Ông Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, đã nói như vậy tại buổi tọa đàm tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm khơi thông thị trường bất động sản TP.HCM do Hiệp hội Bất động sản TP tổ chức ngày 15-12 tại TP.HCM.
Quan điểm tháo gỡ cho bất động sản (BĐS) hiện còn không ít ý kiến khác nhau. Có ý nói nên để cho thị trường tự điều chỉnh. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến trong đó có ý kiến Bộ Tài chính là phải tập trung gỡ khó cho thị trường BĐS. Vì gỡ cái này là gỡ khó chung cho cả nền kinh tế.
Bộ Tài chính đã có giải pháp tài chính
Ông Huệ cho biết Bộ Tài chính đã thành lập tổ công tác đặc biệt để nghiên cứu về những giải pháp tài chính để trình Chính phủ, Quốc hội nhằm hỗ trợ thị trường, kích thích tăng trưởng, giảm nợ xấu, giải quyết điểm nghẽn hàng tồn kho BĐS. “Ngày thứ Hai tới tôi trực tiếp dự nghe các chuyên gia cho ý kiến lần cuối về đề án giải cứu thị trường BĐS trước khi Bộ hoàn thiện để báo cáo lên Thủ tướng. Kịch bản giải cứu cho nền kinh tế, cho BĐS chúng tôi đã có trong tay rồi” - ông Huệ cho biết.
Ở quan điểm cá nhân, ông Huệ cho rằng muốn phá băng BĐS thì trước khi để băng rã thì thị trường phải ấm. “Tôi cho rằng rã băng BĐS phải bằng một giải pháp tổng thể như minh bạch từ giá bán, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp (DN) để giúp thị trường BĐS ấm lên… Băng BĐS tan ngay, tôi cho là khó nhưng cách làm có thể là kích thích ấm từng phân khúc, từng khu vực của thị trường”.
Phá băng BĐS bằng giải pháp nhà diện tích nhỏ. Ảnh: M.THẢO |
Phá băng bằng lãi vay rẻ
Đề xuất giải pháp, đại diện các DN BĐS cho rằng lãi vay giá rẻ sẽ giúp phá băng BĐS.
Ông Lê Chí Hiếu, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP, cho rằng phá băng BĐS lúc này hiệu quả cần hỗ trợ lãi vay giá rẻ cho người mua nhà.
Theo thống kê, tổng số cán bộ, công chức (chưa bao gồm lực lượng vũ trang) TP khoảng 212.000 người, trong đó ngành giáo dục 68.000 người, ngành y tế 32.000 người. Giả định có khoảng 50% số người này có nhu cầu mua nhà thì việc xử lý hàng tồn kho BĐS trên địa bàn TP hoàn toàn có thể làm được. “Nhưng để các đối tượng này mua nhà thì cần có cơ chế hỗ trợ tín dụng ưu đãi ở mức 8%/năm trong thời gian 10-15 năm cho người mua nhà đầu tiên, người đang ở nhà chật hẹp dưới 8 m2/người” - ông Hiếu phân tích.
Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Nam Long, nói ngành ngân hàng cần tạo niềm tin cho thị trường bằng chính sách lãi suất minh bạch.
Các ngân hàng thương mại nói cho khách hàng vay mua nhà lãi suất 8%-9%/năm nhưng thực tế lãi suất này, thời gian áp dụng chỉ ba đến bốn tháng. Trong khi người dân vay thường 10-15 năm mà trong tương lai họ không biết lãi vay tăng, giảm thế nào thì không ai dám vay. “Để thị trường BĐS ấm, tôi cho rằng NHNN cần tạo lòng tin bằng giải pháp điều hành về lãi suất cho vay cụ thể, như lãi cho vay năm 2013 sẽ ra sao” - ông Quang kiến nghị.
TP thí điểm nộp thuế bằng căn hộ
Trong một tài liệu UBND TP đang lấy ý kiến để giải cứu thị trường BĐS có nhiều đề xuất rất mới.
Đó là giải pháp cho DN chia nhỏ căn hộ phù hợp nhu cầu thị trường. Còn về giải pháp tài chính cho gia hạn nộp tiền sử dụng đất thời gian thấp nhất 12 tháng.
Một giải pháp khác cũng khả thi là thí điểm cho DN kinh doanh BĐS được nộp thuế thu nhập DN và tiền sử dụng đất bằng quỹ nhà (căn hộ) đối với dự án đã hoàn thành.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS, cho rằng việc cho DN nộp thuế thu nhập DN và tiền sử dụng đất bằng căn hộ tồn kho là hợp lý. “Cái này không trái Luật Quản lý thuế vì TP có Công ty Quản lý và Kinh doanh nhà nên tiền thuế DN nộp bằng quỹ nhà, TP có thể dùng được” - ông Châu nói.
Ông NGUYỄN VIẾT TẠO, Công ty Bất động sản NVT:
Nên cho người nước ngoài mua nhà
Phá băng BĐS cần cho người nước ngoài mua nhà, cũng không nên hạn chế họ được mua nhà diện tích nào, khu vực nào. Bên cạnh đó cần cho DN BĐS được thế chấp BĐS ở ngân hàng ngoại.
Luật sư TRƯƠNG THỊ HÒA, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Cần giảm thuế
Chính phủ nên quan tâm đến vấn đề thuế, miễn, giảm thuế ngay. Tôi cho rằng thuế giảm sẽ đánh động các tỉnh, địa phương, khơi dòng tiền của DN, trong dân. Chỉ cần giảm thuế người dân sẽ quan tâm đến BĐS. Tôi thấy các nước tháo gỡ BĐS cũng bắt đầu bằng giải pháp tài chính. Việc làm cần cụ thể như tiền sử dụng đất cho DN đóng chậm, việc giảm thuế lộ trình thế nào…
Ông NGUYỄN VĂN ĐựC, Phó Giám đốc Công ty Đất Lành:
Cần có căn hộ thương mại 25 m2
Tại sao Chính phủ đã cho phép xây nhà ở xã hội diện tích 25 m2 mà không cho DN xây nhà thương mại diện tích này? DN chúng tôi cam kết nếu được cho phép xây nhà thương mại như thế thì chúng tôi chỉ bán với giá bằng hoặc thấp hơn giá nhà ở xã hội. Theo tôi, nhà ở diện tích nhỏ sẽ là giải pháp phá băng cho BĐS.
Ông PHẠM ĐÌNH CƯỜNG, Cục trưởng Cục Công sản - Bộ Tài chính:
Tính tiền sử dụng đất bằng bảng giá đất
Tiền sử dụng đất DN đã kiến nghị nhiều và chúng tôi đã có tháo gỡ. Thực tế chúng tôi thấy có dự án BĐS phải nộp tiền sử dụng đất hai lần như cách tính theo Nghị định 69 (đóng tiền sử dụng đất theo giá thị trường). Cái này, Cục đã gỡ một phần như sắp tới sẽ căn cứ bảng giá đất hằng năm để tính tiền sử dụng đất.
DiaOcOnline.vn - Theo PLTP