Bất động sản nhanh chóng hạ nhiệt

Cập nhật 26/11/2009 14:15

Thị trường bất động sản Hà Nội sau “bong bóng” lại trầm lắng

Sau đợt “dậy sóng” ồ ạt, thị trường bất động sản Hà Nội nhanh chóng hạ nhiệt. Các giao dịch chững lại và trở nên trầm lắng hơn, mở ra cánh cửa cho các nhà đầu tư.

Giá đất “nối đuôi” giá vàng

Theo khảo sát của phóng viên, cách đây một tháng, hàng loạt dự án tại Hà Nội có mức giá cao hơn nhiều so với giá gốc. Chung cư Dương Nội, có những lúc, giá từng chênh với gốc khoảng 200 triệu đồng. Khu đô thị Đại Mỗ (thuộc huyện Từ Liêm - Hà Nội), cũng chênh đến 150 - 200 triệu đồng.

Không chỉ giá nhà chung cư mà đất nền dự án tại các khu vực như An Khánh, Văn Khê, Hà Đông, Mê Linh… đều được chủ đầu tư hoặc các trung tâm môi giới đẩy giá lên từ 20 - 30%. Ngay cả những người dân có nhà, đất bán hoặc rất cần bán cũng bắt đầu điều chỉnh mức giá đã niêm yết tại các sàn hoặc rao bán trên mạng.

Điển hình là đất ở khu biệt thự Hà Phong, khu biệt thự Minh Giang - Đầm Và, giá gốc chủ đầu tư bán hồi tháng Tám chỉ 5,5 triệu đồng/m2 nhưng đến tháng Mười, giao dịch sang tay là 7 - 8 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Đất chia lô tại dự án Mê Linh - Dimond Park, giá gốc 5 - 6 triệu đồng/m2 hồi giữa năm, tháng trước có lúc lên kỷ lục tới gần 15triệu/m2.

Tuy nhiên, mức giá kỷ lục được duy trì không lâu. Khoảng giữa tháng 11, lượng giao dịch trầm hẳn. Nhiều khu biệt thự "sốt" trong tháng trước, nhanh chóng rơi vào trạng thái bão hòa. Người mua không còn sẵn sàng trả những khoản chênh lớn cho các suất trao tay.

Một loạt dự án đình đám trở thành tâm điểm của thị trường hồi tháng 10 đến nay bắt đầu chững lại, còn đất nền và chung cư đều ở trạng thái giữ hoặc giảm giá.

Một số dự án như Kim Chung - Di Trạch, Tân Tây Đô, Cienco 5... đang "án binh bất động", dù giá giảm từ 500.000 đến một triệu đồng mỗi m2. Hàng loạt dự án đất nền với giá tăng chóng mặt giờ lơ lửng. Điển hình là dự án Cienco 5, kể từ đầu tháng vẫn giữ giá 10 - 11,5 triệu mỗi m2; Diamond Park giao dịch chỉ còn khoảng trên dưới 11 triệu/ m2.

Thời điểm để đầu tư?

Sở dĩ có hiện tượng trên là bởi, nắm bắt “tâm lý đám đông” trong kinh doanh của người dân, cộng với nhu cầu về nhà ở cao hơn so với lượng cung hiện tại, nên chủ đầu tư và môi giới tranh thủ đẩy giá bất động sản lên cao hơn nhiều so với giá gốc.

Vì thế, tình trạng bất động sản “sốt nóng” tại thủ đô, khiến nhiều người có nhu cầu thực sự không có khả năng mua. Không ít khách hàng phải "nằm im" nghe ngóng, chờ giá đất giảm.

Ngoài ra, một số nhà đầu tư lướt sóng, buộc phải bán tháo khi đến kỳ hạn góp vốn, cũng góp phần dẫn đến giá nhà đất đột ngột giảm.

Thêm vào đó, việc Ngân hàng Nhà nước vừa chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay chứng khoán, bất động sản… làm tâm lý nhà đầu tư lung lay.

Trước sức tăng quá nóng của thị trường địa ốc, động thái thắt chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước gây ra hiện tượng hãm cung tiền, vốn đổ vào bất động sản, bị hạn chế. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, khi thị trường bất động sản trầm lắng chính là thời điểm nhiều nhà đầu tư mua vào để đón đầu những “đợt sóng” mới.

Theo phân tích của ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, khi gói kích cầu thứ hai được Chính phủ phê duyệt, sẽ có một lượng tiền nhất định đổ vào thị trường bất động sản. Ngoài ra, trước nguy cơ "sốt giá" do vàng và đô la Mỹ biến động, khách hàng cũng sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi đổ tiền vào bất động sản.
 

Thời điểm này, một số nhà đầu tư đang “lội ngược dòng”, tìm mua nhà, đất ở các khu vực còn “non trẻ”, có mức giá chưa cao ở khu vực Hà Đông, Thanh Trì, Mê Linh.

“Ở những khu vực này, tuy còn non trẻ, nhưng chỉ cần chờ đợi những thông tin như việc phê duyệt dự án quy hoạch 10 đô thị vệ tinh vào tháng 5/2010, dự án mở rộng đường cao tốc Thăng Long - Nội bài hay sự hoàn thiện của cầu vượt Nhật Tân nối liền đường 5 kéo dài, hệ thống hạ tầng và giao thông nơi đây sẽ rất thuận tiện” - anh Lợi một nhà đầu tư bất động sản lạc quan.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong