Sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 đã làm giảm đà tiêu thụ của thị trường, tuy nhiên số liệu từ các công ty bất động sản đưa ra cho thấy vẫn có giao dịch, thậm chí ở mức cao so với dự báo.
Hầu hết các dự án nhà ở đang triển khai phải tạm ngưng thi công theo chỉ thị phòng chống dịch của thành phố
Chia sẻ về hoạt động của thị trường bất động sản tại TP.HCM trong 3 tháng đầu năm, bà Trang Bùi - Giám đốc JLL Việt Nam cho biết, TP.HCM đang phải đối mặt với sự sụt giảm nguồn hàng chào bán.
Nguồn cung giảm mạnh trong 7 năm
Cụ thể, trong quý vừa qua, toàn thành phố chỉ có khoảng 1.980 căn hộ chung cư mở bán. So với quý trước, lượng cung tiếp tục giảm đến 50%, đây cũng là quý ghi nhận nguồn cung chào bán thấp nhất trong 7 năm trở lại đây.
Khoảng 80% tổng nguồn cung căn hộ mới thuộc phân khúc bình dân và trung cấp, trong khi đó chỉ có một dự án cao cấp được mở bán ở quận 7, và không có dự án hạng sang nào được mở bán mới.
Ở phân khúc nhà liền thổ cũng chỉ có 366 căn được tung ra thị trường, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Hầu hết đều thuộc dòng sản phẩm cao cấp có giá bán trên 10 tỷ đồng/căn.
Nhận định về nguyên nhân nguồn cung nhà ở chưa có sự cải thiện trong quý vừa qua, chuyên gia JLL cho rằng, nguồn cung nhà đất tại TP.HCM vốn dĩ đã khan hiếm vì các vấn đề pháp lý, giờ càng khan hiếm hơn do dịch bùng phát.
Các sự kiện tiền mở bán cũng bị chậm lại với khoảng 70% bị hoãn do dịch bùng phát. Lượng sản phẩm được tung ra thị trường chỉ bằng khoảng 54% trên tổng lượng hàng dự kiến sẽ rao bán trong quý 1/2020.
Nếu xét trên nguồn hàng thực tế mở bán thì trong tháng 2 và tháng 3 gần như chỉ có thêm 2 dự án chào bán với nguồn cung rất thấp. Hầu hết giao dịch trong quý được ghi nhận tại các dự án đã có hoạt động tiền mở bán từ trước.
Bênh cạnh nguồn cung giảm, nhu cầu mua bất động sản cũng có sự thay đổi khi lượng mua ở thực áp đảo nhu cầu đầu tư. Phân khúc bình dân và trung cấp chiếm 80% tổng lượng bán trên thị trường, phần lớn phục vụ cho nhu cầu ở thực.
Nhu cầu mua đầu tư giảm dần qua các quý, bắt đầu từ quý 3/2019 kéo dài đến nay và đã trở nên rõ nét hơn dưới tác động của đại dịch COVID-19.
Ngay thời điểm cao trào dịch bệnh lượng giao dịch căn hộ tại TP.HCM vẫn lớn hơn Hà Nội (Nguồn: Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam)
Về sức tiêu thụ, sự bùng phát của COVID-19 đã có phần làm giảm đà tiêu thụ của thị trường tuy nhiên từ phía các chủ đầu tư vẫn đưa ra còn số tiêu thụ, thậm chí ở mức cao so với dự báo.
Các đơn vị nghiên cứu thị trường chỉ rõ, sở dĩ thống kê lượng tiêu thụ của quý này vẫn chưa có dấu hiệu bị ảnh hưởng nhiều vì hầu hết các giao dịch được đưa ra trong quý đều đã thực hiện trong các sự kiện tiền mở bán từ trước khi dịch bùng phát, đến quý này mới có thể ký hợp đồng mua bán.
Tiếp tục khó khăn trong quý 2
Nhìn nhận về nguồn cung nhà ở của thành phố trong các quý tiếp theo, bà Trang Bùi cho rằng, nếu dựa trên kế hoạch triển khai được các doanh nghiệp bất động sản công bố đầu năm 2020, TP.HCM sẽ có khoảng 20.000-30.000 căn hộ và 1.200-2.000 căn nhà liền thổ được mở bán.
Tuy nhiên, con số này có thể biến động giảm mạnh dưới tác động của dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra tiến độ xây dựng cũng như kế hoạch mở bán tại một số dự án có khả năng sẽ bị trì hoãn, dẫn đến lượng bán dự kiến thấp hơn so với dự báo trước đây.
Thị trường bất động sản bắt đầu chịu ảnh hưởng mạnh từ dịch COVID-19, biểu hiện rõ nét nhất là thời điểm tháng 3, khi thị trường gần như không có thêm dự án mới cũng như giao dịch phát sinh. Bên cạnh đó, tác động tâm lý khách hàng khiến không chỉ thị trường nhà ở bán mà cả các ngành như bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch, dịch vụ cũng ảnh hưởng không nhỏ. Số lượng khách du lịch đến Việt Nam trong tháng 3 cũng giảm mạnh.
Tính chung quý 1/2020, lượng khách quốc tế giảm 18,1% theo năm, trong đó mức giảm mạnh nhất tập trung ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam giảm 20,9% theo năm. Bất động sản hiện là 1 trong 6 lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh.
Số doanh nghiệp thành lập mới giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ tính riêng các sàn giao dịch bất động sản, trong 2 tháng đầu năm, dưới tác động của dịch COVID-19 và sự chậm trễ trong vấn đề pháp lý đã khiến cho 500 sàn (trong tổng số 1.000 sàn) trong cả nước phải đóng cửa một phần, hoặc toàn phần.
Theo ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, tình hình hoạt động của thị trường được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn trong các tháng đầu của quý 2/2020 và có thể đi vào ổn định trong các quý tiếp theo nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu chủ yếu đến từ người mua để ở, số mua để đầu tư thì ít hơn vì hầu hết các dự án đã gần hoàn thành nên lịch thanh toán ngắn hơn và thường đòi hỏi thanh toán một khoản tiền lớn tại thời điểm giao dịch. Bên cạnh đó tâm lý ngại đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh cũng là một lý do khiến nhu cầu đầu tư giảm.
"Tuy nhiên, một khi dịch bệnh được khống chế, khả năng các chủ đầu tư sẽ đẩy sản phẩm ra cùng một lúc, điều này sẽ dẫn đến sự cạnh tranh trong nửa cuối năm nay. Thị trường hiện nay dành cho người mua thực và những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn, biết nắm bắt cơ hội" - ông Khương khẳng định.
DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN