Trong khi tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM mật độ dân số ngày càng tăng, con người phải sống trong những mảng bê tông xám xịt mà môi trường ngày càng ô nhiễm, phải đối mặt với nạn tắc đường, kẹt xe và khói bụi, đặc biệt thiếu không gian công cộng, thiếu các mảng không gian xanh và những khu vui chơi giải trí ngoài trời.
Những ngôi biệt thự vườn đồi không còn là “môt”
|
Sống trong ngôi nhà với 4 bức tường bê tông đã không còn hấp dẫn với những người có thu nhập cao. Cùng với sự thay đổi của lối sống, tư duy, nhu cầu và tiện ích cuộc sống cũng thay đối, người ta chú ý nhiều hơn đến chất lượng sống, trong đó ở là phần quan trọng.
Biệt thự vườn đồi - “mốt” đã lỗi thời?
Khoảng gần chục năm trước trào lưu biệt thự vườn đồi rộ lên ở Hà Nội. Nhiều người giàu lắm tiền đã nhanh chóng “tậu” mảnh đất rộng hàng ha hay một quả đồi ở những địa điểm cách trung tâm Thành phố vài chục km, xây biệt thự nhà vườn làm nơi nghỉ dưỡng cuối tuần. Anh Nguyễn Minh Tuấn hiện đang công tác tại một Công ty hàng không cho biết, tôi mua và xây nhà cách đây 7 năm, nhà đã hoàn thiện, vườn tược với đủ các loại cây quả cũng được đầu tư nhưng do công việc bận thỉnh thoảng gia đình tôi mới có điều kiện về. Vợ chồng thì còn quen và chịu được cảnh thường xuyên mất điện, thiếu nơi vui chơi giải trí chứ mấy đứa con tôi thì có ép chúng mới về, vì chúng kêu buồn, không phố xá, không internet, không nơi vui chơi giải trí và cuộc sống thiếu nhiều tiện ích. Chợ thì ở xa muốn mua gì cũng phải đi gần chục Km.
Tôi có quen giám đốc một doanh nghiệp, gia đình ông có ngôi biệt thự 2 tầng bề thế trên một quả đồi ở Xuân Mai. Tuy nhiên, ông cho biết, căn nhà khang trang ấy luôn thiếu hơi người vì thỉnh thoảng gia đình ông mới về đó nghỉ ngơi. “Đầu tư hàng chục tỷ đồng và hàng tháng phải bỏ ra vài triệu để chăm sóc và thuê người chăm sóc ngôi nhà. Trong khi đó, thời gian sống ở đó rất ít. Khoản tiền đó rất lãng phí” - ông cho hay.
Không chỉ nhà anh Tuấn hay ông giám đốc nọ mà rất nhiều gia đình giàu có đã xây dựng biệt thự vườn đồi làm nơi nghỉ dưỡng cuối tuần nhưng giờ thì trào lưu ấy đã lỗi “mốt” ….
Biệt thự sinh thái - xu hướng mới
Nếu biệt thự vườn đồi là trào lưu của chục năm trước thì một vài năm trở lại đây BĐS sinh thái nghỉ dưỡng lại trở thành trào lưu mới trên thị trường. Nắm bắt được nhu cầu của những người giàu về một cuộc sống chất lượng cao, hàng loạt các dự án mang tên BĐS sinh thái nghỉ dưỡng đã được chủ đầu tư tung ra thị trường từ Bắc tới Nam. Địa điểm của dự án nằm trong vùng quy hoạch phát triển và phải có giá trị thiên nhiên đặc biệt nhưng không cách trung tâm Thành phố quá xa đã được nhiều chủ đầu tư khai thác.
Chỉ xanh chưa đủ.
|
Một loạt các khu đô thị, biệt thự sinh thái được ra mắt thị trường như: Ecopark, biệt thự nhà vườn sinh thái tại Bắc Ninh của Viglacera land, làng biệt thự sinh thái Moon River (nằm cạnh sông Thị Tính - Bình Dương, Top Hill, Lâm Sơn Resort (Lương Sơn - Hòa Bình), The Qeen Villas (Ba Vì - Hà Nội)…đã được tung ra thị trường và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.
Một chủ đầu tư cho biết, cùng với nhu cầu một bộ phận người dân có thu nhập cao thì với chính sách tạo điều kiện cho Việt Kiều và người nước ngoài mua nhà, BĐS sinh thái nghỉ dưỡng đang hứa hẹn nhiều tiềm năng.
Không chỉ xây dựng với hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện, nhiều chủ đầu tư còn đưa ra cơ chế vận hành time - share, giúp khách hàng gia tăng thu nhập bằng cách cho thuê biệt thự trong thời gian gia chủ không sử dụng, đồng thời giảm tiền thuê người quản gia.
“Xanh” đã đủ tiêu chuẩn?
Theo tiêu chuẩn của LEED, một công trình được gọi là “xanh” khi xây dựng được hệ thống năng lượng thay thế (như sử dụng năng lượng mặt trời và sức gió), sử dụng các phương pháp xây dựng đảm bảo tính bền vững năng lượng, các thiết bị làm nóng tận dụng nguồn năng lượng mặt trời, tránh tạo nhiệt cơ học, hệ thống tái chế nước thải và thu gom nước mưa hoạt động tách biệt, đặc biệt trong xây dựng, trang trí nội thất phải sử dụng các loại nguyên liệu phẩm màu có hợp chất NO - VOC (hợp chất hữu cơ dễ bay hơi).
Dù đã có sản phẩm ra thị trường nhưng ở nước ta khái niệm sinh thái mới chỉ đơn thuần hiểu nôm na là gần gũi với thiên nhiên, tận dụng những bãi biển, cánh rừng, triền đồi hay sông hồ…để tạo cảnh quan đẹp và không gian xanh, tạo không khí thoáng mát trong lành cho ngôi nhà.
Biệt thự sinh thái yêu cầu nhiều tiêu chuẩn.
Điểm khác biệt lớn nhất với trào lưu biệt thự nhà vườn rộ lên gần chục năm về trước là những ngôi biệt thự gắn mác “sinh thái” này không cô lập trên một quả đồi hay trơ vơ trong thung lũng mà có đầy đủ tiện ích, được chủ đầu tư xây dựng đồng bộ cả về hạ tầng, có bể bơi, bãi tắm, công viên, có các khu vui chơi giải trí, trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe, trường học thậm chí có cả sân gôn, bến du thuyền và các quầy bar sang trọng, có những không gian thơ mộng với ngút ngàn rừng thông những bãi biển xanh rì rào sóng vỗ…nhưng còn thiếu các yêu cầu về kiến trúc, vật liệu, nội thất cũng như việc tạo và sử dụng năng lượng, hệ thống thu gom xử lý nước rác thải của ngôi nhà….
Nói cách khác, các chủ đầu tư BĐS “sinh thái” ở nước ta mới chỉ chú ý đến một khía cạnh của sinh thái. Hiện BĐS sinh thái nghỉ dưỡng ở Việt Nam mới chỉ là những ngôi nhà trong vùng quy hoạch có không gian xanh, cảnh quan đẹp, được thiết kế thoáng mát, tận dụng ánh sáng tự nhiên và sử dụng năng lượng mặt trời trong đun nóng nước.
Để tránh tình trạng “gắn mác” sinh thái rồi làm giá, đồng thời góp phần bình ổn thị trường, đã đến lúc nước ta cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cho loại BĐS và khuyến khích mảng BĐS này phát triển vì nó mang lại lợi ích và chất lượng cho cuộc sống con người.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng