Bất động sản TP. HCM, mạnh nhưng chưa vững

Cập nhật 16/11/2015 13:45

Thị trường bất động sản TP. HCM thời gian qua đã có bước phát triển khá mạnh, nhưng cũng bộc lộ nhiều yếu tố thiếu tính bền vững. Đó là nhận định chung của các chuyên gia, các nhà quản lý tại Hội thảo về Đề án “Thực trạng, tiềm năng, giải pháp và định hướng phát triển thị trường bất động sản TP. HCM giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn 2030” do Sở Xây dựng TP. HCM tổ chức cuối tuần qua.

Định hướng quy hoạch bất động sản TP. HCM hiện nay còn khập khiễng. ảnh: Lê Toàn

Mất cân đối cơ cấu sản phẩm địa ốc

Đánh giá về thực trạng thị trường bất động sản TP. HCM, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM cho rằng, không thể phủ nhận những đóng góp của lĩnh vực bất động sản vào sự phát triển chung của kinh tế TP. HCM. Trong giai đoạn 10 năm trở lại đây, diện tích bình quân nhà ở của TP. HCM đã tăng lên đáng kể, từ 10,3 m2/người năm 2006, lên 17,32 m2/người vào năm 2015…

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, thị trường bất động sản TP. HCM trong 10 năm qua cũng bộc lộ nhiều mặt hạn chế, yếu kém, thiếu tính ổn định và thiếu minh bạch. Khi thì sốt nóng, khi thì trầm lắng, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, cơ cấu hàng hóa bất động sản trên thị trường mất cân đối, lệch pha cung - cầu: nhà ở thương mại, diện tích lớn, giá cao thì dư thừa, trong khi phân khúc nhà bình dân, phù hợp với khả năng tài chính của đại bộ phận người dân và nhà ở xã hội lại thiếu.

  “Báo cáo của John Lang LaSalle cho thấy, Việt Nam đứng thứ 68 trong bảng xếp hạng Chỉ số minh bạch bất động sản toàn cầu, thuộc nhóm có độ minh bạch thấp.Chính sự không minh bạch đã dẫn đến hiện tượng đầu cơ cao trong thị trường bất động sản” - TS. Phạm Thái Sơn, Phó chủ nhiệm Đề án Phát triển thị trường bất động sản.
Một số bất cập khác của thị trường được các chuyên gia đưa ra phân tích, như vấn đề định hướng quy hoạch chung cho thị trường bất động sản còn khập khiễng. Đại diện UBND quận 2 dẫn chứng, quận này hiện có khoảng 150.000 dân, dự kiến phát triển lên 650.000 dân trong nhiều năm tới, nhưng mới đến thời điểm hiện nay, tổng số các dự án bất động sản trên địa bàn đã đủ phục vụ cho 700.000 dân.

Ngoài ra, sự phát triển của dự án cũng không đi cùng hệ thống giao thông công cộng. Chẳng hạn, trong 1.219 dự án nhà ở của TP. HCM, chỉ có 207 dự án nằm trong bán kính phục vụ trực tiếp của các tuyến metro trong tương lai. Do đó, Nhà nước cần lập quy hoạch và quản lý quy hoạch minh bạch, cung - cầu phải đi liền nhau; phải chọn nhà đầu tư có năng lực, uy tín, thẩm định chặt chẽ, chứ không để tình trạng “xí đất” rồi phải đi thu hồi dự án, làm chậm trễ tiến độ, gây nhiều hệ lụy như vừa qua.

Cần Công khai, minh bạch quy hoạch

Từ những phân tích, đánh giá thực trạng thị trường bất động sản TP. HCM, ông Trần Trọng Tuấn cho rằng, cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng Đề án Phát triển thị trường bất động sản TP. HCM nhằm phát huy được hết các nguồn lực, lợi thế sẵn có, đồng thời khắc phục được những mặt hạn chế, yếu kém trong thời gian qua, đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh, ổn định trong giai đoạn sắp tới.

Theo TS. Phạm Thái Sơn, Phó chủ nhiệm Đề án Phát triển thị trường bất động sản, kết quả nghiên cứu bước đầu của Đề án cho thấy, một trong những điểm nổi bật của thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng là tính không minh bạch.

“Báo cáo của John Lang LaSalle cho thấy, Việt Nam đứng thứ 68 trong bảng xếp hạng Chỉ số minh bạch bất động sản toàn cầu, thuộc nhóm có độ minh bạch thấp.Chính sự không minh bạch đã dẫn đến hiện tượng đầu cơ cao trong thị trường bất động sản”, ông Sơn đánh giá và cho biết, qua khảo sát một số doanh nghiệp cho thấy, giới đầu cơ chiếm 20% số người mua nhà tại thị trường bất động sản TP. HCM trong giai đoạn 2011 - 2014, còn trong thời kỳ phát triển nóng, tỷ lệ này lên đến hơn 50%. Chính sự phổ biến của giới đầu cơ khiến cho việc tiếp cận nhà ở của những người có nhu cầu thật thêm khó khăn.

Mặt khác, thời gian triển khai các dự án bất động sản tại TP. HCM quá kéo dài, dẫn đến nhiều dự án triển khai không thành công và bị thu hồi. Đơn cử, nếu năm 2013, TP. HCM chỉ có 85 dự án bị thu hồi, thì năm 2014 lên đến 162 dự án và đến tháng 8/2015 là 198 dự án.

Từ thực tế khảo sát trên, để thị trường bất động sản TP. HCM phát triển minh bạch, lành mạnh và bền vững, Đề án phát triển thị trường bất động sản khuyến nghị, cần phải hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý, trong đó nổi lên là sự công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, xây dựng hệ thống thuế và các quy định chống hiện tượng đầu cơ.

Bên cạnh đó, phải cân bằng giữa phát triển các khu mới ven đô và khu đô thị hiện hữu, thiết lập chiến lược phát triển đô thị tích hợp hệ thống giao thông công cộng. Siết chặt công tác quản lý liên quan tới các dự án chậm tiến độ. Thống nhất việc quản lý phát triển nhà ở và dự án nhà ở tại một cơ quan chuyên môn là Sở Xây dựng, đồng thời xây dựng hệ thống tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư có năng lực và chuyên nghiệp phát triển dự án.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản