Diện mạo thị trường bất động sản (BĐS) TP HCM rõ nét hơn sau khi các ngân hàng bắt đầu dừng cho vay BĐS.
Trước tình trạng thiếu vốn, nhiều dự án đang thi công buộc phải giãn tiến độ hoàn thành
|
Theo yêu cầu của Ngân hàng nhà nước, các ngân hàng thương mại có dư nợ tín dụng phi sản xuất trên 25% phải giảm xuống 22% trong khoảng thời gian từ nay đến ngày 30/6.
Nguy cơ khát vốn
Hầu hết các ngân hàng thương mại đều phải tính đến việc tạm dừng hoạt động cho vay BĐS, bởi ngoài việc thu hẹp tín dụng phi sản xuất, các nhà băng còn phải kiểm soát chặt hơn hoạt động cho vay, nhằm thực hiện đúng mục tiêu tăng trưởng tín dụng dưới 20% trong năm nay.
Ông Trịnh Văn Tuấn - Tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho biết, trong tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng tính đến cuối tháng 3/2011, dư nợ phi sản xuất chiếm 35%, trong đó, phần lớn là tín dụng BĐS tiêu dùng. Do đó, OCB bắt đầu tính đến việc cơ cấu lại nợ vay, đồng thời dừng hẳn việc triển khai tín dụng cho vay cầm cố chứng khoán, BĐS.
Còn ông Trần Phương Bình - Tổng giám đốc DongA Bank cho biết: “Với chủ trương siết tín dụng BĐS, trong năm nay, các ngân hàng thương mại sẽ khó đẩy mạnh cho vay đối với khách hàng cá nhân, bởi tín dụng BĐS chiếm tỉ trọng đáng kể trong dư nợ tín dụng cá nhân”.
Theo Ngân hàng ACB, chủ trương lâu nay của họ là không phát triển tín dụng BĐS kinh doanh, mà chỉ cho vay BĐS tiêu dùng (mua nhà, căn hộ)... trả góp. Tuy nhiên, với chủ trương thu hẹp tín dụng phi sản xuất, ACB cũng đang tỏ ra thận trọng.
Trong khi đó, ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, tỉ lệ dư nợ cho vay BĐS hiện chỉ chiếm một phần không đáng kể (khoảng 10%) trong tổng dư nợ cho vay của ngân hàng. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện đúng chủ trương tập trung vốn cho sản xuất - kinh doanh, Sacombank đang cơ cấu lại, chọn những dự án BĐS khả thi, mãi lực lớn mới tài trợ vốn cho vay, đồng thời tư vấn khách hàng dời kế hoạch sang năm 2012.
Hai thời điểm xả hàng
Trước tình hình trên, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS thành phố cho rằng: “năm 2011 là năm của người mua nhà” với giải thích: Khoản vay mới từ ngân hàng gặp khó khăn, khoản vay tới hạn sẽ phải trả nên sẽ có hai đợt nhà đầu tư và chủ dự án sẽ phải “xả hàng”, nhất là vào thời điểm giữa năm và cuối năm. Đây chính là cơ hội dành cho những người thực sự có nhu cầu mua nhà. Với những nhà đầu tư, kinh doanh BĐS, ông Châu cũng nhấn mạnh rằng: dù thị trường BĐS gặp khó khăn, thăng trầm thế nào đi nữa thì suốt những năm qua vẫn có một phân khúc thị phần không khi nào giảm đó là đất để dành cho người có nhu cầu thực sự.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù có trầm lắng thì trong bối cảnh “người người thiếu vốn, nhà nhà thiếu vốn” hiện nay, sức mua sẽ giảm nhiều. Theo một khảo sát mới nhất, hiện các căn hộ loại trung bình khá ở vị trí thuận lợi các khu vực quận 6, quận 7, quận 2 cũng chỉ được các nhà đầu tư thứ cấp rao bán với giá 14,5 - 21 triệu đồng/m2. Thậm chí ngay cả căn hộ Screc Tower trên đường Trương Định quận 3 giá chào bán cũng chỉ có 26,6 triệu/m2.
DN không dám... mạo hiểm
Trong tình hình thực tế hiện nay, giải pháp “án binh bất động” để chờ thời được nhiều chủ đầu tư áp dụng. Đại diện một chủ đầu tư dự án căn hộ cao cấp cho biết; để tạm thời đối phó với tình thế khó khăn hiện nay, dự án nào đang thi công sẽ buộc phải giãn tiến độ hoàn thành; với dự án nào chưa khởi công, việc ngưng hẳn khởi công là điều các chủ đầu tư cần làm bởi giá nhà đã đội lên cao, làm ra sao bán được !
Ông Ngô Đình Thế Thảo - giám đốc kinh doanh Cty CP ĐT XD - PT nhà Bình Chánh chia sẻ, chỉ sau khi xăng, dầu, điện tăng giá được hai tuần, đối tác, nhà thầu và các nhà cung ứng nguyên liệu... đã đồng loạt fax thông báo cung ứng sản phẩm, dịch vụ lên 20%. Có đàm phán thương lượng tốt với đối tác cũng chỉ có thể giảm được chừng 3%. Chi phí đầu vào đã tăng mức ấy, cộng với lãi xuất ngân hàng xấp xỉ ở mức 20%/ năm như hiện nay, sẽ chẳng có doanh nghiệp nào dám mạo hiểm.
Và chắc chắn, dù lựa chọn giải pháp... nằm chờ đi chăng nữa thì trong hoàn cảnh vốn liếng có bao nhiêu đã dồn hết vào tiền đất, xây dựng hạ tầng, trong đó nhiều DN phải đi vay ngân hàng một phần, sự ngưng trệ tiến độ dự án chậm ngày nào sẽ khó khăn cho DN ngày ấy. Đó là chưa kể khó khăn khi chủ dự án phải đàm phán để nhà đầu tư và người mua nhà “thông cảm” mà chấp thuận.
DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp