Bất động sản và bán lẻ: “Mỏ tiền” tại Việt Nam

Cập nhật 04/03/2019 10:00

Bất động sản và bán lẻ là những lĩnh vực được dự đoán sẽ trở thành “miền đất hứa” thu hút đầu tư mạnh mẽ cho nền kinh tế cả nước trong bối cảnh hiện nay.

Doanh thu ngành bán lẻ tăng trưởng mạnh

Vietnam Report mới đây vừa tiến hành khảo sát các doanh nghiệp tăng trưởng trong 9 năm công bố nhằm phác họa bức tranh tăng trưởng toàn cảnh của doanh nghiệp Việt, những yếu tố quan trọng nhất góp phần tạo nên thành công và định hướng hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2019.

Theo đánh giá của đơn vị khảo sát, điểm nổi bật của tăng trưởng trong giai đoạn này là kinh tế tư nhân thể hiện rõ vai trò là nguồn lực tăng trưởng của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) trung bình đạt lớn nhất, 39,6%, vượt khá xa hai khu vực còn lại là doanh nghiệp Nhà nước và khu vực FDI.

Kinh tế tư nhân cũng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam với 81,4% số doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã có tốc độ ngang bằng với khu vực kinh tế Nhà nước. Điều này là một minh chứng rõ ràng cho hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam giai đoạn vừa qua.

Sự trỗi dậy của ngành bán lẻ

Xét trên khía cạnh ngành nghề, những năm gần đây, thị trường Việt Nam chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của ngành bán lẻ. Trong bảng xếp hạng FAST500 năm nay, đây cũng chính là ngành có tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn 4 năm từ 2014-2017 với mức tăng 63%, đứng đầu Top 5 ngành có chỉ số tăng trưởng doanh thu kép cao nhất.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp, thép, cơ khí và viễn thông, tin học, công nghệ thông tin vẫn giữ vững vị thế tăng trưởng với CAGR bình quân ở mức cao trên 44%.

Tiếp tục dẫn đầu thị trường với số doanh nghiệp đông nhất toàn bảng năm nay là ngành xây dựng, vật liệu xây dựng và bất động sản – chiếm 30% tổng số doanh nghiệp.

Như vậy, có thể nói những con số trên đã phác họa phần nào bức tranh thị trường hiện nay với tiềm năng tăng trưởng đến từ các ngành nổi bật như bất động sản và bán lẻ – những lĩnh vực được dự đoán sẽ trở thành “miền đất hứa” thu hút đầu tư mạnh mẽ cho nền kinh tế cả nước.

Về những ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt trong khoảng ba năm tiếp theo, top 5 ngành được nhiều doanh nghiệp FAST500 đánh giá tiềm năng nhất là: Công nghệ thông tin, nông nghiệp sạch, du lịch – khách sạn, công nghệ sạch và bán lẻ.

Nỗi lo về thủ tục hành chính “hạ nhiệt”

Cùng với những dấu mốc “kì tích” về tăng trưởng GDP, thực hiện các chỉ tiêu kinh tế – xã hội và bước tiến dài hơn qua cánh cửa hội nhập quốc tế trong năm 2018, các doanh nghiệp FAST500 cho rằng trong năm 2019, nhiều cơ hội mới sẽ mở ra, đem lại sự lạc quan khá cao về triển vọng tăng trưởng doanh thu năm nay tại thị trường trong nước.

Tuy nhiên, kéo theo đó sẽ là nhiều thách thức có thể trở thành trở lực cho sự phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Cụ thể, giá cả nguyên vật liệu đầu vào, chi phí nhân công tăng/ khó tuyển dụng nhân sự tài năng, sự trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh cùng ngành đang là ba rào cản lớn nhất của các doanh nghiệp.

Trong đó, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến vấn đề chi phí đầu vào; đây cũng là thách thức trong nhiều năm nay của các doanh nghiệp cùng với vấn đề về cạnh tranh.

Mặt khác, nếu trong năm trước thủ tục hành chính là khía cạnh nhiều doanh nghiệp cảm thấy lo ngại, thì nay vấn đề nhân sự đã vươn lên trở thành một thách thức không nhỏ. Điều này cho thấy phần nào hiệu quả từ nỗ lực cải cách thể chế, môi trường kinh doanh của Chính phủ trong thời gian qua, đồng thời cho thấy phần lớn doanh nghiệp đã nhận diện được những thách thức kinh doanh trong giai đoạn tới.

Vietnam Report nhìn nhận, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi với nhiều cơ hội và thách thức từ cả trong và ngoài nước. Đó không chỉ là điều kiện thuận lợi nhờ những thành công đã gặt hái được trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đang dần cải thiện, mà còn là thử thách đặt ra sau giai đoạn vươn đến mốc “kỉ lục” GDP 7,08% năm 2018.

DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí