tháng đầu năm 2008, tăng trưởng kinh tế (GDP) thuận lợi nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được dự báo có nguy cơ tăng ở mức cao.
Theo GĐ NHNN - chi nhánh TPHCM - ông Hồ Hữu Hạnh, với sức nóng của BĐS tại một số khu vực TP lớn như hiện nay là tăng ảo, chủ yếu do đầu cơ kiếm lời. Do đó, nếu không có biện pháp để bình ổn thị trường BĐS sẽ khó tránh được nguy cơ "bong bóng" xì hơi. Lúc này, rủi ro đến với các Ngân hàng rất lớn, vì họ đã đẩy quá nhiều vốn vào BĐS.
Phó TGĐ một NHCP cũng thừa nhận, nếu tình trạng khan hiếm tiền đồng kéo dài thì vốn đâu để các nhà băng "bơm" vào BĐS. Trong khi, nhu cầu vay vốn mua BĐS đang ngày một gia tăng. Như vậy, giá BĐS sẽ khó tránh được cơn bão giảm nhiệt.
Theo vị phó TGĐ này, việc NHNN đang siết mạnh hơn các chính sách tiền tệ, hạn chế tiền như phát hành 20.300 tỉ đồng tín phiếu NHNN bằng VND bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng (vào ngày 14.2) vừa qua, cũng là một trong những biện pháp hạn chế vốn vào BĐS.
"Có thể thấy được một điều là không cần đưa ra Chỉ thị 03 hay không 04 để áp dụng đối với tín dụng BĐS như đã làm với CK, NHNN vẫn hạn chế được nguồn tiền của NH vào BĐS", ông này lý giải. Tuy không công bố, nhưng hiện một số Ngân hàng đã tính đến phương án ngừng giải ngân vốn vào một số lĩnh vực, trong đó có BĐS để đảm bảo tính thanh khoản.
Theo một nguồn tin đáng tin cậy cho biết, thanh tra NHNN cũng đã bắt đầu vào cuộc siết chặt và thu hồi vốn cho vay kinh doanh BĐS.