Tại sao người mua để bán và người mua để dùng lại bị phân biệt đối xử? Rõ ràng theo quy luật thị trường, khách hàng có hai loại: mua để dùng và mua để bán, nếu đánh thuế vào người mua để bán là trái với quy luật thị trường.
Tôi không ủng hộ, bởi đầu cơ hay chính xác hơn là kinh doanh bất động sản là quy luật vận hành thị trường, đang và sẽ luôn diễn ra.
Thị trường bất động sản ở nước ta còn mới mẻ, nên chịu khó học hỏi kinh nghiệm một cách bài bản của các nước đi trước, đặc biệt là Trung Quốc. Họ có rất nhiều tương đồng về đất đai, bao cấp…, dẫu vậy phải tránh dẫm lại cái sai của họ. Thuế bất động sản ở nước ta còn nhiều bất ổn nên càng phải học hỏi nhiều, không thể thực hiện một cách tự phát được.
Lấy ví dụ từ Trung Quốc, họ quan niệm kinh doanh phải có lãi, nên một dự án nhà ở tỷ lệ lợi nhuận dưới 25% sẽ đánh thuế nhẹ. Nhưng trên 25% lãi sẽ đánh thuế luỹ tiến. Đánh nhiều thuế mới trợ cấp được cho người nghèo.
Cần chính sách phát triển tập đoàn mạnh
*Có một đặc điểm của bất động sản Việt Nam hiện nay là các nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà nhiều với thị trường nhà giá rẻ. Vậy theo ông, Nhà nước cần làm gì để tăng được sức hút với “mảnh đất trống” này ?
Lý do đơn giản là thị trường nhà ở giá rẻ cho lợi nhuận không nhiều, đối tượng người mua lại chủ yếu là người lao động thu nhập thấp. Nhà nước cần đẩy mạnh việc cho vay thế chấp để họ đủ tiền mua nhà. Theo tôi, các ngân hàng không nên quá rụt rè trong giao dịch với thị trường bất động sản, nhưng cũng cần thận trọng, tránh vấp phải những sai lầm kiểu vụ Minh Phụng trước kia.
Để tăng được sức hút với nhà đầu tư, chính quyền phải ra tay can thiệp, ví dụ như anh đầu tư nhà giá cao phải có mức thuế khác, đất khác. Với những nhà đầu tư giá rẻ, chính quyền nên giúp làm hộ đường sá, cầu cống...
Phát triển đô thị hiện đại cần những tập đoàn bất động sản lớn, nhưng bất động sản nước ta lại đang bị “chiếm giữ” bởi phần đông các nhà kinh doanh nhỏ lẻ. Việc Bộ Xây dựng vừa quy định vốn tối thiểu của doanh nghiệp bất động sản là 6 tỷ đã nhận được phản đối từ các doanh nghiệp. Lý do là bởi hiện nay, các doanh nghiệp đa phần chỉ kinh doanh theo phương thức “tay không bắt giặc”, chỉ muốn bỏ ít tiền bôi trơn để được cấp đất rồi vẽ thành dự án hấp dẫn, “bán lúa non” các nền nhà lấy tiền đặt cọc mà giải phóng mặt bằng, tiếp tục lấy “mỡ nó rán nó”.
Với những nhà đầu tư cò con này, nước ta không thể nào có được các đô thị hiện đại.
Chính phủ cần có chính sách phát triển các tập đoàn kinh doanh bất động sản mạnh. Tôi nghĩ từ nay đến năm 2010, nước ta ít nhất phải có được khoảng 10 tập đoàn bất động sản lớn mới mong có được những khu đô thị hiện đại như Phú Mỹ Hưng…
>> Bất động sản: “Tôi không phản đối đầu cơ” (phần 1)
Theo VnEconomy