Bất động sản TP. HCM: Cái khó bó cái khôn

Cập nhật 21/05/2011 08:15

Có thể nói, chưa lúc nào thị trường bất động sản (BĐS) TP. HCM trở nên ngột ngạt như hiện nay. Khá nhiều dự án căn hộ đã đến giai đoạn "chín mùi" cần phải "hái quả", song dù đã xoay xở nhiều cách, nhưng việc tìm đầu ra cho sản phẩm ngày càng trở nên vô vọng.

Bể kế hoạch bán hàng

Nếu như cách đây chừng hai tháng, chỉ cần mở các trang quảng cáo trên hều hết báo giấy, báo mạng, hàng loạt thông tin dự án căn hộ tại TP. HCM được công bố chào bán. Còn hiện nay, thông tin chào bán căn hộ càng lúc càng vắng dần. Sau một thời gian miệt mài chào bán, tốn chi phí marketing, nhưng nhiều dự án căn hộ vẫn không bán được, sản phẩm buộc phải "án binh bất động" chờ thời cơ.

Đã có bao nhiêu phần trăm sản phẩm tại các dự án chính thức bán được thời gian qua? Câu hỏi này có lẽ là vấn đề nhạy cảm trong kinh doanh nên khi trao đổi với chúng tôi, nhiều DN tỏ ra ngần ngại không đưa ra số liệu cụ thể.

Tuy nhiên, câu trả lời chung là bán rất chậm. Khảo sát của Đầu tư Chứng khoán tại nhiều sàn giao dịch BĐS đều cho thấy, hiện sức mua của thị trường, đặc biệt là phân khúc căn hộ rất yếu. "Sàn giao dịch chúng tôi nhận phân phối một dự án căn hộ ở quận Bình Tân. Đây là dự án có vị trí khá tốt, giá hấp dẫn, nhưng sau gần hai tháng chào bán, tốn nhiều chi phí marketing, quảng cáo mà chỉ bán được vài căn hộ", ông T. giám đốc một sàn giao dịch BĐS tại quận 10 ngán ngẩm.

Thị trường ngưng trệ khiến nhiều dự án mới dù đã xây dựng xong phần móng và nhà mẫu từ lâu nhưng cũng ém hàng. Đơn cử như dự án căn hộ tại quận 2 do CTCP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) làm chủ đầu tư dù đã hoàn tất phần móng và nhà mẫu từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa công bố kế hoạch chào bán sản phẩm. CTCP Đầu tư bất động sản thủy lợi 4A cũng hoãn kế hoạch bán sản phẩm dự án Cao ốc căn hộ thủy lợi 4 (Bình Thạnh), dù dự án đã được công bố giá bán vào đầu năm.

CTCP Đầu tư xây dựng Lilama SHB dừng kế hoạch bán dự án 584 Lilama SHB Plaza (Gò Vấp). Một số dự án căn hộ do Công ty Hoàng Anh Gia Lai làm chủ đầu tư như Thanh Bình, Incomex, Phú Hoàng Anh giai đoạn 2, trước đó đã có kế hoạch sẽ tung hàng ra bán trong tháng 3/2011, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh nào.

Theo thống kê của Công ty CBRE Việt Nam, nếu đúng như kế hoạch, trong năm nay, TP. HCM sẽ có khoảng 40,000 căn hộ được bán ra thị trường, đó là chưa kể 10,000 căn hộ đã bị "tồn kho" từ năm 2010. Như vậy, một nguồn cung "khủng" đang còn treo lơ lửng, nhưng trong bối cảnh thị trường ngưng trệ như hiện nay là thách thức lớn đối với các chủ đầu tư đang ôm hàng.

Nút thắt lãi suất và tâm lý


Theo ông Nguyễn Xuân Lộc, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Techcomreal, lãi suất tăng cao là nguyên nhân số 1 kéo theo nhiều hệ lụy như giá nguyên vật liệu tăng, đội giá thành sản phẩm lên cao. Trong khi đó, do thị trường bị ngưng trệ, các chủ đầu tư không thể tăng giá sản phẩm mà phải tự "gồng mình" gánh chịu, thậm chí gần đây một số DN vì cần xoay vốn đã phải chấp nhận "hy sinh" lợi nhuận, giảm giá thành sản phẩm.

Mặt khác, lãi suất tăng cao đang là rào cản lớn nhất cho đầu ra của thị trường. Bởi phần lớn người có nhu cầu mua nhà ở tại TP. HCM hiện nay ít nhiều đều phải sử dụng vốn vay ngân hàng, nhưng lãi suất mà các ngân hàng cho vay ở mức 24 - 27%/tháng như hiện nay thì rất ít khách hàng nào dám vay để mua nhà. "Theo tôi, thị trường BĐS TP. HCM chỉ có thể khởi sắc trở lại khi lãi suất hạ nhiệt", ông Lộc nhận định.

Còn theo ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, một khó khăn khác của thị trường hiện nay là vấn đề tâm lý.

"So với chi phí đầu tư, quả thật hiện nay có khá nhiều dự án căn hộ tại TP. HCM giá đã chạm đáy. Nhiều khách hàng đến công ty chúng tôi tìm hiểu các sản phẩm căn hộ, trong đó có nhiều người ngại lãi suất ngân hàng quá cao, song cũng có khách hàng có đủ tiềm lực tài chính để mua căn hộ, nhưng họ vẫn mang nặng tâm lý chờ đợi giá giảm tiếp mới quyết định mua vào", ông Thanh nhận định và cho rằng, thị trường BĐS TP. HCM hiện nay là thị trường của người mua với mức giá đã khá hợp lý.

DiaOcOnline.vn - Theo ĐTCK