Bất động sản "tê liệt", nhiều ngành vạ lây

Cập nhật 01/09/2011 08:10

Lượng xi măng tiêu thụ cả năm 2011 được dự báo chỉ khoảng 50 triệu tấn, giảm khoảng 4 triệu tấn so với năm ngoái; sức tiêu thụ chậm, hàng tồn kho cao trong khi mọi chi phí, giá nguyên liệu sản xuất đều tăng; hoạt động ngân hàng cũng sẽ bị tác động khi giá bất động sản (BĐS) giảm... là những hệ lụy từ BĐS tới các ngành khác.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho hay, hiện có đến 70% vốn của thị trường BĐS là dựa vào ngân hàng, vì thế nó gây rủi ro cho thị trường tài chính hay nói cách khác là cho nền kinh tế là rất lớn.

Ông Nam cho rằng, thị trường BĐS có thể nổ bất cứ lúc nào nếu như không kiểm soát, giám sát tốt nguồn vốn. Tuy nhiên, thị trường BĐS Việt Nam hiện chưa vỡ mà mới chỉ có dấu hiệu bong bóng. Song, nhiều ngành liên quan như: xi măng, sắt thép… cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi liên tiếp những tháng qua sản lượng giảm mạnh.

Lượng tiêu thụ ngành xi măng giảm mạnh khi BĐS "tê liệt". Ảnh: Internet

Theo ông Lê Văn Chung, Chủ tịch HĐQT TCty Xi măng Việt Nam (VICEM), với tình hình hiện nay dự báo lượng xi măng tiêu thụ cả năm 2011 chỉ khoảng 50 triệu tấn, giảm khoảng 4 triệu tấn so với năm ngoái. Hầu hết các chi phí cho vật tư nhiên liệu đầu vào đã tăng ở mức 2 con số so với năm ngoái. Giá than nguyên liệu dùng sản xuất xi măng tăng 41%, chi phí giá điện tăng hơn 15%, vỏ bao tăng khoảng 25%, lãi suất vốn vay cao, khiến doanh nghiệp hết sức khó khăn, trong khi hàng tồn kho cao, sức tiêu thụ rất chậm.

Mặt khác, TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cho hay, BĐS chiếm tỷ trọng rất lớn trong hoạt động của nền kinh tế nói chung. Ngoài chuyện ngân hàng cho vay trực tiếp các dự án, thì phần lớn các dự án BĐS cũng được dùng để thế chấp, tỷ lệ này chiếm tới 40-50%. Do đó, giá BĐS giảm sẽ tác động đến hoạt động ngân hàng.

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, ở Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu ngân hàng gặp rủi ro lớn do tác động từ thị trường BĐS ngoại trừ một số ngân hàng nhỏ có tỷ lệ cho vay tín dụng BĐS tương đối cao.


BĐS giảm giá cũng tác động đến hoạt động của ngân hàng. Ành: Internet

Ông Nghĩa cho rằng, khống chế tỷ lệ tín dụng thì nên áp dụng với từng ngân hàng và phụ thuộc vào họ đã đáp ứng được tỷ lệ vốn tối thiểu của họ. Nếu ngân hàng đó có tỷ lệ vốn tối thiểu cao thì họ có quyền tăng tổng tài sản của họ. Điều này các ngân hàng thương mại quốc tế vẫn áp dụng.

Gần đây, trước những tín hiệu tốt liên quan đến chính sách vĩ mô về tài chính, đầu tư BĐS như: Tín dụng cho vay BĐS sắp tới được nới lỏng hơn, BĐS được nhấc ra khỏi nhóm cho vay phi sản xuất, từ tháng 9 lãi suất ngân hàng sẽ hạ…khiến nhiều người kỳ vọng thị trường BĐS sẽ khởi sắc trở lại, nhưng trên thực tế điều này vẫn còn phải chờ.

Phân tích về vấn đề hạ lãi suất cho vay, ông Nghĩa cho biết: “Việc giảm lãi suất hay không còn phụ thuộc vào các yếu tố như lạm phát tính theo tháng… hiện nay tính thanh khoản của các ngân hàng cũng đã có dấu hiệu tốt hơn, lãi suất liên ngân hàng ở mức khá ổn định và khá thấp... nên cơ hội giảm lãi suất chút ít trong vài tháng tới là có thực.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng chưa có cơ hội để giảm lãi suất vì lạm phát tính theo năm vẫn còn rất cao, trên 20%. Nhưng theo tôi, tỷ lệ lạm phát đó là do nó còn chứa đựng những yếu tố khác, chẳng hạn là giá thực phẩm, sữa, xăng dầu... tăng quá cao trong những tháng vừa qua.

Ngoài ra cũng cần tính tới khả năng, nếu không để lãi suất giảm chút ít nhằm giúp doanh nghiệp đầu tư trở lại, thì rất có thể chúng ta sẽ rơi vào tình cảnh vừa đình đốn, vừa lạm phát thì rất nguy hiểm. Khi đó sản lượng giảm và giá cả thì tiếp tục tăng”.

Ông Nghĩa nhận định, việc phục hồi thị trường BĐS phải có cơ hội và phải có thời gian. Nếu Nghị quyết 11 của Chính phủ được thực hiện nghiêm túc thì lạm phát bắt đầu giảm mạnh vào đầu năm 2012, lãi suất bắt đầu giảm, khi đó Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ bắt đầu nới lỏng tín dụng đối với các dự án có hiệu quả và lúc ấy may ra thị trường BĐS mới phục hồi được.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động