Bất động sản tăng giá, nhà đầu tư cần thận trọng!

Cập nhật 24/06/2009 15:35

Hàng loạt dự án bất động sản ở phía Tây Hà Nội chuẩn bị được “tung” ra, kèm theo một số tuyến giao thông trọng điểm sắp hoàn thành khiến thị trường nhà đất bắt đầu biến động trong hai tháng gần đây.

Tập trung chủ yếu ở một số khu đô thị, khu nhà ở quanh quận Hà Đông hoặc bám dọc theo những trục đường đang triển khai xây dựng như Lê Văn Lương kéo dài, Lê Trọng Tấn, quốc lộ 32, Láng - Hoà Lạc, hay Hoàng Quốc Việt kéo dài...

Ông Trần Anh Dũng - Giám đốc Công ty Tư vấn dịch vụ bất động sản Ba Đình cho biết, giao dịch đất nền ở một số dự án thuộc huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng đã “ấm” trở lại. Nguồn cung dồi dào và giá cả cạnh tranh chính là lợi thế giúp các huyện phía Tây giành được lợi thế trước trong khi thị trường khắp nơi còn nguội.

Quan trọng hơn, với giá bán có khi chưa tới 10 triệu đồng/m2, đất dự án ở các huyện sẽ hút được lượng khách hàng đa dạng hơn. Sắp tới, khi thành phố chính thức công bố kết quả rà soát dự án, thị trường sẽ còn đi lên bởi tâm lý các nhà đầu tư ổn định hơn.

Theo thông tin từ giới đầu cơ, giá đất nền tại khu đô thị Văn Khê (Hà Đông) vào đầu tháng 6.2009 đã tăng 5 - 7 triệu đồng/m2 so với cuối quý 1.2009. Các khu đô thị như Văn Quán, Xa La hay Vân Canh (Hoài Đức) cũng tăng từ vài triệu tới cả chục triệu đồng/m2. Đất nền ở khu đô thị mới Dương Nội (Hà Đông) cũng tăng giá 20-30% vì “ăn theo” đường Lê văn Lương kéo dài, đường Lê Trọng Tấn.

Tương tự, nằm ngay mặt quốc lộ 32 (đoạn Nhổn - Sơn Tây), giao dịch đối với các suất liền kề của dự án khu đô thị Tân Tây Đô cũng rất sôi động, tăng từ 8 triệu đồng/m2 đến gần 16 triệu đồng/m2.

Không chỉ biến động ở các huyện ngoại thành, thị trường đã “nóng” dần lên ở các quận trung tâm. Cụ thể là 10 lô đất thuộc khu đô thị mới Cầu Giấy được UBND quận đưa ra đấu giá quyền sử dụng vào giữa tháng 5 vừa qua.

Với diện tích từ 147 - 179 m2/lô, phiên đấu giá thu hút hơn 200 người tham gia. Kết quả, nhóm 1 có giá trúng là 85 triệu đồng/m2, cao gần gấp 4 lần giá sàn trong khi giá trúng cao nhất là 90 triệu đồng/m2. Nhóm 2 (giá sàn 23 triệu đồng/m2) có giá trúng là 88,5 triệu đồng/m2, giá cao nhất lên tới 106 triệu đồng/m2.

Theo nhận định của các nhà đầu tư, đây là mức giá khá cao so với mặt bằng chung hiện tại. Điều này chứng tỏ đất nền trong nội thành vẫn có sức hấp dẫn riêng so với những dự án ở ngoại thành.

Ông Nguyễn Lễ - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, lượng người tham gia đấu giá tương đối đông cho thấy, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Từ nay tới cuối năm, UBND sẽ tiếp tục tổ chức các phiên đấu giá đất tại khu vực này.

Đối với một số dự án nhà ở cao cấp, việc mua bán, chuyển nhượng căn hộ cũng sôi động và tăng giá từ cuối tháng 5.2009. Đặc biệt là một số tòa nhà ở Khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng, NO4, NO5 Trung Hòa - Nhân Chính (Vinaconex) cách mấy tháng được bán ra với giá 23-24 triệu đồng/m2 giá gốc, chênh lệch cao nhất cũng chỉ 150 triệu đồng/căn thì nay tiền chênh lên 300 - 500 triệu đồng/căn; nhà 28 tầng Làng Quốc Tế Thăng Long (Tổng công ty Xây dựng Hà Nội), giá chênh lệch tăng từ 100 triệu đồng/căn lên gần 200 triệu/căn (giá gốc từ 20- 21 triệu/m2).

Nhận định về dấu hiệu sôi động trở lại của thị trường bất động tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, diễn biến này là tất yếu sau một thời gian trầm lắng. Thị trường bất động sản “ấm” lên do được hỗ trở bởi nhiều yếu tố, nhưng cơ bản là vì nhu cầu của người dân về nhà ở còn lớn. Ở Việt Nam bình quân nhà ở mới đạt 12 m2, như Hà Nội mới đạt 7-8m2/người, trong khi ở các nước con số này là 30m2. Cho nên về lâu dài, thị trường bất động sản Việt Nam còn phải phát triển.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, bất động sản nóng lên bất thường có thể lặp lại những gì đã diễn ra năm 2007. Cũng bắt đầu từ việc thị trường chứng khoán nóng lên, sau đó lan dần sang thị trường bất động sản do tâm lý của nhà đầu tư ngắn hạn muốn chuyển hướng dòng vốn để tạo ra độ an toàn cao hơn.

Nhưng thực tế tốc độ xây dựng của các dự án vẫn còn chậm, nên có thể nói giá đất tăng trong thời điểm này có một phần từ yếu tố tâm lý chứ chưa hẳn đã do sức cầu tăng. Do đó, các chuyên gia về bất động sản cũng cảnh báo các nhà đầu tư phải hết sức cẩn thận, tránh rủi ro cao, không nên đầu tư theo kiểu phong trào, nghe “đồn thổi”.

Thừa nhận giá cả biến động mạnh có thể do cung - cầu hiện nay chênh lệch, cung ít, cầu lớn nhưng Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, vấn đề còn ở chỗ thị trường quá thiếu minh bạch khi các thông tin cơ bản đều chưa được thể hiện một cách đầy đủ.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đang thí điểm xây dựng chỉ số thị trường bất động sản gồm các chỉ số về lượng giao dịch, loại hàng hóa, giá cả... để đo "nhiệt độ" thị trường giúp người dân và doanh nghiệp dựa vào đó để mua bán, quyết định đầu tư.

DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+