Bất động sản: “Tảng băng” 1 triệu tỉ đồng

Cập nhật 31/10/2012 08:00

Cả 1 triệu tỉ đồng tồn kho bất động sản không chỉ là nguồn lực chết của ngân hàng, của các doanh nghiệp mà còn là nguồn lực của dân, nguồn kiều hối và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Sau một thời gian dài tăng trưởng “bong bóng”, thị trường bất động sản (BĐS) đang được xem là “tội đồ” gây ách tắc, nợ xấu cho nền kinh tế. Thị trường này đóng băng khiến đầu ra của nhiều hàng hóa liên quan bế tắc, kéo theo nguồn lực lớn trong xã hội bị tê liệt.

Những con số khổng lồ

Theo đánh giá của giới chuyên môn, giá đất trong 10 năm qua đã tăng khoảng 10 lần, đồng điệu với tốc độ tăng của dòng tiền đổ vào nền kinh tế nói chung và BĐS nói riêng. Vào thời kỳ đỉnh cao, tổng dư nợ cho vay BĐS chiếm khoảng 10% tổng dư nợ tín dụng của cả nền kinh tế (năm 2011). Một nghiên cứu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy tại thời điểm tháng 6-2011, dư nợ BĐS chiếm 9,95% tổng dư nợ, tương đương 245.000 tỉ đồng. Tỉ lệ này khá cao so với một số nước trong khu vực như Thái Lan 6%, Malaysia 7%...

Một dự án khu dân cư dở dang ở khu đô thị mới Nam TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH

Năm 2012, vốn ngân hàng (NH) đổ vào BĐS có giảm do chính sách thắt chặt tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất. NH Nhà nước cho biết tính đến ngày 20-4, tồn kho BĐS trị giá khoảng 158.000 tỉ đồng, còn theo số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia là 350.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, con số này không tính số tài sản vay thế chấp bằng BĐS. Nếu tính cả khoản này, dư nợ có thể tăng vọt vì 70% giá trị khoản vay đều được thế chấp bằng BĐS.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng đến nay, quy mô tín dụng của nền kinh tế Việt Nam đã vượt ngưỡng 2 triệu tỉ đồng. Dư nợ cho vay BĐS chiếm đến 50% tổng dư nợ có nghĩa là thị trường này đang chôn vốn khoảng 1 triệu tỉ đồng và đây chính là hàng hóa tồn kho lớn nhất, gây trì trệ cho hoạt động của nhiều ngành sản xuất khác.

Theo các chuyên gia kinh tế, đến thời điểm này vẫn chưa có thống kê đáng tin cậy về quy mô của “tảng băng” BĐS vì đây là thị trường không minh bạch. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết từ trước đến nay, tồn kho BĐS không có trong danh mục thống kê, còn Bộ Xây dựng gần đây mới có văn bản gửi đến các doanh nghiệp (DN) yêu cầu cung cấp số liệu về hàng tồn kho.

Rủi ro chéo


Cả triệu tỉ đồng tồn kho BĐS không chỉ là nguồn lực chết của NH, của DN mà còn là nguồn lực của dân. Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, dư nợ cho vay kinh doanh BĐS từ NH chiếm khoảng 1/3 tổng vốn đầu tư toàn xã hội vào thị trường BĐS. Bên cạnh đó là dòng vốn tiết kiệm của dân cư, kiều hối, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Nghiên cứu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy BĐS là kênh đầu tư ưa thích của nhiều hộ gia đình ở các TP, chiếm 34% tổng số hộ gia đình có hoạt động đầu tư. Phân tích số liệu của các tổ chức tín dụng cho vay đầu tư BĐS theo nhu cầu cũng cho thấy 68% người vay tiền với mục đích đầu tư, chỉ có 32% mua để phục vụ nhu cầu nhà ở. Tương tự, đến 52% kiều hối được đầu tư vào BĐS. GS-TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng vốn của dân mắc kẹt trong BĐS không nhỏ do cơ chế bán nhà trên giấy, DN huy động vốn của người mua nhà để triển khai dự án với mức huy động có thể lên đến 70%...
Đáng lưu ý là tỉ lệ cho vay BĐS cao chủ yếu ở các NH thương mại quy mô nhỏ, cá biệt có NH dư nợ BĐS chiếm tới hơn 50%. Do thị trường BĐS phụ thuộc nhiều vào tín dụng NH nên rủi ro chéo giữa 2 khu vực này rất lớn. Nay giới đầu cơ rút khỏi thị trường, BĐS ế ẩm vì mất cân đối cả về cung cầu và cơ cấu hàng hóa. Hậu quả là DN và NH đang mắc vào vòng luẩn quẩn: DN không bán được hàng để trả nợ NH hoặc vay vốn, còn NH dù nắm đằng chuôi là có tài sản thế chấp nhưng cũng không xử lý được nợ xấu vì không biến được BĐS thành tiền.

Theo số liệu của một công ty tư vấn nước ngoài, riêng về căn hộ, hiện Hà Nội và TPHCM còn tồn kho khoảng 70.000 căn. Nếu giá mỗi căn hộ là 1 tỉ đồng thì số tiền đã lên đến 70.000 tỉ đồng. Trong trường hợp không giải quyết được đầu ra thì chỉ khoảng 2 năm nữa, số vốn chết này sẽ lên tới 100.000 tỉ đồng.



DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động