Bất động sản và 1001 chiêu “sốt ảo”

Cập nhật 06/08/2013 15:03

Những cung cách làm ăn manh mún, chộp giật của một số bộ phận (“cò”, giới đầu cơ) thao túng thị trường bất động sản (BĐS), khiến người dân và nhà đầu tư đổ tiền vào lĩnh vực này phải nếm “trái đắng”. Bản sao của những cơn “sốt ảo” này đều giống nhau, do “cò” tung tin đồn “thổi” giá lên cao và tạo ra các giao dịch ảo…

Thị trường BĐS Việt Nam vẫn còn rất nhiều bất ổn và không ít rủi ro khi đầu tư.

1001 chiêu “sốt ảo”

còn nhớ, hiệu ứng của những cơn “sốt đất ảo” Ba Vì, Đông Anh, phía Đông, phía Tây Hà Nội năm 2010 lan tỏa và được đồn thổi nhanh chóng bởi bộ phận “cò”, đã khiến nhiều người mua “rót tiền” vào những khu vực này phải nếm “trái đắng”, trong đó có các nhà đầu tư mua gom với mục đích lướt sóng kiếm lời. Tuy nhiên, đến khi thị trường rơi vào bế tắc (cuối năm 2010 đến nay) đã có nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ lần lượt bị thị trường đào thải vì làm ăn chộp giật, thiếu tính chuyên nghiệp.

Những tưởng “ngã đau nhớ lâu” nhưng đến nay căn bệnh khó chữa “sốt ảo” trên thị trường BĐS lại vừa tái phát tại một số dự án giá rẻ từ 10 - 15 triệu đồng/m2 được nhiều người mua quan tâm. Mới đây nhất, tại dự án chung cư Kim Văn - Kim Lũ do Công ty Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu mở bán, hầu hết người dân khi hỏi sàn phân phối chính thức đều chỉ nhận được cái lắc đầu “hết hàng”. Song “cò” lại bủa vây vòng trong vòng ngoài sàn giao dịch Mường Thanh để chào mời khách mua suất ngoại giao, với chênh lệch cao hơn giá gốc gần trăm triệu đồng. Khi “cò” mua được sàn căn hộ trên giấy này chỉ đặt cọc ít tiền rồi lấy danh nghĩa là suất ngoại giao, hay có người nhờ bán để tư vấn cho khách hàng từng căn theo kiểu “nhỏ giọt”. Đồng thời, các “cò” còn tung “đủ chiêu” tại sàn Mường Thanh tạo ra cơn “sốt ảo” để “lừa” khách hàng nhanh chóng “xuống tiền” mua nhà trên giấy…

Giám đốc một sàn giao dịch BĐS tiết lộ với phóng viên, hiện nay, tại một số sàn giao dịch đang mở bán các dự án có giá tốt, từ 10 – 18 triệu đồng/m2 của các chủ đầu tư uy tín, đa phần “cò” bỏ tiền ra đặt cọc rồi bán giúp chủ đầu tư, nếu giao dịch thành công thì “cò” được hưởng phần chênh lệch, còn nếu ế hàng thì trả lại cho chủ đầu tư số căn hộ trên giấy đó và chấp nhận mất một chút tiền đặt cọc ban đầu.

Theo các chuyên gia kinh tế, nhiều khách hàng vẫn chưa bỏ được tâm lý đám đông, cứ thấy “cò” tung tin đồn dự án bán chạy nếu không mua nhanh sẽ hết “hàng”, do đó khách hàng sợ không mua được nhà đành “bấm bụng” mua qua “cò”, chịu mất khoản tiền chênh lên tới hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế số lượng giao dịch thành công giữa khách hàng và sàn giao dịch là rất ít.

Chiêu thức “sốt ảo” của dự án Kim Văn - Kim Lũ giống như chung cư Đại Thanh hồi cuối năm 2012 khi chủ đầu tư là Công ty Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu công bố chào bán trên thị trường gây xôn xao dư luận với mức giá trên 10 triệu đồng/m2. Chủ đầu tư thông báo hết hàng, còn “cò” tìm cách tiếp cận với khách hàng có nhu cầu mua “thương lượng” để hưởng phần tiền chệnh lệch vài chục triệu đồng.
Thị trường BĐS Việt Nam vẫn còn rất nhiều bất ổn và không ít rủi ro khi đầu tư. Tuy nhiên, dù bất động sản đang trong cuộc suy thoái lớn nhất, thiệt hại là điều khó tránh khỏi.

Ông Chris Brown,
Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu BĐS Cushman & Wakefield Việt Nam

Không chỉ là nạn nhân của các chiêu “sốt ảo” của các dự án nói trên, khách hàng còn là nạn nhân của những vụ lừa đảo, chiếm dụng vốn của các chủ đầu tư với những dự án “ma” không được triển khai. Điển hình, đầu tháng 7/2013, thị trường BĐS rúng động với thông tin ông Nguyễn Hoàng Long – Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Vina Megastar (Megastar Group) bị bắt vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có giá trị gần 30 tỷ đồng liên quan đến BĐS, với hàng loạt dự án đã được Công ty huy động vốn của khách hàng nhưng đến nay vẫn là bãi đất trống, chưa hề được triển khai xây dựng. Đây là trường hợp lừa đảo chiếm dụng vốn liên quan đến BĐS điển hình mới nhất vừa được các cơ quan chức năng phanh phui.

“Thị trường BĐS Việt Nam vẫn còn rất nhiều bất ổn và không ít rủi ro khi đầu tư. Tuy nhiên, dù BĐS đang trong cuộc suy thoái lớn nhất, thiệt hại là điều khó tránh khỏi”, ông Chris Brown, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu BĐS Cushman & Wakefield Việt Nam, nói.

Tái cơ cấu, đầu tư cho dài hạn

Trong bối cảnh thị trường khó khăn nhưng vẫn có những doanh nghiệp (DN) kinh doanh BĐS, do có chiến lược đầu tư dài hạn nên vẫn có lãi, tuyển thêm nhân viên và mở rộng văn phòng. Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thế Kỷ (CenGroup) cho biết: Trong lúc khó khăn, những DN đã tái cơ cấu và trụ lại được sẽ có cơ hội để chiếm lĩnh thị trường phát triển, thậm chí là phát triển mạnh.

Theo ông Chris, những DN nào tìm ra được các giải pháp và nhìn được cơ hội bước ra khỏi suy thoái, thị trường khủng hoảng là lúc được cơ cấu phù hợp và phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. “Đây sẽ là một cơ hội vàng cho các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn”, ông Chris nhấn mạnh.

Nhìn nhận về thị trường BĐS trong thời gian qua, ông Ngô Hoàng Nguyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng CONINCO cho rằng, những lúc khó khăn thì DN phải tự cứu mình bằng cách tái cơ cấu lại sản phẩm và DN để vượt qua khó khăn.

“Các DN của Việt Nam hiện nay đầu tư làm ăn phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay ngân hàng và tình trạng giới đầu cơ thao túng thị trường mất cân đối cung - cầu, cùng với đó là mức giá bán sản phẩm vẫn còn cao chưa phù hợp với khả năng thanh toán của người mua nên tính thanh khoản của thị trường vẫn còn rất kém”, ông Nguyên cho biết.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Chí Hiếu, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh cho rằng, giữa lúc khó khăn lại là cơ hội để các DN tái cơ cấu lại hoạt động đầu tư cho dài hạn và thích nghi với sự thay đổi để tồn tại.

“Thanh lọc DN đang thể hiện ngày càng rõ nét, những DN nào có tiềm lực mạnh đầu tư dài hạn, tái cơ cấu vượt qua được giai đoạn khó khăn như hiện nay sẽ tồn tại và phát triển, còn những DN kinh doanh nhỏ lẻ, thiếu tính chuyên nghiệp trên thị trường sẽ bị đào thải”, ông Nguyên nhận định.

 
DiaOcOnline.vn - Theo Tạp chí Tài chính