Dự án chưa xong phần đền bù giải tỏa, nhưng chủ đầu tư đã lập dự án, phân lô bán cho người dân. Những hộ dân lỡ mua phải nhà tại những dự án như vậy, trong nhiều năm ròng, họ phải khổ sở đi đòi tài sản đã mua. Đáng chú ý, tình trạng này xuất hiện ngày càng nhiều tại TP.HCM.
Những dự án “họ hứa”
Sau khi Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn đăng tải loạt bài viết về dự án Phước Kiểng I (Thái Sơn I) tại huyện Nhà Bè do Tổng công ty Thái Sơn làm chủ đầu tư, phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn liên tục nhận được đơn kiếu nại về những dự án trong tình trạng tương tự. Trong đó, có những dự án đã được chủ đầu tư bán cho người dân, trong khi đất của những dự án này chưa thực hiện xong phần đề bù giải tỏa.
Ông Trần Lê Huy, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết, năm 2007 ông mua lô đất số A21 tại Dự án Thái Sơn II (huyện Nhà Bè, TP.HCM) và được chủ đầu tư hứa sẽ giao đất để xây nhà vào cuối năm 2007. Tuy nhiên, sau 9 năm thu tiền bán đất, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân địa phương để những người mua đất phân lô có thể xây dựng.
Cũng tìm đến Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn để phản ánh về dự án này, ông Nguyễn Thanh Tùng, ngụ quận 7 cho biết, ông mua nền đất số B11 tại Dự án Thái Sơn II, năm 2007, sau khi đóng 70% giá trị hợp đồng với lời hứa từ chủ đầu tư là sẽ được giao đất vào ngay cuối năm (năm 2007 – PV). Hầu như khách hàng đều liên tục nhận được lời hứa từ chủ đầu tư, nhưng ngày qua ngày, năm qua năm, họ vẫn tiếp tục chỉ nhận được những lời hứa.
Được biết, dự án này có quy mô 30 ha, tại xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè với hơn 600 nền đất. Ngoài ra, Dự án còn có căn hộ chung cư cao cấp 10 đến 15 tầng và các khu nhà liên kết.
Phương thức “hứa” không chỉ diễn ra tại dự án này, mà theo phản ánh của bà Nguyễn Phương Lan, ngụ huyện Nhà Bè, năm 2013, bà có mua lô đất ký hiệu D31 tại Khu dân cư Nam Sài Gòn Riverside (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè), nhưng tới nay, bà Lan vẫn chưa được giao đất và hình hài của Dự án chỉ duy nhất có một con đường nối vào Dự án.
Hợp đồng bà Lan cung cấp cho phóng viên cho thấy, Dự án không có chủ đầu tư và bên đứng ra giao dịch trong Hợp đồng là Công ty cổ phần Địa ốc Đại Việt, do ông Nguyễn Minh Tuấn (Phó tổng giám đốc) ký. Nội dung hợp đồng chuyển nhượng nhà ở và quyền sử dụng đất mang số hiệu D31/2013/HĐHCN/DA-NSG.
Sau khi ký kết hợp đồng mua đất tại dự án này, khách hàng được phía Công ty Đại Việt hứa sẽ cấp đất xây nhà, nhưng tới năm 2016, bà Lan và hàng trăm hộ dân khác cũng chưa được cấp đất.
Tại buổi làm việc với Công ty cổ phần Địa ốc Đại Việt, Nguyễn Thị Thành Tâm (nhân viên chăm sóc khách hàng) đại diện Công ty này thông báo (bằng văn bản) cho các khách hàng biết rằng, tính đến ngày 8/6/2016, Dự án chưa thể giao cho người dân xây nhà vì đơn vị này chưa hoàn thành việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Được biết, dự án này với quy mô diện tích gần 2,6 ha, bao gồm 233 nền nhà phố đã được phê duyệt bởi Quyết định số 587/QĐ-UBND, ngày 28/12/2012 của UBND huyện Nhà Bè. Theo quyết định trên, đây là dự án xây dựng nông thôn mới tại khu trung tâm xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè và do chính Công ty cổ phần Địa ốc Đại Việt làm chủ đầu tư. Cho tới thời điểm này, Dự án đã được thể hiện tại bản quy hoạch 1/2.000.
Mua dễ trả khó
Nội dung các hợp đồng mà chủ đầu tư ký với khách hàng trong Dự án Nam Sài Gòn Riverside nêu rõ, sau khi việc mua bán hoàn tất, trong vòng 4 - 6 tháng, bên mua sẽ được giao đất. Đặc biệt, đây là những hợp đồng mua đi bán lại giữa các hộ dân và chỉ là hợp đồng hứa chuyển nhượng và ủy thác cho các bên bán qua bán lại. Các dự án này vẫn chưa hoàn thành phần chuyển đổi từ đất nông nghiệp thành đất thổ cư, do chủ đầu tư chưa đóng tiền sử dụng đất với địa phương.
Một điều vô lý mà người dân phải chịu thêm thiệt thòi nữa trong những hợp đồng mua phải đất dự án nhiều năm chưa hoàn thành là thời gian giao đất vượt quá thời gian được ấn định trong hợp đồng. Tuy nhiên, khi bên mua xin trả lại đất dự án thì lại bị chủ đầu tư ép vào thế khó. Đơn cử như việc của bà Lan, sau nhiều năm chờ đợi, mà Dự án chỉ có cỏ phát triển, thì ngay lập tức, bà Lan nhận được văn bản do chủ đầu tư đưa ra rằng, nếu trả lại đất đã mua thì sẽ bị khấu trừ 20% giá trị hợp đồng do vi phạm hợp đồng.
“Trong khi chủ đầu tư chậm tiến độ giao đất cho người dân nhiều năm, thì không thấy họ đả động tới chuyện phạt vi phạm hợp đồng. Đây là điều hết sức vô lý mà chủ đầu tư này ép người dân”, bà Lan nói.
Không khác gì bà Lan, hàng trăm hộ dân mua đất tại Dự án Thái Sơn II cho biết, tới thời điểm này, khi họ biết Dự án khó có thể thực hiện được, nên mang hợp đồng xin trả lại chủ đầu tư thì cũng bị chủ đầu tư từ chối thanh lý hợp đồng.
Địa chỉ được ghi tại hợp đồng của Công ty cổ phần Địa ốc Đại Việt là số 12 - 14 đường số 9, Khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Nhà Bè. Nhưng cho tới thời điểm này Công ty đã không còn hiện diện tại địa điểm này.
Trao đổi với chủ đầu tư Dự án Thái Sơn II về những phản ánh của người dân, ông Nguyễn Kim Thọ, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn cho biết, chủ đầu tư đã hoàn thành đền bù được hơn 1/3 diện tích Dự án, nhưng Dự án Thái Sơn II sẽ phải đợi thêm thời gian nữa, vì TCT Thái Sơn sẽ hoàn thành Thái Sơn I mới triển khai Thái Sơn II.
Như vậy có thể nhận thấy, trước những bê trễ như vậy khi tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng, các chủ đầu tư có thể hoàn toàn ung dung chiếm dụng vốn của các nhà đầu tư thứ cấp. Trong khi đó, việc hàng trăm người dân ngóng căn nhà mơ ước kéo dài trong nhiều năm, có lẽ chính là cái giá phải trả của những người không may mắn, khi họ gặp phải các “chủ đầu tư họ hứa”.
Được biết, những người dân đã mua nhà tại dự án này sẽ ủy quyền cho luật sư để tiến hành khởi kiện Công ty cổ phần Địa ốc Đại Việt. Báo Đầu tư sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư