Bất động sản tháng cuối năm: Vẫn không khởi sắc

Cập nhật 29/11/2012 16:59

Quý IV thường được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản (BĐS) ấm lên do nhu cầu mua nhà của người dân luôn lên cao. Tuy nhiên, trên thực tế, 2/3 quý IV đã trôi qua, khảo sát diễn biến thị trường vẫn chưa thấy có những dấu hiệu khởi sắc.

Ghi nhận trên các sàn giao dịch BĐS cũng như các trang mạng rao bán thông tin về nhà đất, có thể dễ dàng tìm thấy hàng loạt các tin rao bán căn hộ, nhà đất, thổ cư với hứa hẹn về mức giá cực rẻ. Dẫn chứng trên sàn giao dịch BĐS Info, hàng loạt tiêu đề như hạ giá sốc chung cư CT6 Xa La (Hà Nội), bán với giá 17,5 triệu đồng/m2, bằng giá gốc của chủ đầu tư, chung cư VP3 Linh Đàm bán bằng giá gốc 22 triệu đồng/m2, chiết khấu cho khách từ 20-30 triệu đồng/căn... Tuy nhiên, anh Sơn Tùng, đại diện sàn BĐS Info cho biết, dù giảm giá, lượng khách hàng tìm đến giao dịch vẫn không nhiều. Đã từng có thời gian, giao dịch trên thị trường có xu thế "nóng” trở lại, tuy nhiên, ảnh hưởng từ sự kiện chung cư Đại Thanh được mở bán với mức giá 10 triệu đồng/m2, đánh vào tâm lý khách hàng nên một bộ phận người dùng đã tiếp tục mang tâm lý chờ đợi. Lượng giao dịch trên thị trường tiếp tục không được cải thiện. Từ nay đến cuối năm, càng gần Tết Nguyên đán, lượng Việt kiều đổ về, hy vọng giao dịch trên thị trường sẽ dần ấm lên. Cũng theo anh Sơn Tùng, các mức giá giảm nhiều chủ yếu là do những người mua nhà để đầu tư nhưng không gặp thời, cần tiền gấp mới tiến hành giảm giá mạnh, chấp nhận bán lỗ để thu hồi vốn. Còn lại, không nhiều các chủ đầu tư mạnh dạn giảm giá mạnh, mà đều chờ đợi vào diễn biến thị trường. Chỉ có một vài dự án đã tiến hành giảm giá như dự án Golden Palace tại Mễ Trì, giá chủ đầu tư đưa ra còn 22,6 triệu đồng/m2 (chưa VAT) dành cho căn hộ hoàn thiện cơ bản, giảm gần 5 triệu đồng/m2 so với mức chào bán từ 27 triệu đồng/m2 với hạng mục nội thất đi kèm linh hoạt hồi tháng 5, và giảm sâu so với giá bán đầu tiên được công bố vào khoảng 36-37 triệu đồng/m2…

Trước thực trạng thị trường BĐS vẫn tiếp tục gặp khó, gần đây nhất, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM đã tiếp tục đề xuất hàng loạt giải pháp để giải cứu thị trường. Theo đó, để giải quyết hàng tồn kho cũng chính là giải quyết tính thanh khoản và nợ xấu của thị trường BĐS, cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ tín dụng ưu đãi như áp lãi suất 8%/năm trong thời hạn từ 5-10 năm cho người mua căn hộ đầu tiên, người đang ở chật hẹp (dưới 5m2/người). Nhà nước cần có kế hoạch mua lại các dự án căn hộ có diện tích phù hợp để phục vụ chương trình tái định cư và làm quỹ nhà ở xã hội. Về lâu dài, Chính phủ và các Bộ cần có biện pháp tổng thể để làm giảm mặt bằng giá BĐS ở Việt Nam, giảm thuế suất thu nhập DN xuống còn 20%.

Bà Phạm Thị Lý, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư BĐS Bảo Tín cũng cho rằng, thị trường đang có những diễn biến hết sức phức tạp chứ không hề yên tĩnh như vẻ ngoài của nó. Phân khúc chung cư trầm lắng, song phân khúc đất thổ cư ở những vị trí đẹp, khu dân trí cao vẫn có giao dịch, giá không hạ nhiều, thậm chí nhiều nơi vẫn giữ giá cao. Những BĐS vỡ nợ, phá sản, các thủ tục thu hồi tiếp tục diễn ra dẫn đến không khí giao dịch trên thị trường không hề ảm đạm. "5 ngày nay, lượng khách tìm đến sàn để tìm hiểu thông tin mua bán có sự gia tăng, chủ yếu ở phân khúc nhà bình dân, giá dao động từ 1-3 tỷ đồng. Nhìn chung, giao dịch trên thị trường dù ở phân khúc nào vẫn phụ thuộc chủ yếu vào khu vực, vị trí, không có một mức giá cào bằng nào. Chỉ những chủ dự án đầu tư quá tay, cần tiền gấp, chủ đầu tư đứng bên bờ vực phá sản, muốn níu kéo thì mới mạnh tay giảm giá để bán gấp. Những nhà đầu tư nào không có nhu cầu thì vẫn giữ giá đợi thời hoặc tạm dừng dự án, không tiếp tục triển khai. Và một bộ phận những người có thu nhập thấp vẫn kỳ vọng sự giảm giá tiếp của thị trường. Còn lại, những người có khả năng mua thì đều đã lựa chọn cho mình một sản phẩm phù hợp, bởi lẽ, không còn thời điểm nào thích hợp hơn dành cho người có nhu cầu ở thật”, bà Lý cho biết.

Nhận định về diễn biến thị trường trong tháng cuối năm, bà Lý cho rằng, do kinh tế khó khăn trên toàn cầu, nên lượng Việt kiều mang tiền về cũng sẽ không nhiều. Tuy nhiên, động thái NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng ngừng hoạt động huy động vàng có thể mở ra một hướng đi cho BĐS. Khi vàng không còn là lựa chọn hàng đầu của người dân, sẽ có những khách hàng lựa chọn các kênh đầu tư khác, và BĐS là một kênh khá khả thi vào thời điểm này.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn Kết