Bất động sản TP. HCM khan hiếm nguồn hàng tốt

Cập nhật 21/10/2014 14:43

Sự khởi sắc của thị trường bất động sản TP. HCM thời gian gần đây đã thu hút sự trở lại của khá nhiều DN môi giới vốn dĩ đã im hơi lặng tiếng nhiều năm trước. Vì vậy, thị trường đang chứng kiến sự cạnh tranh “săn” nguồn hàng tốt.

Những dự án tương đối hoàn thiện của các chủ đầu tư uy tín mới hút khách mua - Ảnh: Lê Toàn

Không dễ “săn” hàng tốt

Theo ghi nhận của phóng viên Đầu tư Bất động sản, thời gian gần đây có khá nhiều tên tuổi mới trong lĩnh vực kinh doanh, môi giới địa ốc quay trở lại thị trường, trong đó có những DN mới thành lập, có những DN từng tham gia thị trường trước đây, nhưng do gặp khó khăn nên “án binh bất động”. Tuy nhiên, đại diện nhiều DN cho biết, nếu như những năm trước đây, khó khăn lớn nhất của các DN môi giới là tìm khách hàng, còn hiện nay, khách hàng đã có, nhưng khó khăn lại là làm thế nào có nguồn hàng tốt để bán.

Cuối tuần qua, CTCP Kinh doanh địa ốc Him Lam ký kết hợp đồng hợp tác phân phối dự án căn hộ cao cấp Him Lam Chợ Lớn tại quận 6, TP. HCM. Ông Ngô Quang Phúc, Giám đốc Kinh doanh và tiếp thị, Công ty Him Lam cho biết, có 5 sàn giao dịch bất động sản được Him Lam chọn làm đối tác phân phối Dự án Him Lam Chợ Lớn trong hàng chục sàn giao dịch có nhu cầu.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ Him Lam Chợ Lớn thu hút sự quan tâm đặc biệt của các DN môi giới bởi đây là dự án thuộc “hàng hiếm”, mặc dù vừa chính thức chào bán lần đầu, nhưng toàn bộ dự án hiện đã được xây dựng xong phần thô. Thêm vào đó, chính sách bán hàng linh hoạt, khi mua căn hộ, khách hàng chỉ cần thanh toán 50% sẽ được nhận nhà, số tiền còn lại sẽ được trả chậm trong 4 năm, nên các DN môi giới kỳ vọng sản phẩm của dự án này sẽ nhanh chóng được khách hàng đón nhận.

Ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, đơn vị được Him Lam chọn phân phối Dự án Him Lam Chợ Lớn cho biết, thời gian qua, nghe rất nhiều thông tin TP. HCM đang có lượng tồn kho “khủng” căn hộ, song cần phải xác định rõ, đâu mới là nguồn cung thực sự khiến khách hàng quan tâm. “Những dự án căn hộ được xây dựng tốt hoặc đã bàn giao nhà hầu như đều đã được bán hết. Hiện nay, để tìm chủ đầu tư có đủ năng lực hoàn thành dự án cũng dễ dàng”, ông Thanh nói.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Lộc, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Techcom Real,  thực tế hiện nay, khách hàng quan tâm đến thị trường căn hộ rất nhiều, nhưng chỉ quan tâm đến các dự án căn hộ đã xây dựng hoàn thành hoặc gần xong. Tuy nhiên, để có được sản phẩm của những dự án như vậy không dễ dàng. Thậm chí, nhiều DN tuyển nhân sự cho nhiệm vụ duy nhất là “săn” sản phẩm căn hộ tốt.

Nghịch lý thiếu và thừa

Mặc dù thời gian qua, thanh khoản của thị trường căn hộ ở TP. HCM có nhiều cải thiện, song theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty TNHH Đất Lành, mức tiêu thụ trên so với nguồn cung căn hộ tồn đọng thực tế vẫn chưa thấm vào đâu.

“Chưa có một thống kê chính thức nào để đưa ra được số liệu xác thực tại TP. HCM có bao nhiêu dự án căn hộ bị ‘trùm mền’. Tuy nhiên, con số này phải lên đến hàng trăm và số lượng căn hộ tồn kho theo tiêu chí được chào bán sau khi xong phần móng theo quy định của pháp luật, ước tính lên đến hàng chục ngàn căn. Do vậy, nếu nói thị trường thiếu nguồn cung trong bối cảnh hàng tồn kho chất đống có vẻ khá nghịch lý, nhưng lại là một thực tế. Và cái gốc tạo nên sự nghịch lý này là dự án ‘trùm mền’ thì nhiều, nhưng DN không còn vốn để triển khai. Trong khi đó, người mua nhà lúc này nếu không tận mắt chứng kiến dự án được xây dựng tốt sẽ không mua”, ông Đực phân tích.

Theo ghi nhận của phóng viên, gần đây có không ít dự án từng bị “trùm mền” thời gian dài, các chủ đầu tư đã bắt tay với các đối tác chuyên nghiệp mạnh vốn để vực dậy dự án và gặt hái thành công. Tuy nhiên, theo chia sẻ của lãnh đạo một DN chuyên “săn” các dự án bê trễ, có nhiều chủ đầu tư dù trên thực tế không còn khả năng về tài chính, thiếu tính chuyên nghiệp, trong lúc thị trường khó khăn thì miệt mài tìm đối tác để hợp tác. Song khi thấy thị trường nhúc nhích lại tỏ ra không muốn hợp tác nữa, bởi tâm lý muốn ôm dự án một mình để bán.

“Dù nói thị trường đã khởi sắc, nhưng diễn biến hiện nay có sự khác biệt rất lớn so với trước đây. Trong giai đoạn này, yếu tố mang tính quyết định dự án có bán được hàng hay không chính là tiến độ, uy tín, năng lực của chủ đầu tư. Một dự án dù có được bán rẻ đến mức nào, nhưng thiếu các yếu tố trên vẫn khó bán được hàng”, vị giám đốc này nói và dẫn chứng, có khá nhiều dự án dù đã đủ điều kiện chào bán ra thị trường, nhưng không bán được vì khách hàng nghi ngại năng lực của chủ đầu tư. Tuy nhiên, cũng với những dự án đó, khi có một nhà đầu tư uy tín khác nhảy vào hợp tác, đầu tư xây dựng, thậm chí đưa ra giá bán cao hơn, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn đã bán hết hàng. Từ đó cho thấy, để có nguồn hàng tốt cung ứng cho thị trường hiện nay, câu chuyện hợp tác giữa các DN, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện dự án là vô cùng quan trọng.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản