Bất động sản, sức hút đang trở lại

Cập nhật 14/10/2013 08:33

Sau thời gian dài bị xem là gánh nặng cần phải cắt bỏ, bất động sản dần lấy lại sự hấp dẫn và đang vào “tầm ngắm” mới của nhiều doanh nghiệp.

    Thị trường bước vào chu kỳ ổn định

    Cuối tuần qua, Công ty Cushman & Wakefield Vietnam đã công bố báo cáo thị trường bất động sản TP. HCM với những đánh giá toàn cảnh về từng phân khúc.

    Cụ thể, ở phân khúc văn phòng cho thuê, trong quý III, TP. HCM ghi nhận thêm một tòa nhà văn phòng hạng A đi vào hoạt động, nâng tổng nguồn cung hạng A lên hơn 180.000 m2 từ 10 tòa nhà, tăng khoảng 32% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, TP. HCM cũng đang có 46 tòa nhà văn phòng hạng B đang cung cấp cho thị trường hơn 600.000 m2.

    Theo Cushman & Wakefield, sau 5 năm giảm liên tiếp, giá văn phòng cho thuê đã bắt đầu ổn định hơn, một phần nhờ nguồn cung giảm do một số dự án cao ốc văn phòng hoãn tiến độ thi công. Thị trường này sẽ tạo đáy của chu kỳ giá vào quý cuối cùng của năm nay.


    Bất động sản Việt Nam đang có sức hút lớn với các nhà đầu tư nước ngoài

    Ở lĩnh vực bán lẻ, giá chào thuê mặt bằng bán lẻ tại khu trung tâm đang có chiều hướng tăng lên, đạt mức 2,2 triệu đồng/m2 (khoảng 106 USD), cao gấp 3 lần giá cho thuê tại khu vực vùng ven, khoảng 738.000 đồng/m2 (khoảng 35 USD). Đây là phân khúc thị trường tạo sự hấp dẫn khá tốt trong thời gian qua. Trong vòng 5 - 7 năm tới, dự kiến sẽ có khoảng 1,5 triệu m2 sàn được tung ra thị trường, tăng khoảng 200% so với hiện nay.

    “Thị trường có thể hấp thụ hết lượng cung như trên hay không còn là một ẩn số. Tuy nhiên, nền kinh tế đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, là cơ sở kích cầu trung hạn. Nhu cầu mặt bằng bán lẻ tại trung tâm TP. HCM vẫn cao trong ngắn hạn, nhưng do quỹ đất ngày càng hạn hẹp, nên nguồn cung tương lai sẽ tập trung chủ yếu ở ngoại thành”, ông Chris Brown, Tổng giám đốc Công ty Cushman & Wakefield Vietnam cho biết, đồng thời nhận định, nhiều thương hiệu nước ngoài bước đầu tham gia thị trường không quá đặt nặng vấn đề bán hàng, mà chỉ muốn quảng bá thương hiệu, nên chấp nhận thuê mặt bằng với giá cao tại trung tâm. Đó là lý do tại sao một số tòa nhà tại khu trung tâm vẫn có thể tìm được khách hàng.

    Với phân khúc thị trường căn hộ, đã bắt đầu có những dấu hiệu lạc quan, nhất là căn hộ giá thấp. Những dự án có chủ đầu tư uy tín và đảm bảo tiến độ xây dựng luôn tạo được sự quan tâm với khách hàng. Tuy nhiên, các chủ đầu tư dự án căn hộ sẽ còn nhiều chuyện phải làm khi thị trường còn khoảng 27.800 căn hộ tồn kho, bao gồm cả thị trường Hà Nội và TP. HCM. Với các chính sách ưu đãi về điều kiện thanh toán, thị trường căn hộ tiếp tục là thị trường của người mua trong thời gian tới.

    Trở thành “tầm ngắm” mới

    Theo Cushman & Wakefield, kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục, dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng trưởng. 9 tháng đầu năm nay, tổng nguồn vốn FDI đăng ký mới và bổ sung vào Việt Nam đạt 15 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lĩnh vực bất động sản vẫn đứng thứ 2 về thu hút FDI.

    Theo phân tích của giới chuyên môn, qua một thời gian dài khó khăn, gần đây lĩnh vực bất động sản đã bắt đầu trở lại “tầm ngắm” của các doanh nghiệp cả trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài.

    Ông Chris Brown cho biết, nếu như 2 - 3 năm trước, nhà đầu tư nước ngoài không quan tâm nhiều đến bất động sản Việt Nam vì yếu tố rủi ro, thì gần đây nhiều nhà đầu tư trong khu vực châu Á đang muốn tìm cơ hội đầu tư tại đây.

    “Công ty chúng tôi đã nhận được khá nhiều yêu cầu từ nhà đầu tư nước ngoài thời gian gần đây tìm kiếm những dự án của các doanh nghiệp trong nước kẹt vốn muốn bán lại, hoặc hợp tác đầu tư”, ông Chris Brown nói và cho biết, Cushman & Wakefield đang sắp xếp cho một nhà bán lẻ châu Âu vào một dự án tại TP. HCM. Nếu mọi việc suôn sẻ, thương vụ này có thể sẽ kết thúc trong năm nay.

    Vẫn theo ông Chris Brown, nhìn một cách tổng thể, hiện thị trường bất động sản Myanmar được nhận định là có nhiều tiềm năng và được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhưng khung pháp lý chưa rõ ràng, trong khi đó, thị trường Lào và Campuchia thì không lớn, còn thị trường Thái Lan cạnh tranh rất khắc nghiệt. Đó cũng là một trong những lý do khiến thị trường bất động sản Việt Nam vẫn là điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư nước ngoài.
   
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư chứng khoán