Bất động sản: Sau niềm vui là những nỗi lo

Cập nhật 19/01/2016 08:56

Hàng loạt thông số lạc quan về thị trường bất động sản, xây dựng đã được công bố tại cuộc họp tổng kết toàn ngành xây dựng cuối tuần qua.


Theo đó, tại Hà Nội, năm 2015 đã có khoảng 19.350 giao dịch địa ốc thành công, tăng gần 1,7 lần so với năm 2014; tại TP. HCM con số tương ứng là 18.700 giao dịch và tăng 1,8 lần. Tính đến 25/12/2015, tổng giá trị tồn kho bất động sản trên cả nước đã giảm khoảng 77.659 tỷ đồng (giảm 60,41%) so với quý I/2013, còn khoảng 50.889 tỷ đồng. 

Cùng với việc thị trường nhà ở thương mại khởi sắc, hàng vạn căn hộ nhà ở xã hội đã có chủ hoặc được khởi công; gói 30.000 tỷ đã cam kết cho vay trên 90% và dự báo sẽ hoàn tất trong quý I/2016…

Những con số trên cho thấy, thị trường địa ốc đã chính thức bước vào giai đoạn phục hồi. Và trong đó có vai trò cực kỳ quan trọng của nền tảng chính sách, từ Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở sửa đổi, đến các nghị định hướng dẫn thi hành chính thức có hiệu lực, đã tạo một hành lang pháp lý thông thoáng cho sự vận hành của thị trường. Ngoài ra, vai trò của Bộ Xây dựng với vị trí là cơ quan chuyên trách quản lý ngành cũng rất rõ trong việc định hình lại bộ mặt của thị trường, cơ cấu lại sản phẩm bất động sản theo Chiến lược Nhà ở quốc gia.

Rõ ràng, niềm vui trong năm qua rất nhiều. Tuy nhiên, đi sâu vào những vấn đề mang tính căn cơ hơn thì nỗi lo cũng không ít!

Như Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã chỉ ra, dù đã hết sức nỗ lực, nhưng công tác xây dựng thể chế, chính sách vẫn còn chậm. Cái rõ nhất là một số thông tư cụ thể hóa Nghị định của Chính phủ hướng dẫn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản vẫn chưa được ban hành.

Còn theo Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM Trần Trọng Tuấn, trong năm 2015, tại địa bàn này ghi nhận tới 55 vụ tranh chấp tại các chung cư, một phần vì thiếu thông tư hướng dẫn việc quản lý và sở hữu…

Ngược lại, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, ông Trần Ngọc Hùng lại nêu lên một thực tế là các thành viên thị trường bất động sản, xây dựng đang rất bối rối trước cả rừng văn bản hướng dẫn trong ngành. Ông Hùng cho biết, theo thống kê của Tổng hội, hiện có tổng số 3.142 văn bản điều chỉnh mọi mặt hoạt động của ngành, trong đó có những quy định trùng lắp, thậm chí chồng chéo, mâu thuẫn nhau.

“Cần rà soát, loại bỏ những quy định bất cập và Bộ nên sớm xuất bản các cẩm nang pháp lý về từng chuyên ngành hẹp để các thành viên thị trường dễ theo dõi và tuân thủ”, ông Hùng nêu quan điểm.

Nhưng chuẩn hóa văn bản quy phạm pháp luật là một chuyện, việc áp dụng các quy định đó một cách nghiêm túc trên thực tế còn khó hơn nhiều.

Đại diện Tổng hội Xây dựng Việt Nam nêu lên một thực tế, đó là Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua từ năm 2011, nhưng 5 năm đã trôi qua, nhiều quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng vẫn chưa được thông qua. Chính điều này là một nguyên nhân quan trọng làm nảy sinh tình trạng xây dựng sai phép, thậm chí không phép tràn lan, mà câu chuyện Dự án 8b Lê Trực vẫn đang còn nóng hổi.

Xét trên bình diện các đô thị toàn quốc, hiện còn có đến 65% quy hoạch chi tiết chưa được lập và nếu theo tiến độ mỗi năm hoàn thành được khoảng gần 3% quy hoạch chi tiết các đô thị, thì phải vài chục năm nữa việc này mới hoàn tất. Khi đó, có thể rất nhiều quy hoạch đã trở nên lạc hậu…

Vẫn câu chuyện về chính sách và việc thực hiện chính sách, Chủ tịch Công ty Địa ốc Hoàng Quân, ông Trương Anh Tuấn rất cám ơn công văn của Bộ Xây dựng cho phép các dự án nhà ở xã hội không cần phải thực hiện thủ tục bảo lãnh dự án - điều mà ông Tuấn cho rằng “Đã cứu các dự án nhà ở xã hội của Công ty đang xây dựng”. Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, thay vì có công văn trả lời cụ thể từng chủ đầu tư xin ý kiến, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước nên thống nhất để ban hành quyết định cho phép toàn bộ dự án nhà ở xã hội không phải thực hiện thủ tục bảo lãnh...

Những câu chuyện trên cho thấy, thị trường bất động sản, xây dựng đã bước vào một chu kỳ mới, nhưng để nó phát triển thực sự bền vững thì bộ khung chính sách phải được chấn chỉnh một cách căn cơ hơn, nhất là ở giai đoạn triển khai thực hiện.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị của ngành xây dựng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh có kể một câu chuyện vui khi ông còn ở vị trí lãnh đạo TP. Hà Nội, rằng: "Nhiều lần xuống cơ sở nói chuyện với anh em quản lý ở phường, các vị ấy sâu sát đến mức con gái nhà ai hay đi chơi về khuya cũng nắm được, nhưng chả hiểu sao cái nhà to đùng trên địa bàn xây không phép thì lại… không nhìn thấy?”.

Chuyện vui mà buồn đó nêu lên một thực tế về sự quản lý chưa nghiêm và rất cần chấn chỉnh để đưa thị trường, đưa công tác quy hoạch vào nề nếp. Và để làm việc này, một mình Bộ Xây dựng hẳn không thể làm, mà cần có sự chung tay của nhiều bộ, ngành và các địa phương.                    


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản